Chẳng trách Tiểu Long Nữ xinh đẹp như vậy: Hoá ra bà của nàng chính là người đặc biệt này
Nhiều người cho rằng, xuất thân của Tiểu Long Nữ đã được nhà văn Kim Dung "gửi gắm" vào trong 3 bộ tiểu thuyết là "Thiên long bát bộ", "Anh hùng xạ điêu" và "Thần điêu hiệp lữ".
Kim Dung là một trong những tác giả viết tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của Châu Á. Sở dĩ các tác phẩm của ông thu hút được nhiều độc giả là nhờ cách khắc hoạ nhân vật tài tình của mình. Đặc biệt, các nhân vật nữ chính của ông thường rất đáng nhớ. Trong đó, Tiểu Long Nữ là nhân vật nữ luôn nhận được nhiều sự yêu thích và quan tâm nhất của độc giả.
Tiểu Long Nữ là một nhân vật của bộ tiểu thuyết kiếm hiệp " Thần điêu hiệp lữ ". Nàng được Kim Dung mô tả là một mỹ nhân có vẻ đẹp tựa như thần tiên. Sắc đẹp của nàng được miêu tả rõ nét nhất là khi lần Tiểu Long Nữ gặp Dương Quá .
"Vẻ đẹp tựa thần tiên"
"Dương Quá ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy một bàn tay trắng như ngọc vén tấm màn che, rồi một thiếu nữ bước vào. Thiếu nữ ấy mặc bộ đồ lụa màu trắng, tưởng như thân hình ấy đang trong một lớp sương mù. Nàng trạc mười bảy, mười tám tuổi. Trừ mái tóc đen, toàn thân nàng trắng như tuyết, khuôn mặt tú mỹ tuyệt vời, có điều da dẻ trắng xanh, thiếu màu hồng."
"Dương Quá ngẩng mặt lên, bắt gặp ánh mắt của nàng. Nó cảm thấy thiếu nữ thật thanh lệ tú nhã, càng nhìn càng ưa thích, song thần sắc lại lạnh lùng. Đúng là thanh khiết như băng tuyết, giá lạnh như băng tuyết. Thật chẳng biết nàng mừng hay giận, buồn hay vui."
"Bạch y thiếu nữ tú mỹ này chính là Tiểu Long Nữ, chủ nhân của Hoạt Tử Nhân Mộ này. Nàng đã mười tám tuổi, có điều sống lâu trong hầm mộ, không có ánh nắng, nội công tu luyện lại theo đường khắc chế tâm ý nên trông trẻ hơn các thiếu nữ cùng trang lứa tới mấy tuổi."
Tiểu Long Nữ là một đứa trẻ mồ côi được nhặt về nuôi nên không ai biết nàng có xuất thân từ đâu? Theo trang tin Sohu, có 2 chi tiết trong tác phẩm "Thần điêu hiệp lữ" đã phần nào làm rõ lai lịch của Tiểu Long Nữ. Đó là:
Khi Quách Tĩnh đưa Dương Quá đến núi Chung Nam, Khâu Xứ Cơ từng kể cho Quách Tĩnh nghe về sự xuất hiện của Tiểu Long Nữ. Vào một đêm của 18 năm, đột nhiên trước cổng của Toàn Chân đạo vang lên tiếng khóc lớn của 1 đứa trẻ sơ sinh. Khi các đệ tử chạy ra thì phát hiện ra dưới đất có 1 chiếc bọc bên trong là 1 bé gái.
Vì Toàn Chân đạo toàn là nam nhân nên việc nhận nuôi bé gái rất bất tiện. May mắn, khi họ đang loay hoay với đứa trẻ thì có 1 người phụ nữ trung niên bất ngờ đi qua. Người phụ nữ thấy bé gái đáng thương nên đã đề nghị nhận nuôi. Sau này Khâu Xứ Cơ mới biết người phụ nữ đó là chưởng môn sư thái đời thứ 2 của phái Cổ Mộ. Sau này, bé gái đó được sư phụ đặt tên là Tiểu Long Nữ.
Chi tiết thứ 2 là khi Tiểu Long Nữ chia tay Dương Quá và quyết định bỏ đi. Trong một lần luyện công bị thương, nàng được Công Tôn Chỉ cứu và đưa về Tuyệt Tình Cốc. Vì mắc mưu kế của Công Tôn Chỉ, Tiểu Long Nữ đã nhận lời lấy ông ta. Tình cờ, Tiểu Long Nữ gặp lại Dương Quá, nàng nhận ra tình cảm của mình nên đã từ chối Công Tôn Chỉ.
Nàng nói với Công Tôn Chỉ rằng: "Ta đã nói dối ông rằng mình họ Liễu, thực chất ta mang họ Long. Sở dĩ ta lấy họ Liễu là bởi chàng ta mang họ Dương." Qua câu nói này của Tiểu Long Nữ, có thể thấy nàng có họ tên và họ của nàng là "Long".
Lai lịch thực sự của Tiểu Long Nữ
Trong 2 cuốn tiểu thuyết "Anh hùng xạ điêu" và "Thần điêu hiệp lữ" đều không có nhân vật nào mang họ "Long". Hơn nữa vào thời nhà Tống, người mang họ "Long" thường chỉ có hoàng tộc, dân thường tuyệt đối không được sử dụng họ này.
Tuy nhiên, trong "Thiên long bát bộ", nhân vật Mộ Dung Phục được giới thiệu là hậu duệ của hoàng gia nước Yên thời Thập lục quốc. Ở phiên bản sửa mới nhất của bộ tiểu thuyết này, tác giả đã đổi lại một số chi tiết. Đó là: Đoàn Dự sau khi trở thành vua Đại Lý đã lập Mộc Uyển Thanh thành hoàng hậu. Còn Vương Ngữ Yên đã trở về Cô Tô để chăm sóc Mộ Dung Phục lúc này đã trở nên điên dại.
Bởi Mộ Dung Phục đã để lộ thân phận hoàng gia nên đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Ba Thiên Thạch, người đi cùng Đoàn Dự đã nói rằng: "Mộ Dung Phục tự xưng là hoàng đế, nếu ở Đại Tống mà bị phát giác thì sẽ bị khép vào tội giết chết cả nhà, tịch thu tài sản…"
Từ đây có thể thấy, Mộ Dung Phục vì phát điên mà tự nhận mình là hoàng đế. Thông tin này đã truyền tới tai của triều đình nhà Tống và bị truy sát. Nếu như Vương Ngữ Yên lấy Mộ Dung Phục thì khả năng họ phải liên tục chạy trốn là rất cao. Và có thể, để tránh thu hút sự chú ý, họ đã thay tên đổi họ. Tuy nhiên để nhớ về gốc gác hoàng thất của mình, Mộ Dung Phục và Vương Ngữ Yên đã đổi họ thành "Long".
Giả thuyết này hoàn toàn có cơ sở là bởi Kim Dung đã mô tả Tiểu Long Nữ là "Tiên tử ở nơi mịt mờ". Thật trùng hợp, khi Đoàn Dự rơi xuống Vô Lượng sơn động và nhìn thấy bức tượng ngọc bích. Đoàn Dự tình cờ nhìn thấy hàng chữ này trên vách đá: "Ở nơi núi xa xăm mờ mịt, có thần nhân ở. Da trắng như tuyết, giữ mình như ngọc, không ăn ngũ cốc, hút gió uống sương." Qua những chi tiết này, có thể thấy rằng, bà của Tiểu Long Nữ chính là Vương Ngữ Yên. Điều này cũng lý giải vì sao mà nàng lại có một nhan sắc mỹ miều như vậy.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp từ trang tin Sohu.
Top 7 mỹ nhân đẹp nhất trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, Vương Ngữ Yên không là số 1