Chàng trai chạy xe công nghệ 4 lần gặp cướp và tấm biển 8 chữ gây chú ý

Chia sẻ Facebook
14/07/2022 01:04:05

Hình ảnh chiếc xe máy cũ cùng dòng chữ "Chở miễn phí cho cụ già, người khuyết tật" của anh Lê Minh Thiện (23 tuổi) khiến số đông không khỏi cảm động.

Trong cả buổi chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Minh Thiện (23 tuổi) luôn tự nhận bản thân là một người bình thường, không có gì đặc biệt. Anh cho rằng những việc mình đã làm trong quá khứ hay hiện tại đều bình thường chứ không phải điều gì lớn lao.

"Hồi nhỏ tôi mơ ước được xây một ngôi nhà tình thương cho các ông bà cụ. Lớn lên rồi tôi vẫn chưa làm được việc đó. Thôi thì tôi làm những công việc nhỏ hơn."


Ước mơ lương thiện của một người tử tế


Minh Thiện bắt đầu công việc chạy xe miễn phí giúp các cụ già từ 5 năm trước. Lúc ấy, anh chỉ đơn thuần là thấy ai cần giúp đỡ thì ghé lại hỏi thăm và chở người ta về tận nhà. Sau này thấy công việc "thủ công" không đem lại hiệu quả nên một năm trước, Thiện bắt đầu treo tấm bảng "Chở miễn phí người già, người khuyết tật" kèm số điện thoại của bản thân để ai cần thì tiện liên lạc.

"Các cụ ông, cụ bà, người khuyết tật gọi cho tôi nhờ tôi chở miễn phí thì ít, nhưng nhiều người gọi để giúp đỡ tôi, gửi tôi ‘tiền xăng xe’, ‘tiền cà phê’ thì nhiều. Tôi không nhận, gửi lại cho họ hết. Tự bản thân tôi chạy xe ôm mỗi ngày cũng đủ sống rồi."


Anh Thiện chia sẻ: "Hôm trước, tôi chở được 10 ông bà cụ. Nhiều nhất thì được 20 người." Ngày nào chở được nhiều ông bà cụ thì ngày đó anh vui lắm. Thậm chí, ngày đó anh chạy ít các cuốc xe bình thường được trả phí cũng không sao.


Trong thời gian chạy xe, Thiện nhiều lần gặp được những tình huống, câu chuyện ấm lòng. Anh kể, có hôm anh chở một cụ già khiếm thị. Nghe được câu chuyện của anh, cụ ngỏ ý giúp đỡ nhưng Thiện không nhận. Mãi khi về nhà, kiểm tra túi áo khoác, anh mới phát hiện thấy tờ 100 nghìn đồng và nhớ lại câu ông nói: "Hãy thay ông đi giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác"...

Cũng có một số người đi nhất quyết đưa tiền, Thiện đành phải nhận. Thế nhưng những khoản tiền này đều được Thiện tích góp lại rồi bù cả tiền cá nhân, cứ đủ 1 triệu là anh mang đi mua thức ăn rồi phát cho những cụ già vô gia cư trên đường. Anh âm thầm và lặng lẽ làm việc này cũng được nhiều năm rồi.


Thậm chí, Thiện còn từng tự bỏ tiền túi mua bộ quần áo chú gấu vàng để đi phát quà bánh cho trẻ nhỏ. Tất cả những công việc này đều xuất phát từ ước mơ ngày thơ ấu của anh, một ước mơ giản dị. Đến tận bây giờ, trong túi Thiện vẫn luôn có vài thanh kẹo mút để dành tặng những đứa trẻ anh gặp được trên đường, chỉ đơn giản vì "tôi thích con nít."


Làm việc thiện nhưng cũng lắm nhọc nhằn

Mỗi ngày, Thiện sẽ dành một phần thời gian trong ngày chạy rong ruổi khắp Sài Gòn để giúp người già, người khuyết tật. Ai cần chở đi đâu thì anh chở đến đấy, hoàn toàn miễn phí.

Thiện kể, có thời điểm anh dành cả một ngày để chạy xe giúp đỡ nhưng chẳng có ai, hoặc hiếm hoi lắm mới có người đồng ý lên xe. Một phần vì những người này ngại, phần khác họ cũng e dè, mà theo anh là do khuôn mặt như "du côn" của mình. Thiện chỉ biết cười trừ rồi lại tiếp tục công việc "mời chào" mọi người lên xe.

