Châu Âu lo lạm phát chồng lạm phát
Châu Âu đang chuẩn bị cho những đợt tăng giá mới, tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn và suy giảm kinh tế nặng nề hơn
Đợt tăng giá khí đốt mới dường như đã dập tắt mọi hy vọng rằng cuộc chiến chống lạm phát của châu Âu sẽ sớm hạ nhiệt. Đầu tuần này, Ngân hàng Citibank (Mỹ) dự báo lạm phát của Anh sẽ tăng vọt lên mức cao nhất trong gần nửa thế kỷ là 18,6% vào tháng 1-2023.
Dự báo lạm phát của Anh được đưa ra khi giá khí đốt tự nhiên có ít dấu hiệu cho thấy sẽ tăng chậm lại, đặc biệt là khi Nga sẽ siết chặt xuất khẩu và các nước châu Âu chạy đua tăng dự trữ trước mùa đông. Giá khí đốt đã tăng gần 40% trong tháng 8 và gần 300% trong năm nay.
Ông Thomas Costerg, nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Tài chính Pictet Wealth (Thụy Sĩ), cho rằng đây là cuộc khủng hoảng năng lượng khi giá điện đã tăng 10 lần so với trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19.
Trong phiên giao dịch hôm 24-8 (giờ địa phương), giá đồng euro có thời điểm giảm xuống dưới ngưỡng 1 USD. Bà Monica Defend, người đứng đầu Tổ chức Tài chính Amundi, dự báo giá đồng euro sẽ giảm xuống mức 0,96 USD vào tháng 12 do nền kinh tế châu Âu suy yếu.
Ông Craig Inches, người đứng đầu bộ phận tỉ giá và tiền mặt tại Công ty Quản lý Đầu tư Royal London Asset Management (Anh), nói sự gia tăng của các chỉ số lạm phát cho thấy thị trường đang tập trung vào những tác động lạm phát tiếp theo, bao gồm hạn hán ở châu Âu, khủng hoảng khí đốt và gián đoạn nguồn cung liên quan đến đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Dự báo lạm phát cũng tăng lên ở Mỹ nhưng triển vọng của châu Âu dường như ảm đạm hơn nhiều. Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg (Đức), cho rằng: "Lạm phát ở châu Âu dự kiến tăng trong quý IV/2022 nhưng quy mô của đợt gia tăng lạm phát mà chúng ta đang đối mặt là hoàn toàn mới do đợt tăng giá khí đốt mới đây. Đó là một cú sốc mà vài tuần trước chúng ta không thể lường trước".
Trong khi đó, nhà kinh tế Marcel Fratzscher thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức nói với hãng tin Reuters rằng tác động kinh tế đối với Đức do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ còn kéo dài trong năm nay. Ông Fratzscher nhận định tác động có thể kéo dài đến năm 2025 trong bối cảnh Đức tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc khí đốt từ Nga.
Không chỉ giá khí đốt leo thang, giá dầu thế giới tiếp tục tăng sau khi Ả Rập Saudi để ngỏ khả năng cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) để hỗ trợ giá trong trường hợp Iran quay trở lại thị trường dầu nếu đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây. Giá dầu Brent có lúc tăng lên 101,18 USD/thùng trong phiên hôm 24-8 (giờ địa phương) trong khi giá dầu WTI có thời điểm tăng lên 94,70 USD/thùng.
Tìm cách tự chủ năng lượng
Tỉnh Groningen ở Đông Bắc Hà Lan có thể giúp châu Âu giảm phụ thuộc năng lượng của Nga nhờ mỏ Groningen. Đây là một trong những nơi có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, có khoảng 450 tỉ m3. Trong bối cảnh hiện nay, mỏ này có giá trị bằng gần 3 năm nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nga. Đáng nói là Groningen sẽ giúp châu Âu có thêm thời gian đa dạng hóa nguồn cung năng lượng thông qua phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Nhật Bản đang khẩn trương lên kế hoạch phát triển và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới nhằm bảo đảm sự tự chủ về năng lượng và hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Nếu được triển khai, động thái này sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược năng lượng của Nhật.
Theo tờ Nikkei, chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio đặt mục tiêu bảo đảm nguồn cung cấp điện trong trung và dài hạn với kế hoạch khởi động lại 17 nhà máy điện hạt nhân bắt đầu từ mùa hè năm 2023. Nhật Bản từng cho dừng hoạt động hầu hết các lò phản ứng hạt nhân trong thập kỷ qua kể từ sau trận động đất và sóng thần gây ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào năm 2011.