Chấn chỉnh thị trường trái phiếu ra sao?

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 14:28:51

Nghiêm cấm việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để cho vay, góp vốn, mua cổ phần... Nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua TPDN riêng lẻ của các công ty đại chúng hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.

Dự án D’Capitale Trần Duy Hưng của Tân Hoàng Minh tại Hà Nội là một trong 11 dự án được Bộ Công an đề nghị xác minh việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch xây dựng, kế hoạch giao đất và nghĩa vụ tài chính - Ảnh: NAM TRẦN

Đây là một số nội dung sửa đổi nghị định 153 năm 2020 về phát hành TPDN đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ nhằm đảm bảo thị trường TPDN phát triển minh bạch, lành mạnh và an toàn. Theo đó, trong thời gian tới, việc phát hành TPDN riêng lẻ theo hướng tăng điều kiện phát hành, ràng buộc trách nhiệm của DN phát hành, phân phối TPDN trên thị trường...


Doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Chi, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết để thị trường TPDN vận hành an toàn, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa đổi nghị định 153 về phát hành TPDN. Về lâu dài bộ sẽ nghiên cứu các vấn đề còn tồn tại theo quy định của Luật chứng khoán để sửa đổi cho phù hợp. Bởi phát triển thị trường TPDN là vô cùng cần thiết, không thể tách khỏi cái chung là thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 153 về phát hành TPDN. Định hướng chung là sẽ bổ sung các quy định mới để bảo đảm thị trường TPDN phát triển an toàn, bền vững. "Chẳng hạn, nghị định sửa đổi sẽ bổ sung các giải pháp kỹ thuật để khắc phục những tồn tại trong công bố thông tin của DN trước khi phát hành trái phiếu nhằm tăng tính minh bạch của thị trường", ông Chi khẳng định.

Theo đó, DN sẽ không được phát hành TPDN có giá trị quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Nếu phát hành vượt trên 1 lần vốn chủ sở hữu, phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Nghiêm cấm việc phát hành TPDN để cho vay, góp vốn, mua cổ phần, mua vốn góp DN khác, trừ trường hợp phát hành để đầu tư vào công ty con. DN phát hành TPDN phải mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư nếu có vi phạm pháp luật và vi phạm quy định về phát hành trái phiếu.

Chính phủ cũng sẽ quy định rõ tài sản bảo đảm của TPDN phải được định giá và đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm, chào bán cho nhà đầu tư cá nhân phải có đại diện chủ sở hữu trái phiếu. Hạn chế nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua TPDN riêng lẻ của các công ty đại chúng hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. Và tổ chức cung cấp dịch vụ về TPDN chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc rà soát điều kiện phát hành.

Trước đó, trong báo cáo gửi tới Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết để chào mời TPDN riêng lẻ, nhiều công ty chứng khoán đã "lách luật", "hô biến" nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian 2-4 ngày. Tư vấn cho nhà đầu tư cá nhân không trực tiếp đứng tên mua TPDN riêng lẻ mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đứng ra mua hộ.

"Nhiều công ty chứng khoán khi chào bán TPDN không cung cấp đủ, chính xác thông tin DN phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư. Có tình trạng DN này phát hành TPDN để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của DN khác, lấy tiền cho DN khác vay, hoặc phát hành TPDN để chuyển vốn lòng vòng nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của các ngân hàng với một khách hàng, nhóm khách hàng", Bộ Tài chính cho biết.

Trái phiếu là một trong những kênh huy động vốn quan trọng giúp doanh nghiệp thực hiện các dự án bất động sản đúng tiến độ - Ảnh: Q.ĐỊNH


