Chất vấn tại kỳ họp thứ 4 và những phát ngôn ấn tượng

Chia sẻ Facebook
06/11/2022 11:52:46

Phiên chất vấn 4 thành viên Chính phủ kéo dài 2,5 ngày, kết thúc chiều 5/11 với nhiều phát ngôn ấn tượng.

Không ít nơi quy hoạch “treo bền vững”: Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, ngày 3/11, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn Đắk Nông nói: “Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nhà nước về phát triển đô thị đã đạt được những bước tiến mới quan trọng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, chất lượng quy hoạch không đảm bảo, đặc biệt là tình trạng quy hoạch nhiều năm không thực hiện hay còn gọi là quy hoạch treo và không ít nơi treo bền vững, gây lãng phí các nguồn lực của xã hội, cản trở sự phát triển chung của đất nước, gây bức xúc trong dư luận và người dân...”

“Ngập úng đô thị ở khắp nơi, cứ mưa là lụt, không mưa cũng ngập”: Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn Bắc Giang nhấn mạnh điều này khi chất vấn Bộ trưởng Xây dựng. Theo ông, hiện nay thực trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi, từ núi cao như Lào Cai, Đà Lạt tới ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay ở giữa như Hà Nội, mưa là lụt và không mưa cũng ngập.

“Dân sửa nhà trong ngõ sâu mà thanh tra vẫn biết, cao ốc vi phạm sao không phát hiện”: Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn Bắc Kạn chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Cử tri phản ánh có tình trạng người dân sửa chữa nhà cửa tận trong ngõ sâu nhưng thanh tra xây dựng vẫn nắm được, trong khi nhiều công trình lớn, thậm chí là các cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng nhưng các cơ quan chức năng lại không phát hiện ra. Cử tri băn khoăn liệu có tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong vấn đề này hay không?”

“Xử lý thông tin xấu độc không cẩn thận thành ra PR cho người muốn đốt đền”: Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – Đoàn Phú Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông: “Ngăn chặn tác hại của thông tin xấu, độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng. Xử lý một trường hợp đưa tin thất thiệt cũng rất vất vả, khó khăn và nếu xử lý không cẩn thận thì có thể lại dẫn đến tình trạng PR cho người muốn đốt đền, muốn nổi tiếng...”

“Căn cứ nào hỗ trợ Smart phone trong khi người dân cần cây, con giống”: Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn Quảng Trị chất vấn Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông: Bộ trưởng nói sẽ hỗ trợ cho mỗi người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số một máy Smart phone (điện thoại thông minh). Bao nhiêu người dân được hỗ trợ này và dự kiến số tiền bao nhiêu? Căn cứ vào chính sách nào để hỗ trợ máy Smart phone, trong khi người dân đang cần cây, con giống, hạ tầng phục vụ cho sản xuất và nhiều điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống?

“Không khí bẩn đầu độc phổi, thông tin xấu đầu độc não”: Trao đổi với đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên về việc phải có “đề kháng” với thông tin xấu độc, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng thể hiện sự nhất trí với đại biểu và cho rằng, tất cả các thứ đều cần sức đề kháng. Trên không gian mạng thì tin giống như không khí, tin xấu mà nhiều tức là không khí bị vấy bẩn. Chúng ta sáng nào cũng đọc thông tin trên mạng, nó đầu độc chúng ta, không khí thì đầu độc phổi, thông tin thì đầu độc não…”

"Phải giữ lực lượng tinh hoa trong bộ máy Nhà nước”- Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phản hồi với quan điểm cho rằng, phục vụ công cũng như phục vụ tư, miễn là đóng góp, cống hiến cho xã hội. Ông nói: “Theo nhận thức của tôi và tôi đã tìm hiểu, thì các nước xung quanh chúng ta như Singapore, việc trả lương cho công chức cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, bởi vì sẽ giữ được những người giỏi để kiến tạo chính sách, hoạch định chiến lược và để quản lý nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển".

"Tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên là việc cấp bách": "Chia lửa" với Bộ trưởng Nội vụ, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về định mức biên chế ngành giáo dục, thiếu nguồn tuyển giáo viên ở địa phương, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên thôi việc, Bộ sẽ đề xuất tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nghề giáo, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học. "Đây là vấn đề cấp bách để nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên, theo tinh thần có thực thì đạo mới vực được", Bộ trưởng Sơn nói.

“Kiểm soát tài sản của đối tượng tham nhũng vẫn còn khoảng trống”: Đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn Đắk Nông chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ: “Hiện còn đến 40-50% số tài sản chưa được thu hồi lại trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi, chúng ta chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của đối tượng tham nhũng đang đứng tên, chiếm hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát…”

“Tình hình không bình thường đáng lẽ phải có biện pháp khác thường”: Báo cáo giải trình tại phiên chất vấn, khi đề cập công tác điều hành giá và nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước. Thủ tướng nhấn mạnh: “Các quy định thiết lập trong tình hình bình thường nhưng đến khi tình hình không bình thường thì chúng ta phản ứng chính sách chưa kịp thời. Tình hình không bình thường đáng lẽ phải có biện pháp khác thường. Chính phủ sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Chia sẻ Facebook