Chặt cây, thay bậc thềm di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm: Hà Nội chỉ đạo kiểm tra

Chia sẻ Facebook
26/03/2022 11:55:17

Liên quan việc tu bổ di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gây bức xúc dư luận, chiều 25-3, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội đã tiến hành kiểm tra.

Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội cho biết đang kiểm tra việc tu bổ di tích đình Chèm - Ảnh: G.Đ.


Liên quan việc tu bổ đình Chèm gây bức xúc với hình ảnh cây đa lớn bị chặt bỏ, các bậc thềm thuộc di tích quốc gia đặc biệt bị thay mới , đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa - thể thao TP Hà Nội báo cáo ngay trong ngày 25-3.

Cụ thể, sau khi nhận được tin di tích đình Chèm đang diễn ra quá trình tu bổ, toàn bộ bậc thềm, nền đá được tháo dỡ, một cây đa trong đình bị chặt hạ, cục đã đề nghị Sở Văn hóa - thể thao TP Hà Nội phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

Nhiều hạng mục phụ trợ ở đình Chèm được thay mới - Ảnh: G.Đ.


Chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Phạm Thị Lan Anh - trưởng Phòng quản lý di sản (Sở Văn hóa - thể thao TP Hà Nội) - cho biết trong chiều nay, đoàn kiểm tra do đại diện Ban quản lý di tích danh thắng, cán bộ Phòng quản lý di sản và thanh tra Sở Văn hóa - thể thao TP làm trưởng đoàn sẽ đến đình Chèm để kiểm tra.

"Hiện nay chúng tôi chưa rõ thực trạng tu bổ ở mức độ nào, chúng tôi đang kiểm tra”, bà Lan Anh nói.

Bậc thềm đình Chèm đang được xây mới - Ảnh: G.Đ.

Tuy chỉ có niên đại vài trăm năm, từ thời Lê, nhưng đình Chèm được cho đã được xây dựng từ cả ngàn năm trước.

Theo giới thiệu trên website của Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội, đình Chèm là một ngôi đình uy nghi, cổ kính, có niên đại hàng ngàn năm lịch sử, được coi là một trong số ít những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, nơi thờ đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng - nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc và là người có công dẹp giặc ngoại xâm cứu nước.

Đình được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, tiền nhị hậu công với đa dạng các hạng mục công trình, tạo nên một quy mô bề thế.

Tác phẩm sơn mài Hội đình Chèm của danh họa Nguyễn Văn Tỵ trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam


Ngoài nét cổ kính, đình Chèm còn đặc biệt được yêu thích bởi nằm trong vùng văn hóa cổ của Hà Nội, đã đi vào thơ, họa. Nổi tiếng nhất là tác phẩm sơn mài Hội đình Chèm của họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Văn Tỵ, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Vì vậy, dễ hiểu việc tu bổ đình Chèm theo cách thiếu nhạy cảm với văn hóa hiện nay đã khiến dư luận rất bức xúc.

Cổng Nghi môn tại đền An Liệt thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đồng ý cho xây lại từ cuối năm 2018, nhưng vì khó khăn kinh phí nên đến nay cổng mới được làm tạm với kiến trúc đơn giản.

Chia sẻ Facebook