Phải có đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, TPDN là một trong những kênh huy động vốn quan trọng của DN bất động sản bởi tài sản bảo đảm không phải là yếu tố bắt buộc, mà DN phát hành có thể bảo đảm bằng chính trái phiếu hoặc cam kết lợi nhuận. Do đó, để thị trường TPDN có thể vận hành an toàn và hiệu quả, theo ông Châu, cần thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm DN. "Cả nước chỉ mới có 2 DN được cấp phép xếp hạng tín nhiệm là quá ít so với hàng trăm DN đang có nhu cầu phát hành TPDN mỗi năm", ông Châu nhấn mạnh.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng muốn thị trường TPDN phát triển lành mạnh, nghị định 153 phải được sửa đổi sớm. Trong đó, những quy định về sử dụng vốn huy động qua kênh TPDN phải điều chỉnh để nhà đầu tư có thể kiểm soát được quá trình sử dụng vốn của DN phát hành. Thứ hai là phải có quy định về xếp hạng tín nhiệm. Nghị định 153 có nhắc đến quy định về xếp hạng tín nhiệm DN phát hành TPDN nhưng không bắt buộc.

"Cần quy định rõ điều kiện phát hành TPDN mà DN phát hành phải tuân thủ, trong đó có những chỉ tiêu về tài chính. Cần quy định bắt buộc với DN phát hành TPDN phải có lãi trong 3 năm liền kề trước thời điểm phát hành trái phiếu. Ngoài ra, cần bổ sung các quy định chặt chẽ về vốn chủ sở hữu, đòn bẩy tài chính, tính thanh khoản, như vậy thị trường TPDN sẽ an toàn hơn, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư", ông Hiếu cho biết thêm.

Trong khi đó, theo ông Đinh Tuấn Minh - giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, trái phiếu không phải là tín dụng ngân hàng nên yêu cầu với trái phiếu chủ yếu là tín chấp. DN huy động vốn để làm một dự án hình thành trong tương lai chứ không được bảo đảm bằng một thứ ở hiện tại. Do đó, trái chủ cũng được hưởng lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, rủi ro cũng lớn hơn.

Cũng theo ông Minh, ngay cả ở nước ngoài vẫn có những TPDN rác, không thuộc nhóm được xếp hạng tín nhiệm nhưng vẫn có người mua vì lãi suất cao. Ngược lại, với những trái phiếu có tín nhiệm cao như trái phiếu chính phủ đang phát hành rộng rãi sẽ có lãi suất thấp hơn TPDN. Vì vậy, nhà đầu tư TPDN cần cân nhắc kỹ các yếu tố khi mua. Lợi nhuận khác nhau, rủi ro cũng sẽ khác nhau.

"Thị trường TPDN muôn hình vạn trạng, vì thế cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định để những hợp đồng giao dịch TPDN không bị mập mờ thông tin. Đồng thời cảnh báo rõ ràng với người mua rằng tài sản bảo đảm với TPDN chỉ mang tính chất là triển vọng trong tương lai để nhà đầu tư không hiểu nhầm. Và cần xây dựng điều kiện cụ thể về việc nhà đầu tư nào được tham gia thị trường TPDN sơ cấp và những ai chỉ được tham gia thị trường sơ cấp", ông Minh khuyến nghị.


Hơn 50% TPDN không có tài sản đảm bảo

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng khối lượng TPDN phát hành năm 2021 đạt hơn 639.700 tỉ đồng (khoảng 27,8 tỉ USD), tăng 38,8% so với năm 2020. Trong đó, chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ, đạt hơn 605.500 tỉ đồng (26,3 tỉ USD), TPDN chào bán ra công chúng cùng kỳ đạt khoảng 34.100 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2021, quy mô TPDN phát hành riêng lẻ tương đương 16,84% GDP.

Trong đó, TPDN phát hành riêng lẻ có tài sản bảo đảm chiếm 49,7%, TPDN không có tài sản bảo đảm chiếm 50,3%. Hơn 77,7% TPDN phát hành riêng lẻ không có tài sản bảo đảm đều do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phát hành. Lãi suất phát hành bình quân của TPDN trong năm 2021 là 7,94%, thấp hơn lãi vay trung và dài hạn phổ biến của các tổ chức tín dụng hiện nay từ 1-2%.

Đối với TPDN do các DN bất động sản và xây dựng phát hành, có 88,2% lượng trái phiếu có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán. Nhưng tài sản bảo đảm của các DN chủ yếu là các dự án bất động sản hình thành trong tương lai (chiếm 57,84%), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cổ phiếu (chiếm 1,37%), bảo đảm bằng tài sản khác (chiếm 8,67%).


