Chăm sóc người bệnh tim mạch khi mắc COVID-19

Chia sẻ Facebook
19/09/2022 08:45:24

Trong 8 tháng năm 2022, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang có trên 2.000 bệnh nhân điều trị COVID-19, trong đó tỷ lệ người có các bệnh lý tim mạch, huyết áp chiếm gần 40%.


Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang những năm gần đây, số người mắc các bệnh lý về tim mạch có xu hướng gia tăng, có người mắc bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ. Các bệnh tim mạch nặng như nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh lý van tim, thấp tim, bệnh mạch vành, suy tim do tăng huyết áp được phát hiện cũng tăng cao. Đặc biệt với những người bệnh tim mạch khi mắc COVID -19 dễ diễn tiến nặng, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.


Tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, bà Đ.T.L. (71 tuổi, trú tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) chia sẻ: Sau khi mắc COVID-19 , bà thấy sức khỏe suy giảm nghiêm trọng với các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, chán ăn. Rất may bà đã đến khám và được bác sĩ chẩn đoán tình trạng: Nhịp tim tăng cao, huyết áp tăng, viêm phổi, tràn dịch màng phổi trên nền bệnh lý tim mạch. Bà đã được điều trị kịp thời, sức khỏe dần ổn định.

Bà L. chỉ là một trong số những bệnh nhân mắc COVID-19 có bệnh tim mạch bị biến chứng nặng về hô hấp và tim mạch đã được khám và điều trị kip thời, không để lại những di chứng cho sức khỏe.

Theo bác sĩ, người có các bệnh tim mạch, huyết áp khi mắc COVID-19 nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh dễ diễn tiến phức tạp như suy hô hấp, rối loạn đông máu, tắc mạch, đột quỵ, tử vong. Trong quá trình điều trị, nhất là khi có sử dụng thuốc kháng virus, cần có sự chỉ định, theo dõi sát của bác sĩ.

ThS.BS Trịnh Tiến Hùng, Phụ trách Khoa Tim mạch cho biết: Những người mắc các bệnh lý tim mạch cần tái khám định kỳ, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Với những người bệnh tim mạch mắc COVID-19 cần theo dõi sát sao và điều trị đúng phác đồ theo từng giai đoạn. Những người sau mắc COVID-19 cơ thể thường xuyên mệt mỏi kéo dài cần đi khám bác sĩ sớm để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lý tim mạch và các bệnh lý khác.

Bệnh tim mạch có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao, tốn kém nhiều chi phí điều trị và chăm sóc, đòi hỏi sự điều trị và theo dõi cẩn thận, thậm chí là suốt đời. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần có lối sống lành mạnh, tích cực với chế độ ăn giàu chất xơ, hạn chế chất béo, chất kích thích và đặc biệt nên ăn ít muối để phòng bệnh. Đồng thời, tích cực vận động thể dục thể thao phù hợp, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Đối với bệnh nhân đã mắc các bệnh lý về tim mạch, cần khám định kỳ đều đặn và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Khi người bệnh tim mạch mắc COVID-19, cần chủ động chăm sóc, theo dõi dự phòng các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.

Chia sẻ Facebook