Châu Âu có nguy cơ suy yếu vì sự rung chuyển trong trật tự thế giới

Chia sẻ Facebook
29/08/2023 09:13:28

Trật tự thế giới, các nguyên tắc và các hình thức tổ chức khác nhau, nơi phương Tây nắm giữ vị trí chủ đạo, đang được tái cơ cấu, Tổng thống Pháp Macron nhận định.

Những nỗ lực nhằm thay đổi trật tự thế giới hiện tại có nguy cơ làm suy yếu phương Tây và đặc biệt là châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết khi phát biểu tại hội nghị thường niên của các Đại sứ Pháp.

“Tình hình trên trường quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, dẫn đến nguy cơ phương Tây, đặc biệt là châu Âu, mất đi sức mạnh. Chúng ta cần có cách tiếp cận tỉnh táo trước vấn đề này mà không bi quan quá mức”, nhà lãnh đạo Pháp nói.

Theo Tổng thống Pháp, vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang “liên tục bị thách thức”.

“Ngày càng có nhiều quốc gia cảm thấy rằng các tổ chức này không có quyền để áp đặt một số quy tắc nhất định lên họ, rằng những quy tắc này được tạo ra trong một thế giới mà các quốc gia này không tồn tại và họ không tính đến thực tế địa chính trị, nhân khẩu học và quân sự. Điều này xuất hiện trong những gì chúng ta đã thấy trong những ngày gần đây với nỗ lực mở rộng BRICS”, ông Macron nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị thường niên của các Đại sứ Pháp, ở Parris, ngày 28/8/2023. Ảnh: AFP/Asharq Al-Awsat

“Việc mở rộng BRICS thể hiện mong muốn thiết lập một trật tự mới để thay thế trật tự hiện tại được coi là quá phương Tây”, Tổng thống Macron nói, đồng thời cho rằng trong tình huống này, điều quan trọng là phải tránh sự phân mảnh của thế giới và duy trì sự thống nhất.

Nhóm BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Hội nghị Thượng đỉnh mới nhất của khối này tại Johannesburg vừa kết thúc hôm 24/8 với một “quyết định lịch sử”: Lãnh đạo các nước BRICS quyết định mời 6 nước gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê-út và UAE, trở thành thành viên đầy đủ của khối bắt đầu từ ngày 1/1/2024.


Người đứng đầu Điện Elysee tuyên bố mong muốn “xây dựng trật tự thế giới mới này” trong đó Pháp sẽ đóng vai trò là “bộ khung trong một liên minh mới”. Ông kêu gọi tăng cường quyền tự chủ công nghệ của châu Âu và tăng cường sự độc lập về mặt an ninh .

Nhà lãnh đạo Pháp đảm bảo rằng sự phối hợp gia tăng giữa các nước châu Âu không làm suy yếu mà còn bổ sung và củng cố NATO. Ông cũng kêu gọi “xây dựng quan hệ đối tác mới, bao gồm cả lĩnh vực không gian và kỹ thuật số”.

Tổng thống Macron dự lễ hạ thủy chính thức tàu ngầm hạt nhân mới Suffren tại Cherbourg, Tây Bắc nước Pháp, ngày 12/7/2019. Pháp là quốc gia có vũ khí hạt nhân, với khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, nhưng hầu hết trong số đầu đạn này đều dành cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Ảnh: ICDS

Phát biểu trước các nhà ngoại giao của mình, Tổng thống Pháp Macron cũng thể hiện quan điểm của ông về an ninh cho châu Âu giai đoạn hậu xung đột Nga-Ukraine – cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở “cựu lục địa” kể từ Thế chiến II.

Theo ông, giai đoạn sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc “phải đi kèm với các thỏa thuận mới tạo ra khuôn khổ trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí – bao gồm tất cả các loại vũ khí và mọi hoạt động quân sự liên quan đến châu Âu”.

“Chúng ta phải có đủ ý chí để tạo ra khái niệm và trở thành bên ký kết các thỏa thuận trong tương lai này”, ông Macron nói.

Về vấn đề này, Tổng thống Pháp nhắc lại những tuyên bố chính ông đã đưa ra vào năm 2019. Khi đó ông nói rằng châu Âu đã trở thành “mục tiêu” chứ không phải là “tác nhân” trong nền chính trị thế giới khi nói đến các thỏa thuận về tên lửa tầm trung và tầm ngắn cũng như vũ khí chiến lược giữa Nga và Mỹ.

Ông Macron cũng cho rằng do việc đình chỉ tuân thủ các thỏa thuận mà các nước châu Âu không ký kết, châu Âu bị kẹt giữa “hai làn đạn” mà không có bất kỳ cơ hội nào để tác động đến những gì đang diễn ra.


Minh Đức (Theo TASS, APA)

Chia sẻ Facebook