* LS Trương Thanh Đức (giám đốc Công ty luật Anvy):


Doanh nghiệp phải công khai thông tin

Vốn huy động qua thị trường chứng khoán, gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trong đó, TPDN chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm. Do vậy, thị trường TPDN còn rất nhiều dư địa phát triển. Có thể nói, thị trường TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng, góp phần phát triển hệ thống tài chính lành mạnh, cân đối hơn.

Thị trường TPDN phát triển sẽ góp phần đa dạng hóa kênh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm tài chính. Đây còn là kênh huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và doanh nghiệp hay tổ chức khác, góp phần hạn chế vàng hóa, đôla hóa... Điều quan trọng là cần "bắt đúng bệnh" của thị trường TPDN nhằm đảm bảo thị trường này phát triển lành mạnh hơn, một trong những giải pháp là thông tin phải được rõ ràng.

DN có thể phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng phải công khai thông tin này cho nhà đầu tư. DN cũng có thể phát hành trái phiếu khi thua lỗ, nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu... Ngoài website của mình, DN cũng cần công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin về tình hình "sức khỏe" của DN như nợ, lỗ hay lãi... để nhà đầu tư giám sát.


* TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia ngân hàng):


Phải xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành

Để thị trường TPDN phát triển ổn định và bền vững, cần phải kiểm tra "sức khỏe" của DN trước khi phát hành trái phiếu. Ngay ở Mỹ, đạo luật Dodd-Frank về cải cách và bảo vệ người tiêu dùng đã dành nguyên một chương về xếp hạng tín nhiệm. VN nên nghiên cứu những điều khoản trong chương này để có thể áp dụng.

Các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành hai nhóm đầu tư và không đầu tư để các nhà đầu tư nhận định ngay mức độ rủi ro khi mua TPDN. Ngoài ra, cần thành lập riêng một văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính về xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động, nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm, các phương pháp xếp hạng tín nhiệm. Điều này đảm bảo "kết quả kiểm tra sức khỏe" của DN phát hành trái phiếu được các công ty xếp hạng là chuẩn xác.


LÊ THANH


Doanh nghiệp sẽ "đói" vốn?

Cần có biện pháp giám sát và hậu kiểm chặt chẽ để thị trường tài chính - chứng khoán phát triển bền vững. Trong ảnh: giao dịch chứng khoán tại CTCP chứng khoán VNDIRECT, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trái phiếu sẽ trở thành "bom nợ" nếu doanh nghiệp không có dòng tiền để trả cho trái chủ, tài sản đảm bảo có chất lượng thấp. Tuy nhiên, cần kiểm soát một cách khôn khéo, tránh để doanh nghiệp bị "đói" vốn, gây nên hệ lụy không đáng có.

Nhiều chuyên gia đã khuyến cáo như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo các chuyên gia, thông qua thị trường trái phiếu, không chỉ DN bất động sản hay các ngân hàng, mà DN các ngành khác như xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, chứng khoán, năng lượng... cũng huy động được vốn đầu tư phát triển kinh doanh.


Doanh nghiệp sẽ gặp khó về vốn

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng khối lượng phát hành trái phiếu trong quý 1-2022 đạt hơn 56.670 tỉ đồng. Trong đó, tỉ lệ phát hành riêng lẻ chiếm gần 85%, còn lại là huy động theo phương thức phát hành ra công chúng.

Trong quý 1-2022, tổng khối lượng phát hành của TPDN tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu xuất phát từ nhóm bất động sản, ngân hàng và xây dựng. Tuy nhiên, từ tháng 4 trở lại đây, hoạt động phát hành TPDN đã "chùng" lại. Cụ thể, VBMA cho biết sang tháng 4 vừa qua không có bất kỳ DN bất động sản nào phát hành TPDN.

Vào tháng 5-2022, phần lớn giá trị phát hành thuộc về nhóm ngân hàng thương mại (80%) và nhóm dịch vụ lưu trú (10%). Trong khi trước đó, bất động sản mới là ngành thường so kè hạng nhất nhì với nhóm ngân hàng thương mại về giá trị phát hành trái phiếu.

