Chấm xe điện Mercedes EQS về Việt Nam năm nay: Đầu xe ấn tượng nhưng đuôi xe bị trừ điểm

Chia sẻ Facebook
17/06/2022 04:32:20

Mercedes EQS thường được coi là mẫu S-class chạy điện, sẽ về Việt Nam khoảng Quý IV/2022.

Trong toàn bộ sản phẩm điện của Mercedes, mẫu EQS có lẽ là mẫu có ý nghĩa quan trọng bậc nhất với hãng xe Đức, khi đây là mẫu xe thuần điện đầu tiên của hãng được bán ra. Mercedes EQS được định vị là một mẫu xe hạng sang, thường được nhiều người gọi là S-class chạy điện. Ngoài ra, với vai trò là mẫu xe tiên phong, mẫu xe này được xem là nền móng cho toàn bộ hệ xe chạy điện của Mercedes. Tại Việt Nam, Mercedes EQS được cho là sẽ bắt đầu xuất hiện từ Quý IV/2022 với mức giá đồn đoán hơn 4 tỷ đồng.

Mới đây, chuyên trang Motor1 đã có bài đánh giá tương đối chi tiết về chiếc Mercedes EQS phiên bản 580 4Matic. Nhìn chung, với những vấn đề vừa nêu, tác giả bài viết đánh giá chung chiếc xe rằng mang tới một trải nghiệm êm ái, sang trọng với một không gian nội thất cao cấp.

Ảnh: Autocar

THIẾT KẾ: 6/10

Trong các vấn đề được đem ra đánh giá, tác giả trừ điểm mạnh tay nhất ở phần thiết kế. Tác giả cho rằng mặc dù Mercedes EQS có được thiết kế phần đầu ấn tượng với khu vực "lưới tản nhiệt" ốp nhựa đen bóng có tích hợp các ngôi sao 3 cánh phát sáng, chiếc xe trông rất ấn tượng, nhất là khi di chuyển buổi tối; nhưng thiết kế phần mái phía sau của xe chưa ấn tượng: Tác giả bài viết dùng từ "lưng gù" để mô tả khu vực này.

Nhấp chuột để lật ảnh

Tác giả bài viết của Motor1 không đánh giá cao thiết kế phần mái phía sau của Mercedes EQS. Ảnh: Autocar


Ngoài ra, khu vực đuôi của chiếc xe gây ấn tượng với dải đèn LED dài, chạy hết chiều ngang chiếc xe. Mặc dù Mercedes EQS được định vị là một mẫu xe hạng sang, nhưng ngay cả khi trang bị bộ mâm thể thao 21 inch của AMG thì tổng thể chiếc xe vẫn tương đối hòa hợp. Bởi là một mẫu xe điện, chiếc xe cần một thiết kế mượt mà để tăng hiệu quả di chuyển, do vậy mà tác giả bài viết đánh giá Mercedes EQS tương đối nổi bật trong toàn bộ sản phẩm của Mercedes (tính cả các mẫu xe dùng động cơ đốt trong truyền thông), nhưng theo một cách khác lạ.

Tạm gác lại phần thiết kế ngoại thất, khu vực nội thất của Mercedes EQS là một điểm nhất cực kỳ quan trọng của chiếc xe. Nổi bật nhất chính là cụm màn hình trung tâm với 3 màn hình, kết hợp với đó là những chi tiết trang trí bằng nhôm, gỗ. Khoang nội thất của mẫu xe còn gây nhiều cảm hứng với tác giả với chi tiết đèn viền nội thất, cảm giác như những dòng ánh sáng trôi khắp cabin.

ĐỘ THOẢI MÁI: 9/10

Nhấp chuột để lật ảnh

Mercedes EQS mang lại cảm giác ngồi rộng rãi, êm ái và yên tĩnh. Ảnh: Autocar


Nếu so sánh với các mẫu xe S-class thì tác giả thẳng thắn nhận định rằng chiếc xe chưa cho được cảm giác thượng hạng như vậy, nhưng nhìn chung thì cũng đã gần đạt tới. Hệ thống treo khí nén cộng với việc loại bỏ động cơ đốt trong khiến cho trải nghiệm ngồi trên chiếc xe thật êm ái, tĩnh lặng. Một điểm được đánh giá cao khác chính là những chiếc ghế của chiếc xe, được miêu tả là cao cấp, da bọc mềm và được thiết kế uốn theo đúng dáng người.

Dù phần mái của Mercedes EQS hơi thoải nhưng hành khách cao 1m8 vẫn có thể ngồi thoải mái. Ảnh: Autocar

Mẫu xe này cũng mang đặc trưng chung của các mẫu xe điện là không gian hàng ghế sau rộng rãi, cả khu vực để chân và khoảng không trên đầu. Không chỉ không gian ngồi, khoang hành lý với dung tích khoảng 623 lít được xem là rất mạnh trong phân khúc, đó là chưa kể khi gập hàng ghế sau lại thì dung tích lên tới gần 1.800 lít. Tuy nhiên, khác với các mẫu xe cùng phân khúc (như Lucid Air hay Tesla model S), Mercedes EQS không có khoang hành lý phía trước. Không có chi tiết đó chỉ là một điểm trừ nhỏ, nhưng có lẽ sẽ là một điểm cộng lớn nếu có.

CÔNG NGHỆ & KẾT NỐI: 9/10

Nhấp chuột để lật ảnh

Cabin của Mercedes EQS gây ấn tượng với cụm 3 màn hình kích thước lớn. Ảnh: Autocar


Màn hình giải trí khổng lồ của chiếc xe gồm một màn hình 12,3 inch làm đồng hồ người lái, một màn hình cảm ứng OLED trung tâm 17,7 inch, và một màn hình 12,3 inch khác ở vị trí ghế phụ, cho phép hành khách chơi game hoặc điều chỉnh nhạc. Trong khi một số mẫu SUV điện của Mercedes đã được xe video trong khi di chuyển, tác giả bài viết kỳ vọng rằng tính năng đó sẽ sớm có mặt trên mẫu sedan hạng sang này.

