Châu Âu chuẩn bị cho mùa đông không có khí đốt của Nga
Theo giới phân tích, Liên minh châu Âu (EU) phải cần ít nhất ba năm để thay thế khí đốt nhập khẩu từ Nga trong trường hợp Moscow bất chợt cắt nguồn cung. Việc gián đoạn nguồn cung khí đốt sẽ khiến các nước EU đối mặt với cú sốc vĩ mô nghiêm trọng, với tăng trưởng kinh tế âm và lạm phát tăng cao.
Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) từ Nga sang Đức vừa được thông báo phải tạm ngừng hoạt động để bảo trì. Giá khí đốt tại châu Âu đang nhảy vọt lên mức cao nhất trong 3 tháng do thị trường quan ngại về sự gián đoạn nguồn cung ngày một lớn. Mùa hè, châu Âu thường đẩy mạnh tích trữ khí đốt cho mùa đông tới, thế nhưng năm nay, việc tích trữ trở nên khó khăn vô cùng. Nga đang ngừng cung khí đốt cho nhiều đối tác vì từ chối thanh toán bằng đồng rúp của Nga. Lượng khí đốt từ Nga sang Đức giảm tới 60% trong tháng 6 vì vấn đề trục trặc kỹ thuật.
Thêm vào đó, Công ty Nord Stream AG ngày 1/7 đã xác nhận việc tạm thời ngừng hoạt động cả hai đường ống của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc từ ngày 11 - 21/7 để thực hiện công việc bảo trì theo lịch trình, kể cả kiểm tra các bộ phận cơ khí và hệ thống tự động hóa nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy. Nord Stream AG lưu ý rằng công tác bảo dưỡng hàng năm đã được lên kế hoạch trước đã được thống nhất trước đó với tất cả các đối tác, tuân theo Quy định của EU về tính minh bạch và tiến độ thực hiện đã được thống nhất và phối hợp với các đối tác trong việc vận chuyển khí đốt.
Tuy nhiên, Đức rất quan ngại động thái mới nhất của Nga và lo lắng rằng, dòng chảy khí đốt quan trọng bậc nhất này có thể sẽ không được nối lại. Việc bảo trì của Nga có thể sẽ gặp khó khăn và trì hoãn vì các lệnh trừng phạt. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng việc giảm cung cấp khí đốt chẳng khác gì một cuộc tấn công kinh tế, cáo buộc đây là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm khuấy đảo nỗi sợ hãi ở châu Âu khi mùa đông tới gần. Để đối phó, Chính phủ Đức đã kích hoạt giai đoạn 2 của kế hoạch ứng phó khẩn cấp 3 giai đoạn. Theo kế hoạch đối phó giai đoạn 2, Berlin sẽ cung cấp 15 tỷ euro để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, và triển khai mô hình đấu giá khí đốt vào mùa hè này để khuyến khích ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, Đức cũng thông báo rằng nước này đã đưa ra một quyết định “cực chẳng đã” là tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than nhằm đối phó với một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra trong mùa đông tới. Hãng nhập khí đốt Nga nhiều nhất của Đức Uniper mới đây đã phải xin cứu trợ. Đây là hãng năng lượng lớn đầu tiên cần sự trợ giúp kể từ khi Nga giảm nguồn cung cho Đức 2 tuần trước. Viêc này buộc họ phải mua sản phẩm trên thị trường giao ngay “với giá cao hơn đáng kể”. Cổ phiếu Uniper cũng đã giảm 20% sau khi hãng này điều chỉnh dự báo tài chính năm nay, cho biết lợi nhuận có thể "thấp hơn đáng kể" so với các năm trước.
Nhiều quốc gia châu Âu khác phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga chịu chung số phận như Đức, thậm chí còn khó khăn hơn khi khó có thể tìm nguồn thay thế. Điều này buộc EU phải chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp về năng lượng cho mùa Đông sắp tới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leye cho biết, kế hoạch chi tiết sẽ được công bố trong tháng này: “Giờ là thời kỳ tương đối khó khăn khi Nga đã cắt giảm một phần khí đốt cho EU và chúng ta phải chuẩn bị ứng phó. Cùng với Czech, chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch khẩn cấp cho châu Âu”.
Chủ tịch EC cũng chỉ ra rằng, có 2 điểm quan trọng ở đây: “Thứ nhất, nếu chúng ta cần cắt giảm nhu cầu năng lượng, chúng ta sẽ làm điều đó theo cách thông minh. Và thứ hai, một chủ đề chúng ta cũng cần quan tâm là tình đoàn kết, đoàn kết về năng lượng. Chúng ta được kết nối thông qua các đường ống, chúng ta có tất cả các kết nối với nhau. Chúng ta cũng luôn có thể có các dòng chảy ngược lại, vì vậy chúng ta cần một kế hoạch chung tốt để các dòng năng lượng hoặc khí chảy đến nơi cần thiết nhất. Điều này sẽ được Ủy ban trình bày vào giữa tháng 7 này”.
Trật tự toàn cầu mới sau cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tạo ra những người thắng và kẻ thua cuộc mới trong lĩnh vực năng lượng khi nguồn cung đang thay đổi. Hiện Nga vẫn đang nhận được gần 1 tỷ USD doanh thu từ năng lượng mỗi ngày khi châu Âu tiếp tục mua khí đốt của Nga và đang lo sợ trước khả năng Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt. Trong ngắn hạn, Nga có thể là bên hưởng lợi nhờ khí đốt tự nhiên của mình.
Nhưng về trung và dài hạn, Moscow có khả năng mất vị thế siêu cường năng lượng toàn cầu, vì quyết định cắt đứt sự phụ thuộc vào năng lượng của châu Âu đối với Nga là không thể thay đổi. Châu Á có thể nhập khẩu nhiều nguồn năng lượng của Nga vốn bị cấm ở phương Tây, nhưng việc vận chuyển khí đốt sang Trung Quốc sẽ được thực hiện trong vài năm chứ không phải vài tháng do thiếu cơ sở hạ tầng đủ để Nga chuyển hướng dòng khí đốt từ thị trường lớn nhất của mình là châu Âu sang Trung Quốc. Theo dữ liệu do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) tổng hợp, Nga đã nhận được được gần 100 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 100 ngày đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine, với việc EU trả 60% số tiền này cho hàng nhập khẩu.
Khi EU đặt mục tiêu giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga bằng cách áp đặt lệnh cấm vận nhập khẩu dầu đường biển từ Nga, Moscow đang chuyển hướng xuất khẩu khối lượng lớn hơn sang châu Á. Tuy nhiên, Nga sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khi muốn thay thế xuất khẩu và doanh thu khí đốt của châu Âu bằng các doanh nghiệp ở châu Á.