Châu Âu đề cao chủ quyền lương thực, thực phẩm
"Chủ quyền lương thực, thực phẩm" được báo chí châu Âu đề cập nhiều trong thời gian gần đây, thay cho cụm từ "an ninh lương thực".
Sản xuất lương thực , thực phẩm của mỗi nước ngày càng thêm lệ thuộc vào những biến động trên thị trường thế giới. Làm sao để có thể tự chủ hoàn toàn trong một thế giới ngày càng phân mảnh đang là nhu cầu cấp thiết.
Đứt gãy chuỗi cung ứng hồi đại dịch và xung đột địa chính trị đang xới lên một cuộc tranh luận tại châu Âu, đã tới lúc phải xem xét lại chủ quyền lương thực thực phẩm.
Tờ Mặt trời 24h của Italy có bài, nếu thị trường Italy bị cô lập, người Italy chỉ còn mỗi gạo và thịt gà để ăn. Theo bài báo, Italy chỉ tự chủ được về thịt và trứng gia cầm, rượu vang, nước khoáng, gạo, sữa và pho mát. Trái cây và rau củ chế biến chỉ tự túc một phần, do 16% nguyên liệu vẫn phải trông vào thị trường thế giới.
Điều đáng ngạc nhiên là Italy phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài với đối với 2 sản phẩm quốc hồn quốc túy: mì ống tự làm được, nhưng 40% ngũ cốc để làm ra sợi mì vẫn phải nhập khẩu; với dầu olive mức độ lệ thuộc lên tới 60%.
Vì sao sản xuất nông nghiệp lại phải lệ thuộc đến mức độ ấy vào bên ngoài? Tờ Kurier ra tại Áo giải thích, đó là do mô hình công nghiệp thực phẩm toàn cầu đã chuyên biệt hóa cao độ. Bài báo lấy ví dụ: "Chăn nuôi công nghiệp cho ra thịt giá rẻ là nhờ mua thức ăn gia súc giá rẻ chế biến bằng ngũ cốc từ những cánh đồng độc canh rộng lớn dùng phân hoá học và thuốc trừ sâu". Một trang trại vừa trồng ngô, vừa nuôi lợn sẽ bán sạch ngô cho nhà máy, sau đó mua thức ăn công nghiệp làm từ ngô về nuôi lợn.
Mô hình trên khiến nông dân châu Âu lệ thuộc không chỉ vào công nghiệp chế biến, mà còn rủi ro khi thị trường tài chính nhảy vào đầu cơ nông sản.
Tờ Diario de Noticias ra tại Tây Ban Nha viết: "Trong lịch sử, hệ thống nông nghiệp chăn nuôi đa dạng do nông dân tạo ra đã cung cấp đủ thực phẩm cho tất cả cư dân trong vùng. Lấy ví dụ ở xứ Basque Tây Ban Nha, 75% diện tích đất canh tác độc canh ngũ cốc, bán cho các tập đoàn chế biến thức ăn gia súc. Thương mại nông sản chủ yếu được tiến hành trên thị trường giao dịch nguyên liệu thế giới. Nông dân lệ thuộc vào thị trường thế giới, cả đầu vào lẫn đầu ra đều không còn chủ động được".
Nếu tự nuôi được con cá nhưng vẫn phải nhập khẩu thức ăn cho cá, thì mức độ tự chủ cũng không còn nhiều. Phải làm thế nào để sự lệ thuộc chỉ xảy ra giữa các nước trong thị trường chung châu Âu. Tờ Le Figaro của Pháp cho rằng: "Mô hình hợp tác xã nông nghiệp nên là trụ cột của chủ quyền lương thực thực phẩm. Làm được như vậy thì bớt mối lo trồng trọt chăn nuôi bị xáo trộn, do biến động thị trường thế giới, do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, hay do cấm vận và chiến tranh".
Giá lương thực trên các sàn giao dịch hàng hóa toàn cầu đã tăng mạnh sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen với Ukraine.