Châu Âu điều tra chứng khoán phái sinh khí đốt
Ủy ban châu Âu đang mở cuộc điều tra, phân tích xem các trung gian tài chính có thao túng thị trường khí đốt hay không.
Năng lượng là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels hồi tuần trước, trong đó một vấn đề được các nhà lãnh đạo châu Âu quan tâm là thị trường phái sinh năng lượng.
Đầu cơ tài chính được xem là một trong những lý do khiến giá khí đốt tăng vọt hồi cuối tháng 8, khi giới tài chính hưởng lợi từ các hợp đồng phái sinh, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và khí đốt phải chịu thua thiệt.
Hội nghị thượng đỉnh châu Âu lần này diễn ra trong không khí nhẹ nhõm. Giá khí đốt đã giảm đáng kể, tuy vẫn cao hơn nhiều so với tầm này năm 2021.
Tờ Markische Allgemeine của Đức viết: "Giá khí đốt trên thị trường châu Âu xuống tới 107 Euro, tức chưa bằng 1/3 mức giá đỉnh điểm của cuối tháng 8, gần 350 Euro". Những dự báo thị trường hồi đó đã không chính xác. Thực tế lúc này là thời tiết cuối tháng 10 vẫn thuận lợi với nhiệt độ ấm áp, tiêu thụ khí đốt đã giảm so với năm trước. 27 nước châu Âu hơn bù kém đã tiết kiệm được 11% lượng khí đốt tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm nay. Các kho dự trữ khí đốt trên toàn châu Âu đang ở mức đầy nhất so với trung bình 5 năm, riêng tại Đức đã đầy tới 96,29%.
Nhìn lại, Ủy ban châu Âu nghi ngờ rằng hay thị trường tài chính cố ý đẩy vấn đề lên, tạo hoảng hốt để thu lợi đối với chứng khoán phái sinh.
Tờ Mặt trời 24h ra tại Italy giải thích: "Bên mua và bên bán khí đốt sử dụng hợp đồng kỳ hạn như một hình thức bảo vệ, để chắc chắn mua được hoặc bán được trong tương lai với mức giá ấn định ngay từ lúc này".
Một doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu hay khí đốt, nếu dự đoán giá còn cao thêm nữa, sẽ muốn ký hợp đồng ngay, giao hàng sau. Những hợp đồng kiểu này được xẻ nhỏ thành chứng khoán phái sinh, sau đó mang ra mua đi bán lại trên thị trường tài chính. Như vậy, bài báo cho rằng có các quỹ đầu cơ và nhà đầu cơ tài chính chuyên kiếm lợi từ biến động giá, không có xăng dầu hay khí đốt để bán, nhưng vẫn ký hợp đồng bán xăng dầu và khí đốt, sau đó bán hợp đồng tương lai đó ngay sát trước thời điểm hàng hóa thực sự được giao.
Các quỹ đầu cơ đưa ra những dự báo bi thảm, như: chiến sự kéo dài, mùa đông lạnh giá, thiếu điện, thiếu gas, nguy cơ chết rét... nhằm dụ các doanh nghiệp nhập khẩu ký hợp đồng mua trước với giá cao. Tuy nhiên những tháng sau, tình hình không bi thảm đến vậy, giá năng lượng sụt giảm, lúc đó quỹ đầu cơ mới bán lại hợp đồng ấy cho một doanh nghiệp thực sự có dầu, có khí cần bán. Quỹ đầu cơ ăn chênh lệch, doanh nghiệp lỡ mua mất tiền.
Theo bài báo, cứ 10 Euro được giao dịch trên thị trường khí đốt châu Âu, có đến 9 là mua đi bán lại nhằm đầu cơ. Riêng trong năm 2021, 4.500 tỷ m 3 khí đốt đã được giao dịch trên thị trường nguyên liệu Hà Lan, gấp 10 lần mức tiêu thụ thực sự của toàn Liên minh châu Âu.
Châu Âu thận trọng can thiệp vào thị trường khí đốt Hội nghị thượng đỉnh châu Âu đang diễn ra tại Brussels đã tỏ ra thận trọng khi tìm cách can thiệp vào thị trường khí đốt.