Chàng trai Quảng Trị hớp hồn cư dân mạng với tiểu cảnh miền Tây gây thương nhớ

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 17:51:33

Đó là một lối đi bất ngờ. Bất ngờ đến mức ngay cả bản thân Hoàng Thanh Tùng (21 tuổi, tỉnh Quảng Trị) cũng không thể hình dung ra mình lại chọn khởi nghiệp bằng cách đó. Nhưng đến nay, sau hơn 1 năm, Tùng đã chứng minh lối đi mình chọn là đúng.

Tùng chế tác nhiều mô hình nhà miền Tây sông nước .


Từ những loại rác thải như vỏ hộp cactông, que kem, hộp xốp, Tùng đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi tạo thành các mô hình nhà cửa của vùng sông nước miền Tây, phố cổ Hội An y như thật.


Càng bất ngờ hơn khi sản phẩm của Tùng đưa lên mạng đã được đón nhận một cách nồng nhiệt và đầy cảm xúc.


Lối đi lạ...

Ngôi nhà nhỏ của Tùng nằm khuất sau một con ngõ của thị trấn Gio Linh. Người dân địa phương vốn biết đến ngôi nhà này vì nghề truyền thống làm vàng mã của cha mẹ Tùng. Nhưng từ khi Tùng học xong trung học phổ thông hơn một năm qua, ngôi nhà này trở nên nổi tiếng hơn với những mô hình tiểu cảnh độc đáo do chính tay Tùng làm ra mỗi ngày.

Như một cơ duyên khó lý giải, sau một lần tình cờ xem một số bức ảnh cuộc sống ngày xưa với nhà sàn nổi bằng tranh tre nứa lá của miền Tây sông nước, Tùng nảy ra ý tưởng lượm lặt những thứ bị vứt bỏ để làm tiểu cảnh, tái hiện cuộc sống xưa cũ ở miền Tây.

Việc làm này lúc đó đem lại cho Tùng chút niềm vui, chút cảm hứng được thử sức với một lĩnh vực mới. Sản phẩm tiểu cảnh đầu tiên của Tùng ra đời sau thời gian khá dài cần mẫn, hết dán vào lại tháo ra.

Mô hình nhà miền tây y như thật mà Tùng làm

Sau khi đăng sản phẩm lên mạng xã hội, Tùng bất ngờ nhận được nhiều lời khen. Những đơn hàng đầu tiên để Tùng có thể "biến rác thành tiền" bắt đầu từ đó.

Tùng kể ngay cả bản thân mình cũng không tính trước được mình sẽ bắt đầu và gắn bó với nghề làm tiểu cảnh. Học xong 12, Tùng vào Đà Nẵng làm thuê một vài chỗ. Tùng có đam mê làm bể cá thủy sinh nên cũng thích tìm tòi chăm chút cho những bể cá.

Rồi dịch bùng lên, được hơn nửa năm Tùng đã lại phải trở về nhà tránh dịch. Đây là lúc Tùng bị khoảng thời gian "rảnh rỗi" dẫn dắt đến với công việc chế tiểu cảnh.

"Ban đầu mình chỉ làm cho vui bằng cảm hứng. Ai ngờ sau khi đăng lên mạng xã hội thì nhiều người đặt hàng luôn. Rồi mình nghĩ ra những mô hình khác nhau để làm. Vừa nhà kiểu miền Tây vừa nhà cổ Hội An. Không ngờ càng làm càng nhiều người mua. Và mình đã khởi nghiệp bằng tiểu cảnh lúc nào không hay", Tùng kể.


Sẽ đi đến tận cùng

Cha mẹ Tùng có 20 năm làm nghề vàng mã. Nghề này cũng cần tỉ mẩn cắt dán từng li từng tí và cũng đem lại cuộc sống cho cả nhà. Nhưng chính ông Hoàng Xuân Châu, ba của Tùng, cũng không nghĩ con mình lại chọn cách khởi nghiệp không giống ai như thế.

