Chân dung tỷ phú xe điện Trung Quốc vừa vượt mặt Elon Musk

Chia sẻ Facebook
10/08/2022 13:40:48

Hãng xe điện của tỷ phú Vương Truyền Phúc vừa vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất ôtô điện lớn nhất thế giới tính theo doanh số. Ông Vương hiện nắm giữ khối tài sản 25 tỷ USD.

Theo South China Morning Post, cách đây 20 năm, tỷ phú Vương Truyền Phúc đã lên kế hoạch mua lại một hãng xe quốc doanh đang gặp khó, sau đó thay thế động cơ đốt trong bằng pin để khởi động dự án xe điện của riêng mình.

Giờ đây, hãng xe điện BYD của ông đã soán ngôi Tesla của tỷ phú Elon Musk để trở thành nhà sản xuất ôtô chạy bằng pin lớn nhất thế giới (tính theo doanh số). Theo Forbes, trong tháng 7, cổ phiếu của BYD tăng vọt 90% bất chấp các đợt phong tỏa Covid-19, giúp ông Vương kiếm thêm 7 tỷ USD.

Theo Financial Times, ông Vương đang nắm giữ khối tài sản trị giá 25 tỷ USD và là tỷ phú giàu thứ 22 Trung Quốc.


Từ nhà hóa học thành tỷ phú

Hãng xe BYD - viết tắt của "build your dreams" (tạm dịch: xây dựng ước mơ của bạn) - được tỷ phú đầu tư Warren Buffett rót vốn. Từ nhà sản xuất pin điện thoại di động có thể sạc lại lớn nhất thế giới, công ty của ông Vương đã dần chiếm lĩnh thị trường xe điện.

Thương hiệu BYD không được biết đến nhiều bên ngoài Trung Quốc. Nhưng tính trong nửa đầu năm 2022, công ty đã bán được hơn 641.000 chiếc xe. Năm ngoái, CNBC đưa tin doanh số của hãng là 130.000 chiếc. Theo Fortune, lợi thế của BYD là hãng có thể sản xuất những chiếc xe giá rẻ với pin bền hơn các nhà sản xuất của Mỹ và Nhật Bản.

Vào năm 2008, tỷ phú Buffett mua 10% cổ phần của BYD với giá 232 triệu USD. Tính đến tháng 7 năm nay, khoản đầu tư của ông đã tăng giá trị gấp 33 lần sau 13 năm đầu tư.

Sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo ở tỉnh An Huy, sau khi cha mẹ mất, ông Vương được các anh chị nuôi lớn. Lớn lên, ông theo học ngành hóa học tại Đại học Trung Nam và lấy bằng thạc sĩ của Viện Nghiên cứu Kim loại màu Bắc Kinh.

Sau 13 năm, khoản đầu tư của tỷ phú Warren Buffett vào BYD đã tăng giá trị 33 lần. Ảnh: AP.

Sau đó, ông Vương trở thành nhà nghiên cứu làm việc cho Chính phủ Trung Quốc trước khi thành lập BYD vào những năm 1990.

Theo Financial Times, trong thời gian đầu, ông Vương gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và phải vay tiền từ người thân để thành lập công ty pin nickel của riêng mình.

"Ông ấy là sự kết hợp giữa Thomas Edison và Jack Welch, vừa có khả năng xử lý những vấn đề kỹ thuật, vừa có thể hoàn thành những gì cần làm", ông Charles Munger - Phó chủ tịch Berkshire Hathaway, cánh tay phải của ông Buffett - nhận xét.

"Tôi chưa từng thấy ai có khả năng đó", ông nói thêm.


Cạnh tranh với Tesla

Theo Forbes, tài sản của ông Vương tăng lên 27 tỷ USD vào tháng 7 rồi giảm còn 25 tỷ USD. Năm 2009, sau khi tỷ phú đầu tư Buffett rót vốn vào BYD, ông Vương đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc nhờ bỏ túi 5,1 tỷ USD.

Năm ngoái, tài sản của ông Vương cán mốc 23,5 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu BYD tăng gấp 2 lần. Thời điểm đó, ông là tỷ phú giàu thứ 14 tại Trung Quốc.

BYD đang cạnh tranh với Tesla để trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới. "Các vị đã thấy xe của họ chưa. Tôi không cho rằng họ tạo ra một sản phẩm tốt", CEO Tesla Elon Musk nhận xét về xe điện của BYD trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi năm 2011.

Tuy nhiên, Tesla đã bị BYD vượt mặt sau 11 năm. Hãng xe Trung Quốc gặp ít thách thức hơn trong đại dịch, thậm chí thu về lợi nhuận cao hơn nhờ khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất. Trong khi đó, ông Musk phải đóng cửa nhà máy tại Thượng Hải trong 2 tuần vào giai đoạn phong tỏa.

Thêm vào đó, BYD có thể tự sản xuất chip và pin. Vì vậy, hãng không gặp phải những căng thẳng về nguồn cung và hậu cần như các hãng xe khác.

Trọng tâm chính của BYD là xe bus, xe con, xe đạp điện và pin có thể sạc lại. Ảnh: AP.

BYD đã vượt mặt Tesla sau khi bán được 641.350 chiếc xe trong 6 tháng đầu năm, so với khoảng 564.740 chiếc của hãng xe điện Mỹ.

BYD cũng hợp tác cùng Mercedes-Benz để sản xuất xe tải điện với mức giá khởi điểm 50.000 USD. Tuy nhiên, trọng tâm chính của hãng xe vẫn là xe bus, xe con, xe đạp điện và pin có thể sạc lại.

Khi được hỏi vì sao muốn xây dựng một công ty sản xuất xe điện, ông Vương giải thích xăng đã gây ra nhiều vấn đề về môi trường. "Tương lai của xe điện tại Trung Quốc rất tươi sáng", ông chia sẻ.

Sau 20 năm, ông Vương đã đi một chặng đường dài. Chia sẻ về lý do dấn thân vào ngành công nghiệp xe điện, ông cho biết mọi thứ bắt nguồn bằng sự tò mò.

"Khi nhìn thấy một thứ tốt đẹp, chúng tôi sẽ tự hỏi điều gì đã tạo ra thứ tốt đẹp đó, và bắt đầu đi tìm nguồn gốc sâu xa của chúng", vị tỷ phú nói thêm.

Chia sẻ Facebook