Chàng trai thu lãi 200 triệu đồng/năm nhờ nuôi loài vật này

Chia sẻ Facebook
28/10/2023 08:04:58

Nhờ sự quyết đoán, anh Phan Thanh Phong (33 tuổi, ngụ ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, H.Châu Thành, Hậu Giang) đã thành công trong mô hình nuôi dế, ếch, cá theo cách mới lạ.

Đứng lên từ thất bại

Thông tin với báo chí, anh Phong cho biết, năm 20 tuổi, anh xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Năm 2018, sau khi dành dụm được ít vốn, anh quyết định trở về quê khởi nghiệp với nghề trồng trọt, chăn nuôi.

"Được cha cho miếng đất, tôi mua cam sành, mít thái và ớt về trồng. Tuy nhiên, việc trồng trọt liên tục gặp cảnh được mùa mất giá nên tôi chuyển sang chăn nuôi.

Năm 2019, ở miền Tây mới nổi lên mô hình nuôi ếch, sau khi tham quan và tìm hiểu cách nuôi ở vài trang trại, tôi mua 200 con giống nuôi thử", anh Phong kể.

Thời gian đầu, anh Phong chưa biết cách chăm sóc nên ếch nuôi bị hao hụt nhiều, khả năng sinh sản thấp.

Qua mỗi lần thất bại, anh rút kinh nghiệm và chịu khó mày mò học hỏi thêm về chế độ dinh dưỡng, nguồn nước giúp ếch phát triển tốt. Dần dần thành công, anh mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi từ 200 m2 lên 4.000 m2.

Ếch được anh Phong nuôi nhốt riêng theo từng loại, gồm ếch đực, ếch cái và ếch giống. Ếch cái nuôi khoảng 9 tháng có thể sinh sản và sinh sản quanh năm.

Trung bình, cứ 30 cặp ếch có thể sinh từ 10.000 - 15.000 con ếch giống. Tận dụng diện tích mặt nước ao cá của gia đình, anh thả nuôi thêm cá chép, cá sặc rằn…

Anh Phan Thanh Phong thu lợi nhuận cao từ mô hình nuôi dế (Ảnh Dân Trí)

Theo anh Phong, việc kết hợp nuôi cá dưới ao có vai trò dọn thức ăn thừa của ếch, dọn đáy lồng, giúp nguồn nước không bị ô nhiễm.

Ban đầu, anh Phong chỉ nuôi một chuồng dế nhỏ để làm thức ăn cho ếch, nhưng khi thấy nhu cầu tiêu thụ dế của các cơ sở cá cảnh và quán nhậu ngày càng cao, anh mở rộng mô hình nuôi dế thịt và dế giống. Đến nay, anh có 6 chuồng dế, mỗi tháng cung cấp từ 150 - 200 kg dế giống ra thị trường. "Số dế không đạt chất lượng trong quá trình nuôi hoặc còn sót lại sau thu hoạch tôi tận dụng làm nguồn thức ăn cho ếch. Dế sinh sản rất nhanh và số lượng nhiều", anh Phong chia sẻ.

Với mô hình nuôi kết hợp ếch, dế và cá, anh Phong thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày một đổi thay và anh có thêm vốn mở rộng quy mô nuôi.

Mong muốn sản phẩm được nhiều người biết đến và tìm hướng đi mới cho mình, anh Phong mạnh dạn đăng ký tham gia vào cuộc khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần III năm 2023 và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Với anh Phong, đây là một niềm động viên lớn để anh vững tin trên con đường đã chọn.

Dự định tương lai

Ở trang trại của anh Phong hiện tại, có nhiều dòng sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Giới thiệu với phóng viên về những sản phẩm của mình, ánh mắt anh Phong toát lên niềm hạnh phúc, tự hào: “Ếch thì hiện tại tôi có nhiều loại. Ếch thương phẩm như là: ếch đông lạnh, ếch khô hoặc là ếch đã ướp sẵn. Dế thì tôi đang sản xuất dế trứng. Hiện tại, tôi làm dế đông lạnh, chế biến và ướp sẵn, làm rất nhiều món ăn như: chiên giòn, làm gỏi hay nhiều món khác”.

Được biết, hiện tại sản phẩm của anh Phong tiêu thụ qua những khách hàng quen rồi từ từ giới thiệu và khách sỉ. Dự định sắp tới của người thanh niên này là sẽ nghiên cứu và chế biến để tạo nên những sản phẩm chất lượng hơn, đăng ký bao bì và an toàn thực phẩm để đưa ra thị trường, vào các siêu thị, góp phần đa dạng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, cũng như phát triển kinh tế gia đình.

Khởi nghiệp dù bất cứ lĩnh vực nào cũng chưa bao giờ là dễ dàng, với nông nghiệp thì càng khó khăn hơn vì đòi hỏi kinh nghiệm, vốn liếng và cả tình yêu với nghề nông. Câu chuyện của anh Phong là minh chứng cho sức trẻ, dám nghĩ, dám làm vừa phát triển kinh tế gia đình vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Và hơn hết, là góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của thanh niên tỉnh nhà.

Anh Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Xã đoàn Đông Phước, cho biết anh Phong là thành viên của Câu lạc bộ thanh niên làm ăn kinh tế của xã. Ban đầu, vốn khởi nghiệp của anh rất ít, chỉ vài chục triệu đồng, không đủ phát triển mô hình. Khi thấy ý tưởng khởi nghiệp của anh tiềm năng, địa phương đã hỗ trợ cho anh vay vốn 100 triệu đồng. Mô hình được đánh giá rất cao, vì vừa tiết kiệm diện tích lại tăng lợi nhuận từ việc chăn nuôi kết hợp.


LAM ANH (t/h theo báo Thanh Niên, Hậu Giang)

Chia sẻ Facebook