Chấn động tuyên bố: 'Loài người là... sinh vật ngoài hành tinh'?

Chia sẻ Facebook
15/08/2023 21:58:08

Theo một giả thuyết, sự sống trên Trái Đất đến từ vũ trụ. Từ đây, một số nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu nhằm tìm kiếm bằng chứng con người đến từ đâu, có phải là sinh vật ngoài hành tinh?

Sinh vật ngoài hành tinh có thật hay không là câu hỏi lớn mà giới khoa học nỗ lực đi tìm lời giải trong suốt thời gian qua. Trong khi chưa tìm ra lời giải, một giả thuyết cho rằng, người ngoài hành tinh không ở đâu xa. Con người chính là sinh vật ngoài Trái Đất.

Để chứng minh giả thuyết này, một số nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu. Trong đó, vào tháng 2/2022, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ S.A. Krasnokutski đến từ phòng thí nghiệm vật lý thiên văn thuộc Viện Thiên văn Max Planck và Đại học Friedrich Schiller Jena (Jena, Đức) đã tập trung vào các peptit. Peptit là phiên bản nhỏ hơn của protein và là một trong những nền tảng cơ bản cần thiết để sự sống tồn tại, để tái hiện đoạn lịch sử 4 tỉ năm trước.

Nhóm của Tiến sĩ Krasnokutski đã sử dụng một buồng siêu chân không cùng một số chất nền để mô phỏng điều kiện trong các đám mây bụi vũ trụ. Qua đó, các chuyên gia muốn chứng minh amino ketene - một tiền chất hóa học tạo nên peptit - có thể được hình thành trực tiếp trong môi trường kỳ lạ này.

Theo kết quả nghiên cứu công bố trên Nature Astronomy, nhóm của Tiến sĩ Krasnokutski khẳng định 4 tỉ năm trước, những thứ được chứng minh là ra đời từ 'lò luyện' vũ trụ này đã rơi xuống Trái Đất và gieo mầm sự sống. Vật liệu cho 'lò luyện' vũ trụ chắc chắn phải là một môi trường với tính hóa học đa dạng - điều không tồn tại trong thuở sơ khai của vũ trụ.

Bí ẩn này được các chuyên gia hé lộ khi công bố nghiên cứu trên The Astrophysical Journal vào tháng 10/2022 của Nhật Bản, Mỹ và Australia. Vật liệu đó chính là những siêu tân tinh từ Sao Quần thể III.

Các nhà nghiên cứu cho hay, Sao Quần thể III là nhóm sao già nhất vũ trụ. Nó được quan sát bởi các siêu kính viễn vọng. Nhờ vậy, các nhà nghiên cứu nhìn được quá khứ hơn 13 tỉ tuổi của Sao Quần thể III.

Đến một giai đoạn, các ngôi sao trong Sao Quần thể III phát nổ và trở thành siêu tân tinh khi đã 'già'. Chúng đã 'bơm' một loạt nguyên tố vào vũ trụ thuở sơ khai chỉ có hydro, heli và một ít lithium. Tiếp đến, các chuyên gia đã chứng minh những thiên thạch lao xuống Trái Đất đã mang theo những cấp độ khác nhau của cái gọi là 'khối xây dựng sự sống'.

Tiến sĩ Yasuhiro Oba thuộc Đại học Hokkaido (Nhật Bản) cho biết, các chuyên gia đã thử tìm kiếm 2 nucleobase là: purin và pyrimidine. Hai loại phân tử hữu cơ này có thể được tổng hợp trong môi trường ngoài Trái Đất. Vì vậy, họ hy vọng có thể xác định chúng trong các thiên thạch đã rơi xuống hành tinh xanh.

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia không chỉ xác thực sự tồn tại của purin và pyrimidine mà còn phát hiện một loạt nucleobase khác. Nucleobase chính là các 'khối xây dựng hóa học' để tạo nên cấu trúc thiết yếu của sự sống: DNA và RNA.

Dù đã tìm được một số bằng chứng nhưng các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định sự sống trên Trái Đất đến từ thế giới ngoài hành tinh. Để giải mã sự sống trên hành tinh xanh được hình thành như thế nào, giới khoa học sẽ phải thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu, tìm được các bằng chứng chắc chắn hơn.

Mời độc giả xem video: Loạt ảnh cho thấy viễn cảnh đáng sợ của Trái đất vào năm 2050.

Chia sẻ Facebook