Ban đầu ông Châu cũng lo ngại, vì sự mới lạ quá của công việc này sẽ là khó khăn không nhỏ mà Tùng phải vượt qua. Nhưng những tháng ngày trôi qua, những đơn hàng của Tùng cứ dày thêm. Có tháng Tùng làm đến hơn 30 tiểu cảnh lớn nhỏ, đem lại thu nhập đến vài chục triệu đồng.

Không chỉ người ở khắp mọi miền đất nước thích sản phẩm của Tùng, mà Tùng đã bán được sản phẩm của mình qua tận Nhật Bản, Campuchia.

"Không có con đường nào bằng phẳng. Mình chọn con đường nào thì mình sẽ cố gắng hết sức để đi đến tận cùng con đường đó", Tùng nói.

Nguyên liệu để Tùng làm tiểu cảnh chủ yếu là rác, từ tấm bìa cactông, tre, đũa, que kem, vỏ lon bia, chai nhựa... Sau đó, tùy theo chủ đề, Tùng cắt dán, sơn màu... để cho ra nhiều sản phẩm độc đáo.

Tiểu cảnh bán đi khắp nơi trong và ngoài nước, đa số là các mô hình nhà nổi miền tây

Ngoài thời gian cặm cụi chế tác, cứ vài ba ngày Tùng lại chạy xe đi quanh xóm để xin rác. Sau đó hàng xóm đến nhà Tùng thấy rác đã biến thành những tiểu cảnh rất có hồn nên nhiều người thành thói quen cất sẵn vỏ lon, hộp giấy, que kem cho Tùng luôn.

Trong những mô hình tiểu cảnh tí hon của Tùng, đa số là mô hình cuộc sống xưa của người dân miền Tây Nam Bộ.

Đó là những ngôi nhà bằng gỗ nổi trên sông, ở đó có chiếc đò là vật dụng đi lại của bà con vùng sông nước; có cả con người trong bộ đồ bà ba và vô số những vật dụng như quần áo, bàn ghế, kệ sách, chum đựng nước, chậu hoa, cầu thang, giá phơi và có cả những cuộn dây thừng và cục đá che chắn trên mái nhà...

Tùng nói nhiều người cũng lầm tưởng Tùng là người sống ở miền Tây. Bản thân Tùng cũng không hiểu vì sao lại có ấn tượng nhiều với khung cảnh nhà miền Tây đến thế.

"Mình vẫn sẽ chế tác tiểu cảnh kiểu miền Tây sông nước, nhưng mục tiêu sắp tới của mình là những cảnh đẹp của quê hương tỉnh Quảng Trị của mình như Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, bãi biển Cửa Tùng và Cửa Việt... Mình nghĩ đây cũng là cách để giúp hình ảnh của quê nhà Quảng Trị được phổ biến rộng hơn", Tùng chia sẻ.


Người trẻ cứ dũng cảm chọn lối đi mới

Bà Trần Thị Thu, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, nói những gì Tùng thể hiện trên con đường mới mẻ của mình hơn một năm qua đã cho thấy lối đi mới sẽ luôn rộng mở nếu biết cố gắng và biết đánh giá mức độ phù hợp với khả năng của mình.

"Tùng là người trẻ. Cứ dũng cảm chọn lối đi mới, miễn đáp ứng được sở thích bản thân và đảm bảo được cuộc sống thì sẽ là lối đi đúng", bà Thu nói.

Những cửa tiệm đã ăn vào tiềm thức của người dân sông nước miền tây

Những mái nhà miền tây sông nước được Tùng tỉ mỉ làm bằng bìa cattong -

Ngoài nhà sàn miền tây, Tùng còn làm thêm các tiểu cảnh phố cổ Hội An y như thật

Những dự án sáng tạo, khởi nghiệp của học sinh, sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp thường được đánh giá cao bởi tính gần gũi, thực tiễn, dễ áp dụng ngay vào đời sống.

Chia sẻ Facebook