Châu Âu sắp cấm toàn diện dầu Nga

Chia sẻ Facebook
05/02/2023 00:38:49

Câu hỏi lớn là liệu lệnh cấm này cũng như các lệnh cấm khác có tác động gì đến Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc kết thúc xung đột ở Ukraine hay không.


Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang chuẩn bị cho những biến động lớn hơn trong vài tuần tới sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm tất cả các sản phẩm dầu tinh chế của Nga . Bắt đầu từ ngày 5/2, khối 27 quốc gia sẽ cấm nhập khẩu xăng, dầu diesel và các sản phẩm khác của Nga được sử dụng trên khắp châu Âu.

Đồng thời, hôm 3/2, các nước thành viên EU, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga kể từ ngày 5/2, bao gồm mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu. Đây cũng là các mức giá đã được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trước đó.

Điều đó sẽ ngăn cản việc tiếp cận tàu, công ty bảo hiểm hàng hải và các dịch vụ liên quan trừ khi các sản phẩm dầu được mua với giá bằng hoặc thấp hơn giới hạn đã thỏa thuận. Một hệ thống tương tự đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển đã có hiệu lực từ hồi tháng 12/2022.

Doanh thu bán dầu và khí thiên nhiên chiếm phần lớn trong ngân sách chính phủ Nga. Mỹ, EU và các đồng minh khác đang nhắm mục tiêu vào ngành năng lượng của Moscow trong nỗ lực thắt chặt “thòng lọng kinh tế” xung quanh Điện Kremlin, khiến việc tài trợ cho chiến dịch của họ ở Ukraine trở nên khó khăn hơn. Nhưng các biện pháp cũng có thể dẫn đến các đợt tăng giá.


Tầm ảnh hưởng của lệnh cấm toàn diện

Trong vài tháng qua, EU đã cấm nhập khẩu dầu thô của Nga nhưng cho phép bán các sản phẩm tinh chế. Giờ đây, khối này sẽ cùng với Mỹ và Vương quốc Anh thực hiện một lệnh cấm vận rộng lớn hơn.

Lệnh cấm mới của EU sẽ áp dụng cho bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất từ dầu thô Nga, ông Richard Bronze, người đứng đầu bộ phận địa chính trị tại Energy Aspects, một công ty tư vấn ở London, cho biết.

Lệnh cấm mới của EU, có hiệu lực từ 5/2/2023, áp dụng cho bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất từ dầu thô Nga. Ảnh: Getty Images

“Xăng dùng cho ô tô, nhiên liệu dùng cho máy bay hoặc dầu diesel dùng cho xe tải, để vận hành máy móc, vì vậy nó thực sự là tất cả các loại nhiên liệu mà chúng ta tiêu thụ và dùng để duy trì nền kinh tế”, ông Bronze nói.

Theo các nhà phân tích thị trường, năm ngoái, châu Âu đã nhập khẩu khoảng 700.000 thùng dầu diesel mỗi ngày từ Nga - khoảng một nửa tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu của châu Âu.

Ông Matteo Ilardo, một nhà phân tích địa chính trị có trụ sở tại London của công ty tình báo rủi ro RANE, cho biết lệnh cấm sẽ có tác động đối với người châu Âu. Ông chỉ ra sự phụ thuộc nặng nề của Pháp vào dầu diesel từ Nga.

“Pháp thường nhập khẩu khoảng 20% tổng lượng dầu diesel bằng đường biển từ Nga. Vì vậy, việc có thể loại bỏ hoàn toàn lượng dầu diesel đó sẽ là một thách thức”, ông Ilardo cho biết.

Châu Âu đã tranh thủ mua dầu diesel của Nga trong vài tháng qua trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Ông Hedi Grati, người đứng đầu bộ phận lọc dầu và tiếp thị tại S&P Global Commodity Insights, một công ty dữ liệu và nghiên cứu năng lượng ở London, cho biết châu Âu có một số nhà máy lọc dầu nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu.

“Dầu diesel sẽ phải đến từ một nơi khác”, ông Grati nói. “Các nhà cung cấp hợp lý nhất là các quốc gia ở Trung Đông như Ả Rập Xê-út, Kuwait, sau đó là Ấn Độ và Mỹ”.


Trần giá dầu Nga hiệu quả đến đâu?

Phản ứng của thị trường đã được dự đoán, nhưng liệu nó ảnh hưởng đến Moscow như thế nào?

Dầu là một thị trường toàn cầu, vì vậy tác động của lệnh cấm mới nhất có thể sẽ được cảm nhận bên ngoài châu Âu. Ông Ilardo cho biết, ban đầu chắc chắn sẽ có sự hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

“Chúng ta chắc chắn sẽ thấy giá cả tăng đột biến vào tháng 2, ngay sau khi lệnh cấm có hiệu lực”, ông nói. “Đây đơn giản là một phản ứng của thị trường. Các thị trường không thích sự không chắc chắn, vì vậy chúng thường phản ứng bằng việc tăng giá”.

Đó không phải là tin tốt cho người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp ở châu Âu, vốn đang phải vật lộn với nền kinh tế suy yếu.

Một giàn khoan tại Mỏ dầu Yarakta ở Vùng Irkutsk, Nga. Ảnh: Japan Times

Ông Bronze, chuyên gia tại Energy Aspects, cho biết chắc chắn lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm dầu thô và tinh chế sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Nga.


“Nhưng tôi nghĩ câu hỏi khó đặt ra là liệu nỗi đau kinh tế đó có đủ để thay đổi thái độ của Tổng thống Putin đối với cuộc xung đột ở Ukraine hay các chính sách rộng lớn hơn của ông ấy đối với phương Tây hay không”, ông nói. “Và tôi nghĩ điều đó ít có khả năng xảy ra hơn” .


Minh Đức (Theo NPR, Reuters)

Chia sẻ Facebook