Chất lượng sống phải là ưu tiên hàng đầu

Chia sẻ Facebook
10/06/2022 23:57:58

Nhà to, đường rộng, nhiều xe không phải là mục tiêu của sự phát triển mà là cuộc sống bình an, hạnh phúc cho người dân mới là đích đến cuối cùng.

Huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành đô thị vệ tinh của TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

"Lên quận hay thành phố không quan trọng bằng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân". Đó là lời phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi làm việc với Ban thường vụ Huyện ủy Hóc Môn sáng 8-6, cũng có thể hiểu đó là thông điệp quan trọng của lãnh đạo thành phố gửi đến lãnh đạo các huyện đang nôn nóng bỏ qua giai đoạn quá độ lên quận để tiến thẳng lên thành phố trực thuộc TP.HCM.

Khi Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè phát triển từ một huyện nông nghiệp lên một hình thái đô thị cao hơn thì đó không phải đơn giản là một cái tên gọi quận hay thành phố mà là sự thay đổi một cách toàn diện về tất cả các lĩnh vực, từ tổ chức không gian, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho đến cơ cấu kinh tế của địa bàn.

Tác động của sự thay đổi đó được thể hiện ra không chỉ diện mạo đô thị mà tác động đến số phận từng con người, mỗi hộ gia đình.


Cho dù tam nông đã bị thu hẹp phần nào nhưng vẫn còn hàng trăm ngàn người đang sống bằng chăn nuôi, trồng trọt; mai này đất nông nghiệp chuyển đổi sang đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, môi trường thì những người xưa nay chỉ biết gắn bó với đất ruộng sẽ đi đâu, làm gì để tiếp tục mưu sinh?

Đường rộng hơn, nhà cao tầng chen chúc nhau, nhiều cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ mọc lên nhưng liệu người dân có thoát được cảnh ngập nước, môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề? Và khi bất bình đẳng nảy sinh, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn thì cũng đồng nghĩa với những mâu thuẫn, xung đột xã hội xảy ra.

Thành phố chưa thấy đâu mà cò đất kéo về, giá đất tăng chóng mặt làm cho đời sống bị xáo trộn, tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ. Không phải không có những nơi ở đất nước này, đô thị hóa quá vội vã khiến cho dân bản địa bị bật đi rất xa còn "bờ xôi, ruộng mật" lại dành cho các nhà đầu tư, các đại gia, những người giàu có.

Các huyện ngoại thành đều có những tiềm năng và lợi thế riêng, như quỹ đất vẫn còn, mật độ dân số thấp, tới đây đường vành đai 3 và 4 hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho phát triển. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi ngay lúc này có một thực tế hầu hết các huyện muốn lên thành phố cũng vẫn chưa đạt đến được các chỉ tiêu cơ bản theo hệ tiêu chí của quốc gia.

Do vậy, các huyện cần xây dựng một chiến lược phát triển bền vững, cần một quy hoạch tích hợp lâu dài và bài bản, nhân lực đủ tầm và số vốn đủ lớn để khởi động cho một thành phố đáng sống. Đó là một thành phố sinh thái, an bình và không ai bị bỏ lại phía sau, không bị đứng ngoài lề xã hội.

Người lãnh đạo thành phố không nhất thiết phải là kiến trúc sư hay nhà đô thị học, nhưng người lãnh đạo cần phải là một chính khách có một tầm nhìn xa và rộng. Mô hình quận hay thành phố, thành phố vệ tinh hay đại đô thị thì nó cũng phải hướng đến chất lượng sống, người dân phải sống được và sống tốt hơn theo từng năm tháng.

Lãnh đạo có nhiệm kỳ, nhưng nếu không xây dựng được một chiến lược có giá trị hàng trăm năm thì rồi các thế hệ sau sẽ lại đi sửa chữa, vá víu những sai lầm của thế hệ trước.

Tôi nhận thấy ông Nên đã nắm bắt được chìa khóa của tiến trình phát triển mang tính bền vững.

'Lên quận hay thành phố không quan trọng bằng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân' Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn sáng 8-6.

Chia sẻ Facebook