Mỗi ngày, anh Minh Thiện lại rong ruổi trên khắp các nẻo đường phố Sài Gòn để hỗ trợ, giúp đỡ những người già, người khuyết tật.

Từ lúc bắt đầu chạy xe ôm công nghệ, Minh Thiện gặp không ít khó khăn, vất vả. Trên người Thiện là vô số vết sẹo để lại do nhiều lần bị kẻ xấu tấn công trong quá trình chạy xe.


Anh cho biết mình đã 4 lần đối mặt với "sinh - tử". Những vết sẹo để trên tay, bụng vẫn còn y nguyên, nhưng anh nhanh chóng được an ủi vì "chở mấy cụ già thì không bị vậy bao giờ. Nên tôi thích lắm."

Chuyện chưa dừng lại ở đó, trong những lần làm việc thiện, anh cũng gặp không ít những tình huống oái oăm. Ngày trước, anh có một cái rổ to để tiện cho công việc đi phát bánh mì nhưng sau đó cũng bị trộm lấy mất. Kể ra nhiều khó khăn như vậy, thế nhưng những điều tiêu cực ấy chưa một lần làm Thiện lung lay, từ bỏ việc bản thân đã chọn.

Đêm khuya tháng 7, Sài Gòn trời mưa lâm thâm nhưng cũng đủ làm ướt người, Minh Thiện sau khi chạy hết cả Sài Gòn để tìm người cần giúp đỡ thì mới yên lòng bắt đầu công việc chính của mình. Thiện chỉ mong sau này các cụ ông cụ bà, người khuyết tật biết đến anh, biết đến số điện thoại của anh thì gọi để anh có cơ hội giúp đỡ.

Giữa gánh nặng kinh tế và ước mơ được làm điều tốt


Một ngày làm việc của Minh Thiện bắt đầu lúc 7 giờ sáng, cũng có khi là tầm trưa chiều. Anh kể: "Nếu tôi chạy xe xuyên từ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau thì ban ngày sẽ ngủ bù rồi chiều mới ra chạy xe giúp đỡ các ông, bà cụ."

Minh Thiện sống cùng mẹ trong căn nhà nhỏ ở Thủ Đức, gần cầu Bình Lợi. Chính vì lẽ đó mà anh thường hoạt động ở khu vực Ngã tư Phú Nhuận, Bình Thạnh, Quận 1. Dù vậy, nếu ai nhờ chở đi xa hơn, anh cũng rất sẵn lòng.

Cũng bởi cuộc sống khó khăn, gánh nặng kinh tế nên Thiện không tiếp tục con đường học hành mà chọn cách bươn chải sớm. Anh đã làm qua thợ hồ, rồi chạy xe ôm để có thể kiếm sống. Dù vậy, Thiện vẫn là con người "hào phóng" tình yêu thương.

Chàng trai trẻ luôn sẵn sàng cho đi tất cả, để có thể giúp nhiều người hơn nữa, còn về phần mình, anh thấy mình có "sức trẻ", thế là đủ.

Khi được hỏi anh có phải thu nhập chính của gia đình, Minh Thiện lắc đầu rồi bảo "là mẹ". Số tiền anh kiếm được từ những cuốc xe chỉ đủ nuôi sống chính mình, người tảo tần gánh vác cả gia đình vẫn là mẹ.

Lúc đầu, khi Minh Thiện chạy xe ôm miễn phí, người nhà anh cũng không quá ủng hộ. Mẹ đã nhiều lần lên tiếng, hướng con trai đến một công việc khác là sửa xe nhưng anh không đồng ý.

"Ước mơ của tôi là trở thành thợ xăm. Nếu không được làm công việc mình yêu thích thì tôi không thấy vui, nên không muốn làm. Ngược lại, chạy xe giúp đỡ mọi người như vậy tôi thấy vui."


May mắn là khi hình ảnh và câu chuyện của Minh Thiện được mọi người biết đến, mẹ anh đã có phần vui vẻ, chấp nhận công việc này của con trai. Thiện kể: "Bây giờ thì đỡ rồi, mẹ và tôi nói chuyện ‘ngọt’ hơn."

Có lẽ cuộc sống của chàng trai trẻ vẫn còn tiếp tục bấp bênh, vẫn còn khó khăn, nhưng tấm lòng của anh, những công việc anh làm đã an ủi phần nào sự lo lắng của người mẹ. Từ sự ủng hộ của mẹ, của mọi người xung quanh, Minh Thiện được tiếp thêm sức mạnh trên cuộc hành trình sẻ chia yêu thương như hiện nay.


Theo Diễm Hạnh

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook