Chậm phát thiết bị dạy học, nhà trường xoay xở thích ứng

Chia sẻ Facebook
27/10/2022 11:40:57

Đến thời điểm này, năm học 2022-2023 đã triển khai được nửa học kỳ 1 tuy nhiên nhiều địa phương chưa được cấp phát trang thiết bị dạy học.


Suốt thời gian qua, thầy trò ở các khối lớp triển khai chương trình mới ở hầu hết các địa phương đều chưa được cấp phát trang thiết bị dạy học. Để tránh phải 'dạy chay, học chay', các trường học đang nỗ lực xoay xở thích ứng.

THPT Nguyễn Văn Huyên, Tỉnh Tuyên Quang hiện chỉ còn ít ống nghiệm với kính hiển vi dùng được. Các giá đựng đồ dùng học tập đã được lau chùi hết sẵn sàng đón dồ dùng mới. Tủ lớn kệ nhỏ, tất cả đều đang trong trạng thái chờ nhưng nóng lòng hơn cả chính là các thầy cô bởi đến nay, học kỳ 1 đã đi được nửa chặng đường.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoà, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Huyên, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ khó khăn nhà trường đang gặp phải: "Chương trình năm 2018 thì đồ dùng học tập rất là quan trọng, giúp các con có thể phát huy được năng lực bản thân trong học tập. Tuy nhiên hiện tại tình trạng vô cùng khó khăn khi thiếu đồ dùng học tập".

Giá tủ thì có thể chờ đồ đạc chứ chương trình không thể dậm chân đứng đợi. Chưa có bộ thiết bị dạy học toán 3, các cô giáo phải kiên nhẫn tái hiện theo lối thủ công, như cách các cô vẫn làm cả chục năm trước trong chương trình cũ.

Cô giáo Phạm Bích Ngọc, giáo viên trường Tiểu học Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Nếu có mô hình các con có thể thực hành hiểu bài hơn, còn giờ mình phải vