Chán nản vì bị Netflix cho 'ăn hành', người dùng đang quay lại với phim lậu ngày càng nhiều
Đang có một nghịch lý rất lớn tồn tại trên thị trường khi các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix càng phát triển, người dùng lại có xu hướng quay lại với các nội dung vi phạm bản quyền.
Các dịch vụ phát trực tuyến (streaming) ngày càng được người dùng ưa chuộng vì nhiều lý do, nổi bật là họ có một cách rẻ hơn để xem nhiều chương trình truyền hình và phim theo yêu cầu. Nhiều người đã cắt bỏ các gói truyền hình cáp vì sự ưu việt tuyệt vời của các dịch vụ này.
Tình trạng xem phim lậu cũng đã hạn chế đi nhiều. Tuy nhiên, theo thời gian, ngày càng có nhiều công ty gia nhập sân chơi dịch vụ phát trực tuyến, khiến thị trường này trở nên phân mảnh, kéo theo đó việc túi tiền của người dùng vơi đi nhiều hơn do phải đăng ký quá nhiều dịch vụ.
Nhiều người đang phải trả số tiền lớn để truy cập vào hàng loạt các dịch vụ phát trực tuyến bởi hầu hết dịch vụ đều có các kho nội dung giải trí độc quyền, buộc họ phải đăng ký nếu muốn xem. Giá của mỗi dịch vụ cũng đang tăng lên. Chẳng hạn, Netflix gần đây đã tăng chi phí cho cả gói basic, standard và premium – tính phí truy cập lên đến 20 USD.
Nếu bạn cộng chi phí đó vào một số dịch vụ khác, số tiền người dùng phải bỏ ra là không hề nhỏ. Đó cũng là lý do thúc đẩy người dùng quay trở lại với nội dung vi phạm bản quyền – hay còn gọi là nội dung lậu.
Vào năm 2019, "Báo cáo hiện tượng Internet toàn cầu" của Sandvine cho biết lượng truy cập BitTorrent đã tăng lên sau nhiều năm sụt giảm. Thậm chí, báo cáo năm 2020 còn cho thấy BitTorrent còn trở thành trang có lượng truy cập nhiều nhất về lượng truy cập upstream và số 9 về lượng truy cập Internet toàn cầu.
Vì sao người dùng quay lại với phim lậu
Hơn bao giờ hết, mỗi nền tảng cần cung cấp cho người dùng lý do để họ đăng ký dịch vụ của mình. Các công ty tìm ra cách hữu hiệu nhất là các nội dung độc quyền – các chương trình truyền hình hoặc phim mà bạn không thể tìm thấy trên bất kỳ dịch vụ nào khác. Đây là lý do khiến nhiều người hiện phải đăng ký nhiều dịch vụ cùng lúc.
Các nội dung độc quyền xuất hiện ngày một nhiều đưa người dùng đến 2 lựa chọn: trả thêm tiền cho nội dung mới hoặc bỏ lỡ nội dung gốc. Bạn sẽ thấy rằng khi một công ty phát hành một nền tảng phát trực tuyến mới, họ sẽ cố gắng kéo một số chương trình hoặc phim khỏi nền tảng khác – đồng nghĩa chương trình bạn yêu thích có thể biến mất khỏi Netflix, chỉ xuất hiện trên Peacock.
Một lựa chọn thứ 3 sẵn có – tất nhiên không được chấp nhận và có thể đi kèm với các hậu quả pháp lý: vi phạm bản quyền.
Các trang web như The Pirate Bay cung cấp nội dung có bản quyền cho bất kỳ ai truy cập vào, chỉ cần có đủ người chia sẻ các file bản quyền đó. Nhiều người cho biết họ đã chọn cách xem phim lậu để hoá đơn trả cho các dịch vụ phát trực tuyến không bị phình to mà vẫn không bỏ lỡ các nội dung độc quyền.
Động thái tăng giá của Netflix là "giọt nước tràn ly"
Mặc dù Netflix duy trì vị trí "tối cao" trong ngành công nghiệp phát trực tuyến nhưng các quyết định gần đây của họ khiến lượng người dùng sụt giảm mạnh. Netflix cung cấp 3 gói thuê bao gồm basic – cho phép xem trên một thiết bị với độ phân giải không cao; gói standard với độ phân giải HD và 2 thiết bị và gói cao cấp với độ phân giải 4K và 4 thiết bị.
Với cách tính phí mới, các gói này có giá lần lượt 9,99 USD, 15,49 USD và 19,99 USD tại Mỹ. Nhiều người cho biết việc phải trả 20 USD để truy cập nội dung 4K là quá đáng, biến Netflix thành một trong những dịch vụ phát trực tuyến đắt nhất trên thị trường.
Người tiêu dùng ngày càng mệt mỏi với việc trả tiền cho nhiều dịch vụ phát trực tuyến một lúc, dẫn đến việc "tìm giải pháp thay thế", chẳng hạn như đăng ký luân phiên mỗi dịch vụ một vài tháng. Giờ đây, Netflix tiếp tục tăng giá, khiến nhiều người kêu gọi tẩy chay dịch vụ này và quay trở lại với phim lậu.
"Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của tôi khi mở Netflix hôm nay và nhận thông báo có muốn trả nhiều hơn cho nội dung UHD hay không? Tôi chọn quay lại xem phim lậu", một người dùng trên Reddit cho biết.
Tuy nhiên, tăng giá không phải là điều duy nhất khiến Netflix bị phản ứng dữ dội. Người dùng ngày càng mất thiện cảm với mô hình kinh doanh nội dung độc quyền của công ty. Chi phí bị đẩy lên cao trong khi nội dung không hấp dẫn như mong đợi.
Netflix thường xuyên tung ra các chương trình độc quyền mới nhưng nhiều chương trình trong số này bị huỷ sau 3 mùa đầu tiên, thậm chí không có đêm chung kết – khiến người dùng thất vọng.
Nguồn: Slashgear
Theo Đức Nam
Pháp luật và Bạn đọc