Đứng sau những trải nghiệm mới lạ của cụm 3 màn hình này là phần mềm giải trí MBUX, nổi tiếng với cách sử dụng đơn giản, giao diện tinh gọn và dễ nhìn. Tuy nhiên, tác giả bài đánh giá lại thấy hệ thống giải trí và điều khiển trên vô lăng hơi phiền, các "nút" cảm ứng không nhạy và tiện dụng như các phím/nút vật lý: Phím âm lượng bên phải khiến việc chọn mức âm lượng hợp lý rất khó khăn, còn phím kích hoạt Điều khiển hành trình (Cruise Control).

TRẢI NGHIỆM LÁI: 7/10

Mercedes EQS là một mẫu xe sang trọng, không phải mẫu xe thiên về hiệu suất. Ảnh: Autocar

Trong những lần nhắc tới mẫu xe này, Mercedes chưa từng mô tả chiếc xe này là một mẫu xe thiên về hiệu suất; tuy nhiên, với 2 động cơ điện có tổng công suất 516 mã lực và 855Nm do khối pin 107,8kWh cung cấp điện, chiếc xe thực sự có mang tới một trải nghiệm thú vị: Chiếc xe gần 2,7 tấn tăng tốc từ vị trí đứng yên lên 100km/h trong 4,1 giây. Tất nhiên, với định vị không nằm ở dòng xe thiên về hiệu suất thì những con số trên chẳng gây ấn tượng được với những người yêu thích Porsche Taycan, Lucid Air hay Tesla Model S.


Mercedes EQS tăng tốc từ vị trí đứng yên nhanh, nhưng cũng nhanh chóng trở nên "bình thản" - đặc trưng chung của động cơ điện. Dù vậy, khi cần thì chiếc xe vẫn đủ lực để vọt lên. Ngoài chuyện về công suất, vô lăng của Mercedes EQS cũng giống với những gì mà hãng định vị - một chiếc xe sang. Vì vậy mà tác giả cảm thấy rằng chiếc vô lăng này quá "nhạt"; nhưng xét cho cùng thì cảm giác đánh lái vốn chẳng phải là điều mà Mercedes muốn đặt lên chiếc xe sang của mình.

AN TOÀN: 9/10

Bài đâm va thử mẫu Mercedes EQS do Euro NCAP thực hiện.

Ở thời điểm hiện tại, hệ thống tự lái Drive Pilot mà Mercedes phát triển chưa có mặt trên chiếc Mercedes EQS này tại Mỹ; song, chiếc xe vẫn đi kèm gói trang bị Driver Assistance (tạm dịch: Hỗ trợ người lái). Hệ thống này được quảng cáo tích hợp Điều khiển hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control), Hỗ trợ chuyển làn, Hỗ trợ đỗ xe chủ động...; tất cả được tác giả đánh giá là hoạt động mượt mà, không có lỗi. Khi hệ thống này được kích hoạt, bạn sẽ không cần phải điều khiển chân ga, chân phanh nhưng vẫn sẽ cần giữ tay trên vô lăng.

Để hỗ trợ người lái tốt nhất, chiếc xe được trang bị màn hình hiển thị kính lái HUD, "diễn họa" cả hình ảnh chiếc xe đi phía trước với thông tin về khoảng cách, vị trí trên làn di chuyển. Nếu người lái muốn chuyển làn khi hệ thống Driver Assistance được kích hoạt, chỉ cần gạt cần xi nhan, chiếc xe sẽ tự căn và từ từ chuyển làn theo ý muốn. Cần lưu ý rằng vẫn nên cẩn trọng trong quá trình chiếc xe tự chuyển làn, và nó hoạt động tốt hơn khi di chuyển trên đường cao tốc thông thoáng.

PIN, SẠC VÀ CỰ LY DI CHUYỂN: 6/10

Mercedes EQS có thể sạc từ 10% lên 80% trong 31 phút. Ảnh: Fletcher Jones Motorcars of Fremont

Xét trong phân khúc, Mercedes EQS xếp hạng 3 với cự ly di chuyển tối đa 563km với phiên bản 450 , với phiên bản 580 4Matic trong bài thì có thể đi được khoảng 550km giữa các lần sạc; trong khi đó thì Lucid Air đi được gần 840km, Tesla Model S đi được 600km. Ngoài ra, Mercedes EQS chỉ có thể tiếp nhận dòng điện 200kW, là thấp nhất trong phân khúc, nhưng thời gian sạc thực tế lại tương đối nhanh, nhanh hơn cả mẫu Model S Plaid đầu bảng của Tesla, có lẽ do bộ điều khiển pin BMS hoạt động hiệu quả.

GIÁ THÀNH: 3/10

Giá sàn các mẫu sedan điện hạng sang và phí vận chuyển tại thị trường Mỹ. Ảnh: Motor1


Xét trong toàn bộ phân khúc sedan điện hạng sang, mẫu xe của Mercedes với phiên bản 580 4Matic này có mức giá khởi điểm cao nhất: 119.110 USD. Chiếc xe mà tác giả bài viết trải nghiệm có mức giá cuối lên tới 133.670 USD khi cộng thêm tùy chọn. Các tùy chọn đắt tiền nhất của chiếc xe thường liên quan đến mặt cảm nhận, có thể kể tới màu sơn ngoại thất, tùy chọn ốp gỗ óc chó cao cấp, nước hoa trong xe...

Chia sẻ Facebook