Châu Âu có quốc đảo đang nắm trong tay nguồn khí đốt dồi dào, đủ sức chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga nhưng vì sao vẫn không thể khai thác?
Được biết đến là nơi có cộng đồng người Việt lớn mạnh, quốc đảo Síp nổi tiếng với nguồn khí đốt dồi dào. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố bất lợi trong quá khứ, châu Âu vẫn không thể tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng này.
Trong cuộc tìm kiếm điên cuồng của châu Âu nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, có một nguồn tài nguyên chưa được khai thác: Vùng biển xung quanh CH Síp (Cyprus).
Tuy nhiên, một cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Síp và Hy Lạp - bắt nguồn từ cuộc chiến tại Síp năm 1974 của Thổ Nhĩ Kỳ - đang cản trở các nỗ lực khám phá và khai thác bất kỳ nguồn khí tự nhiên nào nằm dưới biển Địa Trung Hải.
'Năng lượng có thể là một nền tảng tốt để hòa giải nhưng nó lại trở thành một chương khác trong cuốn sách về xung đột'
Thổ Nhĩ Kỳ muốn có tiếng nói trong việc khai thác nguồn lợi từ sự giàu có tài nguyên quanh đảo Síp, đảm bảo lợi ích mang lại cho cộng đồng người Síp Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng muốn bất kỳ lượng khí đốt nào trong khu vực phải chạy qua lãnh thổ của mình trên đường đến châu Âu. Trong khi đó, Athens lại ủng hộ kế hoạch vận chuyển khí đốt qua Síp và Hy Lạp.
Thực tế là việc vận chuyển dự trữ khí đốt từ Israel, Ai Cập và Liban cũng liên quan đến các cuộc đàm phán này và kết quả là bế tắc.
Ban đầu, người ta hy vọng rằng việc thống nhất ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga sẽ thuyết phục các nước gạt bỏ mọi bất bình nhằm giúp EU từ bỏ năng lượng Nga. Hồi tháng 3, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí đã gặp nhau, làm dấy lên dự đoán rằng một thoả hiệp có thể đạt được.
Nhưng không phải như vậy. Chỉ hai tháng sau, ông Erdogan đã cắt đứt quan hệ với ông Mitsotakis và các nhà chức trách Hy Lạp đặt lực lượng của họ trong tình trạng báo động cao, với lý do bị Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa. Mọi hy vọng về sự tái hợp dường như tiêu tan.
Kết quả là 15 năm sau khi Síp công bố vòng cấp phép đầu tiên và 11 năm sau khi phát hiện ra mỏ khí đốt lớn đầu tiên ngoài khơi đảo, vẫn không có mét khối khí đốt nào chảy ra và không có quyết định nào được chốt về cách thức khí đốt cùng với các nguồn dự trữ khác được vận chuyển đến phần còn lại của châu Âu.
Ông Kornelios Korneliou, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Síp, cho biết: "Quá khứ gần đây và nói chung là kinh nghiệm với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi không ngây thơ đến mức tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi thái độ đối với Hy Lạp hoặc Síp chỉ sau một đêm".
Người Síp đang lo lắng rằng căng thẳng gia tăng sẽ không khuyến khích các công ty năng lượng tiếp tục đầu tư và thăm dò, cản trở việc mở rộng doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch, vốn được coi là rất quan trọng đối với một quốc gia đang lao đao vì mất đi những hoạt động kinh doanh đáng kể mà người Nga từng đưa đến hòn đảo.
Ông Harry Tzimitras, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo Cyprus, cho biết: "Năng lượng có thể là một nền tảng tốt để hòa giải ở các khu vực bất đồng chính trị, như Síp và hơn thế nữa, nhưng thật không may, nó lại trở thành một chương khác trong cuốn sách về xung đột".
Xung đột trong quá khứ dẫn đến hiện tại
Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Síp đã chia hòn đảo này thành một phần phía bắc Síp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ - là một quốc gia chỉ có Ankara công nhận - và phần phía nam Síp nói tiếng Hy Lạp, một quốc gia EU được quốc tế công nhận rộng rãi là Cộng hòa Síp.
Kể từ đó, cuộc xung đột đóng băng đã diễn ra dưới dạng một loạt các cuộc chiến ủy nhiệm tranh chấp vùng biên giới biển và các nguồn tài nguyên thiên nhiên xung quanh.
Những cuộc tranh cãi đó trở nên gay gắt hơn trong những thập kỷ gần đây khi CH Síp bắt đầu cho phép các công ty tìm kiếm những mỏ khí đốt tự nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Vào năm 2011 mỏ Aphrodite được phát hiện.
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu CH Síp phải kiềm chế bất kỳ hành động nào trong vùng biển này và đã đưa các tàu thăm dò được tàu chiến hộ tống đến. Năm 2019, EU giáng đòn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì hành vi khoan thăm dò trái phép ngoài khơi bờ biển Síp.
Vì vậy, nhiều năm đã qua, hoạt động thương mại khí đốt vẫn không bao giờ diễn ra dù một loạt các công ty năng lượng lớn đang tìm cách tham gia khai thác. ExxonMobil và Qatar Energy đã thành lập một liên doanh để khai thác khí đốt từ khu vực này. Theo bà Natasa Pilides, Bộ trưởng năng lượng, thương mại và công nghiệp Síp, một cuộc liên doanh khác giữa Eni và Total sẽ bắt đầu trong những tuần tới.
Các hoạt động khoan thăm dò sẽ mang đến bức tranh rõ hơn về các mỏ khí đốt dưới đáy biển và mở đường cho những cuộc thảo luận về cách khai thác và vận chuyển.
Một giải pháp khả thi có thể là kết nối mỏ Aphrodite với một cảng tiếp nhận của Ai Cập. Một công ty Hy Lạp cũng vừa đệ trình đề xuất với các quan chức Síp về việc liên kết các mỏ khí đốt của Israel với Síp thông qua một đường ống nhỏ, và một nhà máy khí đốt hóa lỏng nổi được xây dựng gần hòn đảo này sẽ đóng vai trò là điểm phân phối cho phần còn lại của châu Âu.
Bên cạnh đó còn có đề xuất về một đường ống rẻ hơn sẽ chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ. Ý tưởng này được hồi sinh sau khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel ấm lên gần đây.
"Tại sao lại cần đến một cuộc khủng hoảng như ở Ukraine hoặc một trận động đất để nhớ rằng chúng ta cần giải quyết các vấn đề của chính mình?", Burak Özügergin, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Athens, lên tiếng.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu gần đây, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là đầu ra duy nhất cho khí đốt của Israel nếu nước này quyết định xuất khẩu sang châu Âu. Trong khi đó, Bộ trưởng năng lượng Síp, Pilides, phàn nàn rằng tình hình bế tắc hiện tại gây hại cho không chỉ Síp mà cả cộng đồng quốc tế.
Tham khảo: Politico