Chàng trai "trộm" vàng của vợ để mua đồng hồ cổ và trả lại một con số khủng hơn ban đầu
Những lần săn được đồng hồ cổ và độc, Việt nhân lúc vợ không có nhà đã "trộm" vàng để mua bằng được.
Chàng trai "trộm" vàng của vợ để mua đồng hồ cổ và cái kết dành cho "Nóc nhà"
Vì niềm say mê đối với bộ sưu tập đồng hổ cổ, Nguyễn Quốc Việt (Vạn Phúc, Hà Đông) nửa đùa nửa thật: "Vợ không cho tiền thì mình tự lấy thôi anh ạ, vàng bạc vợ cất giữ thì mình trộm ấy anh, vì đam mê đồng hồ quá mà".
“Bảo tàng” kiến thức dành cho đam mê
Căn phòng rộng tầm 35m vuông, nằm sâu trong con ngõ nhỏ phố Ngô Thì Sỹ, Vạn Phúc (Hà Đông) là nơi Việt cất giữ và sưu tầm bộ sưu tập đồng hổ cổ của mình. Nơi đây tựa như một viện bảo tàng thu nhỏ với những chiếc đồng hồ mang nhiều mẫu mã khác nhau, vô cùng độc đáo.
Ngày nay sưu tầm đồ cổ đã trở nên khá phổ biến, dường như là một trào lưu, thú chơi tao nhã. Đối với Việt cũng vậy, đam mê này đến với cậu cũng rất tình cờ, song căn bản xuất phát từ niềm yêu thích học hỏi và tìm hiểu những giá trị văn hóa mới.
"Em bắt đầu đến với đồ cổ cũng 7-8 năm rồi, từ năm 2015. Lúc đó, em qua nhà mấy ông anh chơi, họ cũng trưng bày nhiều cổ vật đẹp lắm nên em thấy hứng thú từ đó. Sau này em tự tìm hiểu thêm rồi trở nên đam mê hơn và chơi đến giờ".
Căn phòng nơi Việt trưng bày bộ sưu tập của mình tuy diện tích không lớn nhưng những chiếc đồng hồ được sắp xếp, cất giữ rất cẩn thận và ngăn nắp. Cậu sở hữu rất nhiều món đồ quý hiếm và độc đáo, từ những chiếc đồng hồ treo tường bằng đá, bằng đồng,…
Bộ sưu tập đồng hồ có nguồn gốc chủ yếu từ Châu Âu như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý,… Có những chiếc đồng hồ là biểu tượng cho nền văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới và có giá trị như đồng hồ phù điêu bằng đồng, tạ váy Hà Lan, đồng hồ vai bò,… hay cũng có những bộ đồng hồ có niên đại từ 150 năm đổ lên...
Việt chia sẻ, khoảng thời gian cao điểm, cậu sở hữu tầm 60-70 bộ đồng hồ, bộ đắt nhất có giá trị 120 triệu đồng, tổng giá trị khi đó lên đến 3 tỷ. Sau này bán bớt đi, giờ còn lại khoảng 30 bộ đồng hồ. Việt không bán đi rồi mua lại để duy trì số lượng cho bộ sưu tập, kinh phí dành cho đam mê thường lấy từ công việc chính của bản thân là buôn bán bất động sản.
Việt chia sẻ cậu đi theo sở thích này không vì kinh doanh hay lợi nhuận, chỉ chơi vì sự yêu thích về mẫu mã độc lạ cũng như những câu chuyện gắn liền với từng chiếc đồng hồ.
Mỗi chiếc đồng hổ cổ mà Việt sở hữu đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử hay một nền văn hóa nào đó. Việt nói mình chơi đồng hồ tượng thì mình phải hiểu được câu chuyện về nó, hiểu được thông điệp mà người nghệ nhân đúc bức tượng đó muốn truyền tải, rồi bức tượng đó đúc về ai, ai là người làm ra bức tượng đó,…
"Mỗi chiếc đồng hồ đều có câu chuyện riêng của nó, như đối với bộ đồng hồ Pharaon là quy tụ toàn bộ lăng mộ Pharaon trong đây. Tượng nhân sư đồng hun là tượng trưng cho sức mạnh và trí tuệ, con lắc Djed là biểu tượng của trụ chống trời thể hiện sức mạnh và sự ổn định cho gia chủ.
