Châu Âu lo ngại khi Nga tạm khóa đường ống khí đốt
Kể từ ngày 11/7, Nga đã cho tạm dừng hoạt động đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 với lý do phục vụ hoạt động bảo trì định kỳ.
Từ sáng 11/7, khí đốt từ Nga đã không còn được vận chuyển tới Đức thông qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 . Italy cũng cho biết, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt giảm 1/3 nguồn cung khí đốt cho nước này do hoạt động bảo trì đường ống trong vòng 10 ngày. Còn tại Pháp, nhiều công ty đã chuyển sang sử dụng dầu do lo ngại nguồn cung khí đốt bị cắt.
Một câu hỏi lớn đang được đặt ra tại châu Âu là sau khi thời hạn bảo trì kết thúc, việc cung cấp khí đốt liệu có được nối lại?
"Chuyện gì sẽ xảy ra khi thời hạn bảo trì kết thúc? Không ai có thể đoán trước được. Nó sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày, kết thúc sớm hơn hay muộn hơn. Chúng tôi sẽ phải chờ xem sao", ông Klaus Mueller - Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức cho hay.
Thị trường chứng khoán châu Âu đã đón nhận diễn biến này với một tâm lý bi quan. Hầu hết các chỉ số chính của khu vực đều giảm điểm, trong đó chỉ số DAX của Đức ghi nhận mức giảm mạnh nhất.
Ông Carsten Brzeski - Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu, Tập đoàn tài chính ING cho biết: "Trong những ngày gần đây, thị trường tài chính đã phải hứng chịu những cú sốc và người ta tin rằng, khí đốt sẽ không được cung cấp đầy đủ sau thời hạn 10 ngày. Thị trường đang chuẩn bị cho kịch bản Đức và châu Âu sẽ phải đối mặt với một mùa Đông khắc nghiệt mà không có thêm khí đốt từ Nga. Điều này sẽ làm gia tăng khả năng suy thoái".
Đức - nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga hiện đang cố gắng cắt giảm mức tiêu thụ và tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, nếu như nguồn cung khí đốt từ Nga hoàn toàn bị cắt, sự lao dốc của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là khó tránh khỏi.
"Khi đó chúng ta sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái thực sự, với GDP giảm khoảng 5%. Điều này tương đương với cuộc suy thoái hồi 2008 - 2009. Đây sẽ là một đòn nặng nề với nền kinh tế Đức", ông Chris Oliver Schickentanz - chuyên gia kinh tế cho biết.
Việc Nga tạm dừng đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 với công suất 55 tỷ m3/năm diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu đang cố gắng lấp đầy 80% các kho dự trữ khí đốt trước tháng 11. Hiện các hầm chứa khí đốt tại châu Âu mới chỉ được lấp đầy khoảng 60%. Nếu kế hoạch không thể hoàn thành, nguy cơ cạn kiệt khí đốt ngay trong mùa Đông này là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Qatar hiện đang đồng sở hữu, chia sẻ khai thác với Iran mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, liệu Qatar có thể mang lại lời giải gì cho bài toán khí đốt tại châu Âu?