Chàng trai khởi nghiệp từ đục sắt, cưa gỗ tạo sản phẩm kỳ thú hút khách muôn phương
Với đôi bàn tay khéo léo cùng những ý tưởng độc đáo, anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1987 ở Hà Tĩnh) đã tạo ra những sản phẩm gỗ độc đáo, ấn tượng, từng bước có chỗ đứng trên thị trường.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo có 6 anh chị em, bố mất sớm khi Tuấn Anh vừa tròn 7 tuổi, một mình mẹ tần tảo nuôi 6 người con ăn học.
Lớn lên trong khó khăn nhưng bản thân Tuấn Anh luôn không cam chịu cảnh đói nghèo, vì thế năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT chàng trai trẻ Tuấn Anh đã xin mẹ học nghề ở trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh.
Học xong, Tuấn Anh tiếp tục theo học nghề điêu khắc mỹ nghệ từ các nghệ nhân lành nghề có tên tuổi truyền dạy.
"Để nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật điêu khắc, thời gian rảnh rỗi tôi thường đến các xưởng mộc để học từ các thợ bằng cách chú ý quan sát tỉ mỉ từ cách các nghệ nhân cầm đục hay máy cưa, theo dõi từng động tác kỹ thuật cơ bản từ tạo hình đến mô phỏng thiết kế và những ý tưởng được các thợ chia sẻ trước khi tạo ra tác phẩm...
Để nắm vững được những yếu tố kỹ thuật trong nghệ thuật điêu khắc cũng như chạm trổ trên các chất liệu gỗ thì phải chịu khó làm việc, tranh thủ thời gian học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân, chịu khó thực hành, trải nghiệm nhiều hơn trong thực tế, làm quen với các chất liệu trên gỗ, để không bỡ ngỡ khi về lập nghiệp trên quê hương của mình", Tuấn Anh kể.
Khi đã tích lũy được một ít vốn trong quá trình vừa học vừa làm, năm 2014, Tuấn Anh quyết định về quê mở xưởng gỗ vừa làm, vừa nâng cao tay nghề.
Nói về thời gian mới lập nghiệp, Tuấn Anh kể: "Có chút tích góp nhưng không đủ mua sắm các thiết bị làm nghề và mở xưởng nên năm 2014, tôi bàn bạc với gia đình vay thêm 200 triệu đồng từ ngân hàng.
Ngày ấy, 200 triệu đồng lớn lắm nên tôi cũng hơi lo, nhưng rồi, sau đó bằng tất cả quyết tâm tôi bắt tay vào mở xưởng chế tác điêu khắc gỗ.
Sau khi có vốn và mở xưởng, khó khăn nhất khiến tôi lo là việc tìm kiếm nguồn khách hàng vì dù mình có làm đẹp đến mấy mà không có khách hàng thì cũng dở.
Vì thế, sau khi tìm hiểu thị hiếu nhiều người, tôi tranh thủ sáng tạo các sản phẩm từ nhỏ nhất có thể cầm tay được đến tranh, tượng gỗ và tất cả phải làm hết sức sắc nét, tinh xảo và tỉ mỉ.
Ban đầu cũng có những khách hàng hoài nghi sản phẩm của tôi vì họ chưa biết giá trị thực của các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ. Dần dần ngày nhiều khách hàng tìm đến hơn.
Hiện nay, xưởng của tôi không thiếu việc, ngoài phục vụ khách trong tỉnh, cũng có nhiều khách ở các tỉnh khác đặt hàng".
Theo anh Nguyễn Tuấn Anh, điêu khắc gỗ là nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp, ngoài khéo tay thì người thợ cũng phải có sự sáng tạo, kiên trì và thực sự đam mê.
"Ngoài các kỹ thuật cơ bản, người thợ phải học vẽ để biết cách tạo dáng, biết phác thảo những đường nét lớn cũng như từng họa tiết nhỏ trên mỗi tác phẩm", anh Tuấn Anh cho hay.
Gắn bó với những chiếc đục sắt, cưa, máy phay gỗ... từ ngày bắt đầu, Tuấn Anh biến những gốc cây, thân cây, rễ cây... thành những hình hài sinh động, độc đáo, khác biệt, lựa theo hình dạng, màu sắc, vân gỗ, u... trên từng khối gỗ.
Đặc biệt là cái "hồn" của mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt, không có tác phẩm nào giống tác phẩm nào.
Tuấn Anh cho biết: "Quy trình để sáng tạo ra một tác phẩm gỗ điêu khắc phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ chọn phôi gỗ, hình thành ý tưởng, phá thô, làm tinh xảo sắc nét, hoàn thiện sản phẩm.
Hầu hết các công đoạn đều làm bằng thủ công, vì vậy, khi chọn gỗ cũng phải thật tỉ mỉ. Theo đó, gỗ phải là loại tốt, có độ dẻo, không nứt và không bị mối, mọt. Bên cạnh đó, người thợ phải thật sự khéo léo để các nét đục, chạm phải sắc, hình dáng, chi tiết của bản chạm khắc phải sinh động".
Tuấn Anh chia sẻ hiện anh đã sáng tác trên 1.000 tác phẩm. Bên cạnh chất lượng thì chữ tín luôn được chú trọng và đưa lên hàng đầu trong quá trình làm nghề. 'Tôi luôn luôn giao hàng đúng hẹn, đảm bảo chất lượng và sẽ từ chối đơn hàng nếu không đảm bảo yêu cầu về tiến độ thời gian' - anh nói.
Từ năm 2014 đến nay, sau gần 8 năm lập nghiệp, Tuấn Anh đã có khách hàng ổn định, với hàng trăm sản phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị. Trung bình mỗi tháng, xưởng điêu khắc gỗ của Nguyễn Tuấn Anh nhận khoảng từ 10 - 15 đơn hàng, anh luôn tất bật để kịp giao hàng đúng hẹn.
Theo Hoàng Thanh
Infonet