"Việc phát hành TPDN, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, sẽ bị kiểm soát chặt chẽ trong vài quý tới. Điều này sẽ khiến các chủ đầu tư VN có thể gặp khó trong việc huy động vốn trong vài quý tới", đội ngũ phân tích của Chứng khoán VNDIRECT nhận định.

Từ đầu năm đến ngày 27-5 vừa qua, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng (trái phiếu chất lượng) đạt hơn 8.990 tỉ đồng (chiếm gần 9% tổng giá trị phát hành), tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ (đại trà, chất lượng lẫn lộn) là hơn 95.670 tỉ đồng (chiếm khoảng 91% tổng giá trị phát hành), giảm gần 27% so với cùng thời điểm năm trước.

VBMA nhận định thị trường trái phiếu VN vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Đối với thị trường TPDN, dù quy mô tăng trưởng nhanh với khối lượng phát hành mới tương đối lớn trong những quý gần đây, nhưng tỉ trọng dư nợ TPDN/GDP vẫn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia...


Cần một thị trường minh bạch, an toàn

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - cho rằng tại nhiều quốc gia phát triển, vốn hóa thị trường chứng khoán thường cao gấp 2-3 lần GDP. Chẳng hạn, quy mô vay nợ TPDN ở Mỹ có thể lên đến 100% GDP. Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2020, tỉ lệ tín dụng trên GDP của VN lên tới 146% theo GDP hiện hành, 115,8% theo GDP đánh giá lại.

Các dữ liệu trên cho thấy nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng. Quy mô vay nợ trái phiếu vẫn còn khá khiêm tốn so với số vay từ ngân hàng. Do đó, theo TS Huân, rủi ro của thị trường này phụ thuộc vào dòng tiền hoạt động kinh doanh của DN, chất lượng tài sản đảm bảo của lô trái phiếu. Cần lưu ý, một lô TPDN dù không có tài sản đảm bảo, nhưng DN có dòng tiền tốt để chi trả cho trái chủ thì độ an toàn của trái phiếu vẫn cao.

Trong khi đó, nếu trái phiếu có tài sản đảm bảo nhưng chất lượng tài sản xấu, rủi ro cho trái chủ vẫn cao. Chưa kể, trong trường hợp DN tuyên bố phá sản, tài sản phát mãi có giá trị hàng ngàn tỉ đồng, khó có người mua, bị "treo" trong nhiều năm sẽ gây thiệt hại cho trái chủ.

Cũng theo TS Huân, thị trường trái phiếu VN chỉ thực sự phát triển trong 5 năm trở lại đây. Dù vẫn còn non trẻ nhưng thị trường này đã đóng vai trò quan trọng. Cho dù lãi suất trái phiếu lên đến 12%/năm, nhưng với nhiều DN, con số này không cao bởi có thể vay dài hạn 3-5 năm, trong khi ngân hàng thường chỉ cho vay ngắn hạn.

"DN bất động sản phát hành trái phiếu để tài trợ cho dự án là việc bình thường. Tuy nhiên, cần có quy định chặt chẽ để kiểm soát người bán lẫn mua trái phiếu, tránh việc DN phát hành trái phiếu riêng lẻ lập lờ thông tin. Chính động thái quyết liệt sẽ giúp thị trường trong sạch, minh bạch, tạo ra môi trường an toàn hơn cho nhà đầu tư", TS Huân cho hay.

Trái phiếu sẽ trở thành "bom nợ" nếu doanh nghiệp không có dòng tiền để trả cho trái chủ, tài sản đảm bảo có chất lượng thấp. Tuy nhiên, cần kiểm soát một cách khôn khéo, tránh để doanh nghiệp bị "đói" vốn, gây nên hệ lụy không đáng có.


BÔNG MAI

Bộ Tài chính vừa điểm mặt 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất năm 2021, trong đó có những cái tên đáng chú ý như: Hưng Thịnh Land, Vạn Trường Phát, Novaland, Vinaconex, Big Again.

Chia sẻ Facebook