Châu Âu khó tránh lựa chọn "đau đớn"?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thúc giục các nước EU cần tập trung vào năng lượng tái tạo ngay cả khi khủng hoảng khí đốt diễn ra
Các nước châu Âu đang lên kế hoạch khẩn cấp để đối phó tình trạng gián đoạn nguồn cung nhiên liệu trong bối cảnh Nga cắt giảm cung cấp khí đốt. Kế hoạch này có thể dẫn đến việc sử dụng luân phiên khí đốt và quay trở lại với điện than.
Kể từ tuần rồi, Tập đoàn Gazprom (Nga) đã giảm hơn 50% lượng khí đốt qua tuyến đường ống Nord Stream 1 để đến Đức và phần còn lại của châu Âu. Theo Gazprom, sự sụt giảm như thế là do họ vẫn chưa nhận lại các thiết bị được đưa đi bảo trì ở Canada và sự trì hoãn đến từ các biện pháp trừng phạt liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine.
"Từ góc độ công nghệ, cơ sở hạ tầng cơ khí của đường ống đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Các cơ sở bơm, cụ thể là các turbine, phải được bảo trì. Nhưng các turbine không thể trở lại, nghĩa là người châu Âu sẽ không trả lại chúng" - đài RT dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, cho biết hôm 20-6.
Đáp lại, giới chức Đức và Ý cho rằng Nga sử dụng điều này làm cái cớ để giảm nguồn cung.
Để chuẩn bị cho tình huống xấu, theo Reuters , nhà chức trách Hà Lan và Đan Mạch hôm 20-6 cho biết sẽ cảnh báo công chúng nếu nguồn cung khí đốt bị thiếu hụt dù hiện chưa rõ việc sử dụng luân phiên sẽ được tiến hành như thế nào.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết nếu tình hình leo thang, khí đốt sẽ được sử dụng luân phiên và nguồn cung cho các ngành công nghiệp bị hạn chế để người tiêu dùng được sưởi ấm vào mùa đông.
Chính phủ Ý cũng đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng sau khi nguồn cung từ Nga đến Tập đoàn Năng lượng Eni thấp hơn mức yêu cầu trong ngày thứ 6 liên tiếp hôm 20-6. Nếu bước đi này diễn ra, Ý có thể bắt đầu thực hiện các biện pháp tiết kiệm khí đốt.
Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, Đức hôm 19-6 công bố kế hoạch tăng lượng dự trữ khí đốt, đồng thời cho biết có thể tái khởi động các nhà máy điện than mà nước này từng định đóng cửa.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận bước đi này là "đau đớn" nhưng cần thiết bởi nếu không làm thế, các kho dự trữ khí đốt có nguy cơ không đủ đầy để cung cấp cho người dân vào mùa đông năm nay. Theo đài RT , phản ứng của ông Habeck là điều dễ hiểu bởi theo kế hoạch được công bố hồi tháng 1, thị phần năng lượng tái tạo tại Đức dự kiến tăng lên 80% vào năm 2030.
Không chỉ Đức, một số nước khác cũng phát đi tín hiệu điện than có thể giúp chống chọi với cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông sắp tới dù điều này đi ngược lại cam kết cắt giảm sử dụng than đá và điện than của các quốc gia này.
Áo đã đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng vào năm 2020 nhưng hiện cho biết đã chuyển một nhà máy điện khí đốt sang sử dụng than đá trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, Hà Lan dỡ bỏ hạn chế đối với hoạt động sản xuất năng lượng từ than.
Theo Reuters , các nhà máy điện than ở Ý cũng trữ than trong vài tháng qua và sẽ tăng cường sản xuất điện nếu tình trạng khẩn cấp về năng lượng được ban bố.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times , bà Ursula von der Leyen kêu gọi chính phủ các quốc gia này tiếp tục tập trung đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo vì điều này tốt cho cả khí hậu, an ninh năng lượng và sự độc lập của EU.
Quan chức này nói thêm EU hiện thực hiện "những bước đi khẩn cấp" nhằm đối phó mối đe dọa sụt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga, trong đó có các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
EU lại chia rẽ
Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ về các phương án giúp các quốc gia đang phát triển đối phó cuộc khủng hoảng lương thực đang leo thang, cũng như giải quyết tình trạng thiếu phân bón do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Theo AP , cuộc khủng hoảng này đã ngăn khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc Ukraine đến Trung Đông, Bắc Phi và một số khu vực ở châu Á. Tổng thống Senegal Macky Sall, người đang giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), gần đây nhận định cuộc xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lương thực, đồng thời kêu gọi các nước bảo đảm hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga, Ukraine không bị cản trở.
Trong nhiều tuần lễ qua, theo Reuters , EU đã tìm cách giúp các nước châu Phi và Trung Đông vượt qua khủng hoảng bằng cách cung cấp cho họ các khoản hỗ trợ tài chính, đồng thời cố gắng thuyết phục rằng các biện pháp trừng phạt của EU không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng khẩn cấp lương thực hiện nay.
Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 23 và 24-6 tới, EU dự định công bố sáng kiến mới nhằm giúp nước nghèo giảm phụ thuộc vào phân bón Nga. Cụ thể, khối này sẽ giúp các nước châu Phi xây các nhà máy phân bón của riêng mình.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đã phản đối sáng kiến trên khi nhóm họp với các phái viên EU vào tuần trước, đồng cảnh báo rằng việc hỗ trợ sản xuất phân bón tại các nước đang phát triển sẽ không phù hợp với chính sách năng lượng và môi trường của khối. Việc sản xuất phân bón hóa học có tác động lớn đến môi trường và tiêu thụ nhiều năng lượng.
Anh Thư
Giải mã kim loại quyến rũ khiến 'gã khổng lồ toàn cầu' lùng sục: Nguyên liệu chiến lược!