Chất lượng lao động tiếp tục là "điểm nghẽn" của Việt Nam
Trình độ và kỹ năng lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với thế giới, tiếp tục là "điểm nghẽn" cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.
Sáng 18/9, tại Hội thảo chuyên đề "Thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh" được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, ông Lâm Văn Đoan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động đã cơ bản phục hồi và đang phát triển theo xu hướng tích cực.
Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do COVID-19 giảm, còn 8 triệu người bị tác động. Số người thất nghiệp cũng giảm mạnh, giảm 41.000 so với quý trước, còn 1,1 triệu.
Số người thiếu việc làm giảm mạnh ở cả ba khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (với 880.000 người). Nhóm thiếu việc làm chủ yếu là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp.
Thu nhập bình quân của người lao động quý 2/2022 đạt 6,6 triệu đồng, tăng hơn 200.000 đồng so với quý 1. Và so với cùng kỳ năm 2021, thu nhập của người lao động quý 2/2022 có tốc độ tăng khá ở mức 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542.000 đồng. Thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Đoan, chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm cả về ngành nghề, địa bàn đều không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cả nước mới có 66% lao động qua đào tạo.
7 giải pháp phát triển chất lượng nguồn nhân lực
Trong khuôn khổ tọa đàm, trao đổi về giải pháp phát triển chất lượng nguồn nhân lực thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian vừa qua đã được tập trung đẩy mạnh tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo ông Lê Văn Thanh, để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần thiết phải phát triển chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng. Đây cũng là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước thời gian tới mà đã được khẳng định trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, thời gian tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có đề xuất một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất , đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đó có chất lượng đào tạo mà trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị và thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Thứ hai , bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả nghề nghiệp nhằm hoàn thành đội ngũ lao động lành nghề và đáp ứng được nhu cầu về nhân lực khi Việt Nam phát triển như hiện nay, chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.
Thứ ba , hoàn thiện cơ chế, chính sách, thu hút các nhà đầu tư trong đó có cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo tại nơi làm việc.
Thứ tư , xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng trong đó chú trọng những đối tượng đặc thù.
Thứ năm , hiện nay lao động ở khu vực phi chính thức chưa được quan tâm đào tạo nhiều, lao động đã bị thất nghiệp cần được tư vấn để được đào tạo lại để quay trở lại làm việc, hay người lao động có nguy cơ bị thất nghiệp cũng cần được quan tâm, tránh việc thất nghiệp.
Thứ sáu , đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong đó ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai như về AI, trí tuệ nhân tạo,..
Thứ bảy , sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình và hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý cả về cơ cấu ngành, vùng miền, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhất là nhân lực công nghệ cao.