Châu Âu, châu Á hay cả hai?

Chia sẻ Facebook
22/05/2022 10:12:29

Chiều 20-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thành phố Pyeongtaek, chặng dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và Nhật Bản - hai đồng minh thân cận bậc nhất của Washington trong khu vực.

Ngay sau khi đặt chân đến Hàn Quốc chiều 20-5, Tổng thống Joe Biden cùng Tổng thống Yoon Suk Yeol đến thăm Nhà máy Samsung ở thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi - Ảnh: Reuters

Ngoài ra, ông Biden sẽ kết hợp dự thượng đỉnh QUAD (Bộ tứ kim cương) với các lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ và Úc tại Tokyo trong ngày 24-5.


Các thông điệp chính

Ngay trước thềm chuyến thăm tới châu Á, Tổng thống Biden gặp gỡ hai nhà lãnh đạo của Thụy Điển và Phần Lan để hoan nghênh hai quốc gia Bắc Âu này quyết định từ bỏ vai trò trung lập và gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nước Mỹ có quá nhiều mục tiêu cần theo đuổi, cũng như các mối quan hệ cần gắn kết. Do đó, chuyến công du châu Á lần này của ông Biden nhằm nhấn mạnh rằng sự tập trung của Mỹ không chỉ dành cho châu Âu với cuộc xung đột Nga - Ukraine và Mỹ vẫn là lãnh đạo toàn cầu.

Với mục đích tập hợp các đồng minh đối phó sự trỗi dậy của Bắc Kinh, chính quyền Biden muốn nhắn gửi tới Trung Quốc và Triều Tiên rằng các liên minh trong khu vực với Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là nền tảng vững chắc cho chính sách của Mỹ trong thời gian tới ở khu vực Đông Bắc Á.

Thăm châu Á ngay sau Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, Tổng thống Biden muốn trấn an các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rằng Mỹ không có sự đánh đổi giữa châu Âu và châu Á, và Mỹ vẫn muốn thể hiện sự can dự của mình ở châu Á.

Tuy nhiên, đây là một tính toán địa chính trị bị trì hoãn nhiều lần của chính quyền Biden do các sự kiện như chính quyền Afghanistan sụp đổ và xung đột Nga - Ukraine.

Do đó, việc tìm kiếm sự cân bằng giữa các mục tiêu chiến lược cũng như giữa các khu vực địa chính trị thiết yếu đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ mang tính thách thức với bất kỳ tổng thống Mỹ nào, không chỉ riêng với chính quyền ông Biden.

Trong buổi nói chuyện với các phóng viên hôm 19-5, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan đã mô tả nỗ lực xây dựng liên minh xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương như là "dấu ấn trong chính sách đối ngoại" của ông Biden, đồng thời là một sự "tích hợp" và "cộng sinh" trong chiến lược.

Do vậy, ngoài những vấn đề đặc thù Đông Bắc Á trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản, những vấn đề mang tính toàn cầu cũng sẽ nằm trên bàn thảo luận như vấn đề Ukraine, vấn đề Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), và vấn đề chuỗi cung ứng cũng nằm trong chương trình nghị sự.


Đối phó Trung Quốc, Triều Tiên

Tổng thống Biden sẽ gặp nhiều thuận lợi trong chuyến công du lần này khi tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là một người được cho là ủng hộ chính sách liên minh gắn kết nhiều hơn với Mỹ và cứng rắn hơn đối với Triều Tiên so với người tiền nhiệm Moon Jae In.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Yoon đã nhiều lần kêu gọi hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ được triển khai tới Hàn Quốc và thậm chí nêu ra khả năng tấn công quân sự phủ đầu vào các địa điểm vũ khí của Bình Nhưỡng.

Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản từng xấu đi dưới thời cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In do các vấn đề về lịch sử cũng như tranh chấp lãnh thổ cũng sẽ được ông Biden thúc ép ông Yoon cải thiện, nhằm tạo một mặt trận liên minh đối tác chung để đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên.

Tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, ông Biden không chỉ gặp Thủ tướng Nhật Kishida Fumio mà còn cố gắng tìm cách thể hiện sự đoàn kết với các quốc gia đồng minh và đối tác thân cận tại cuộc họp thượng đỉnh của bộ tứ an ninh QUAD.

Tuy nhiên, việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ chối lên án hành động quân sự của Nga ở Ukraine - do Nga vốn là quốc gia thân cận và đối tác quốc phòng lâu năm của Delhi - cũng sẽ là một thách thức to lớn cho ông Biden.

Washington luôn muốn tăng cường và thúc đẩy các hợp tác an ninh đa phương để đối phó với các mối đe dọa như Trung Quốc và Nga, nhưng các mắt xích lỏng lẻo như Ấn Độ luôn là trở ngại cho chiến lược đa phương của Mỹ.

Vấn đề là Mỹ không thể bỏ Ấn Độ do Mỹ cần chính quyền Delhi trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, ông Biden được hy vọng sẽ giữ một thái độ khá mềm mỏng với ông Modi trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.

Châu Âu hay châu Á hay cả hai cùng lúc? Đây không phải là câu hỏi dễ dàng cho chính quyền Tổng thống Joe Biden.


Chưa có nhiều công cụ hấp dẫn đồng minh

Các thách thức lớn khác cũng đang chờ đón Tổng thống Biden trong chuyến công du châu Á lần này, trong bối cảnh ông Biden sẽ không có nhiều công cụ để hấp dẫn các đồng minh và đối tác ngoài những diễn ngôn chính trị.

Sáng kiến IPEF của chính quyền Biden được công bố lần đầu tiên vào tháng 10-2021 nhằm tìm kiếm thương mại công bằng, cải thiện chuỗi cung ứng, tính bền vững, bao gồm cả các biện pháp giảm thiểu tham nhũng được coi là không có nhiều tiến bộ thực chất sau hơn nửa năm qua.

Do đó, kỳ vọng về một hiệp định tự do thương mại do Mỹ lãnh đạo nhằm giảm thiểu ảnh hưởng mà Trung Quốc đang có thông qua Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vốn chiếm khoảng 1/3 GDP của thế giới dường như vẫn còn xa vời.

Khoảng 17h30 ngày 20-5 (15h30 giờ VN), Không lực Một chở Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Osan của Mỹ ở thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.

Chia sẻ Facebook