Chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công

Chia sẻ Facebook
14/08/2022 08:14:30

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công cả nước trong 7 tháng qua chỉ đạt gần 187 nghìn tỷ đồng, bằng gần 34,5% kế hoạch cả năm.


Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 Nghị quyết, 3 công điện, 7 văn bản, tổ chức 1 hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương và thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công bởi đầu tư công không chỉ là nguồn vốn mồi kéo theo sự tăng trưởng của các lĩnh vực khác của nền kinh tế mà còn giúp các doanh nghiệp và cả nền kinh tế mau chóng phục hồi sau đại dịch.

Kết quả giải ngân thấp này là do cho đến nay mới chỉ có 01 cơ quan trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% trong khi có tới 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Đặc biệt, hiện có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch giao.


Hà Nội gỡ khó đầu tư công

Hà Nội là một trong những địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quân chung cả nước, đến tháng 7 vừa qua mới chỉ đạt hơn 30% kế hoạch. Để cải thiện tình hình, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan liên quan phải vào cuộc quyết liệt, phấn đấu đạt trên 90% kế hoạch vào cuối năm nay.

Thi công 3 ca kể cả khi thời tiết bất lợi; dồn tổng lực của các nhà thầu, 6 dự án trọng điểm và hơn 60 dự án xây lắp khác của TP Hà Nội được Ban Quản lý các công trình giao thông liên tục đốc thúc tiến độ. TP Hà Nội kỳ vọng, điều này sẽ giúp các dự án trọng điểm như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ về đích quý 2 năm sau; Tuyến đường bộ trên cao dọc vành đai 2 sẽ thông xe cuối năm; Hầm chui Giải Phóng và Hầm chui Lê Văn Lương sẽ thông xe vào ngày 10/10 tới.

Ông Hồ Đức Phúc, Giám đốc Ban Điều hành Liên danh gói thầu số 8, hầm chui Lê Văn Lương, cho biết: "Thắng lợi nhất trong mùa mưa bão này là chúng tôi đã đổ hoàn thành 100% bệ vượt ra khỏi phạm vi mức nước nên sẽ không ảnh hưởng tiến độ trong thi công".

Thế nhưng, kết quả giải ngân chung của toàn TP hiện vẫn thấp và nhiều nguyên nhân được chỉ ra như giá xăng dầu, nguyên vật liệu thời gian qua biến động tăng cao và còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Ông Vũ Hồng Sơn, Ban Quản lý Dự án Đầu tư công trình giao thông Hà Nội, nói: "Áp lực giải ngân từ nay đến cuối năm đối với ban cũng là một áp lực rất lớn tại vì có rất nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, ví dụ như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đấy là vướng mắc rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phối hợp tốt với sở, ngành địa phương để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tháo gỡ các vướng mắc này".

Tính chung, TP Hà Nội hiện có 24 đơn vị giải ngân thấp và 4 đơn vị nằm trong danh sách báo động đỏ vì chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm nay, trong đó có Sở TN&MT. Đây là áp lực khiến thành phố phải tính đến việc siết chặt kỷ luật kỷ cương trong đầu tư công.

TP Hà Nội sẽ xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra tình trạng giải ngân vốn đầu tư công không đạt trên 90% kế hoạch trong năm nay. Trên 90% là con số khá áp lực với nhiều ban ngành của Hà Nội bởi sẽ phải xử lý rất nhiều những vướng mắc tại các dự án đã được phân cấp từ dự án cấp thành phố cho tới dự án cấp huyện, xã.


Tìm giải pháp giải ngân vốn đầu tư công

Các địa phương nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa.

Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đặt ra cho các bộ ngành, địa phương từ nay đến cuối năm bởi số vốn đầu tư công năm nay còn hơn 540 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với năm 2016 và nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm ngoái.

Từ kết quả kiểm tra tại các bộ ngành, địa phương của 6 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các bộ và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Điều chuyển vốn, loại bỏ nhà thầu yếu kém, kiểm điểm trách nhiệm của những người đứng đầu đang là những giải pháp được Bộ giao thông thực thi nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu công. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các ban quản lý dự án phải tạo điều kiện tốt nhất trong khâu thanh toán nhằm khơi thông dòng vốn cho các nhà thầu.

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long, cho biết: "Trong những trường hợp cấp bách, chúng tôi có thể cho các nhà thầu nợ một số điều kiện nhưng phải hoàn thành vào kỳ thanh toán tiếp".

Mặc dù nằm trong nhóm bộ, ngành có khối lượng giải ngân cao, đạt 39% theo kế hoạch, nhưng áp lực về phần vốn còn lại phải giải ngân của ngành GTVT là rất lớn.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, nói: "Rút ngắn những thủ tục thanh quyết toán nội bộ và phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành địa phương để tháo gỡ những khó khăn phát sinh, đặc biệt là nguồn cung vật liệu và biến động đột biến về giá".

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết sẽ phối hợp với các đầu mối để tập trung xử lý những vướng mắc về đất đai, tài nguyên, môi trường, ngân sách nhà nước... nhằm đẩy mạnh tiến độ triển khai giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm nay.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: "Thứ nhất, chúng ta sẽ đẩy mạnh kiểm soát biên độ giá cả, đồng thời lường trước được các điểm trong thủ tục đầu tư công để xong bước này có thể tiến đến bước kia mà không phải chờ đợi".

Chia sẻ Facebook