Bên dưới là biểu tượng chim ưng thì tượng trưng cho sức khoẻ, sự sống, tái sinh. Còn bọ hung lăn mặt trời ở 2 bên tạo nên sự luân chuyển giữa ngày và đêm, thể hiện cho sự hồi sinh. Chân nến với biểu tượng đầu chó thần, Lông vũ của nữ thần Maat,… tất cả đều phản ánh rất rõ nét nền văn hóa cũng như hình ảnh của lăng mộ Pharaon."
Quá đam mê nên "trộm'' vàng của... vợ mua đồ
Theo thời gian nghiên cứu và sưu tầm cổ vật, Việt đã tích lũy được cho bản thân nhiều kinh nghiệm và kiến thức để gìn giữ cũng như bảo dưỡng cho bộ sưu tập của mình.
"Cứ cách 5-6 ngày em sẽ lên dây cót một lần, mỗi lần lên cót như thế đồng hồ sẽ chạy được tầm một tuần. Không nên lên cót quá chặt, nếu không sẽ dẫn đến căng cót và đứt cót. Nên là phải lên vừa tay thôi, đồ cổ mà, phải nhẹ nhàng như thiếu nữ, tỉ mẩn từng tí một. Không là đứt cót, sửa ối tiền."
"Tùy loại đồng hồ sẽ có âm thanh khác nhau, không cái nào giống cái nào. Nhiều cái đẹp nhưng chuông lại không hay, cái xấu, chuông lại hay, mà cái nào vừa đẹp âm lại hay nữa là xuất sắc lắm."
Quá trình sửa chữa những chiếc đồng hồ đã hỏng cũng được Việt học hỏi và tự mày mò rất nhiều. Vì đồng hồ chủ yếu được vận chuyển từ nước ngoài về nên hỏng hóc và đổ vỡ nhiều là chuyện bình thường. Đồ có vấn đề gì cậu cũng phải tự chịu trách nhiệm, khi đó tự sửa chữa cũng mất khá nhiều thời gian.
"Nhiều lúc không có đồ để thay thì mình phải tự chế đồ, khi đó cũng phải biết chút ít về máy móc cơ khí. Môn này khó khăn và vất vả là vì thế đấy, hỏng hóc cũng khó kiếm đồ thay thế, có khi tìm đến cả tháng, thậm chí phải hi sinh mấy cái máy khác để lắp vào một con.
Cũng xót lắm nhưng mình ưu tiên thích cái nào hơn thì tập trung sửa cái ý, nhiều rồi thành quen thôi, sau lại kiếm đồ thay lại cái kia sau. Chỉ là vấn đề thời gian thôi, chơi cái này tốn nhiều thời gian lắm."
"Vợ không cho tiền thì mình tự lấy. Cứ vàng bạc mà vợ cất thì mình cứ "trộm" thôi ý. Đam mê mà, đến khi vợ biết rồi thì cũng đành chấp nhận thôi."
"Thời gian đầu em và gia đình chưa hiểu hết về đồ cổ nên không ủng hộ anh theo đam mê này đâu, vì bản chất chơi đồ cổ rất tốn kém nhưng vì anh thích quá nên gia đình không cản được.
Ban đầu biết anh lấy tiền vàng đi mua em cũng bực lắm, nhưng mua thì cũng mua rồi, anh cũng giải thích cho em hiểu giá trị của từng món đồ, thấy anh thích quá em cũng tò mò tìm hiểu theo nên giờ thoải mái hơn và ủng hộ anh đi theo đam mê."
Có những người mua về chỉ trưng bày cho đẹp nhưng Việt ngoài trưng bày ra còn thích cái cảm giác bóc đồ lắp ráp chăm chút từng cái ốc một. Lúc hàng về đến nhà, cậu liền ngồi bóc có khác gì đứa trẻ con.
Sau khi anh ấy lấy vàng, đều thành thật "khai báo" với vợ, sau dăm bữa nửa tháng thu nhập về, Việt lại mua thêm vàng hoặc trang sức khác để bù vào cho em. Nhiều hơn số vàng bán ra nữa".
Theo Nhật Vũ - Hoàng Yến
Nhịp Sống Việt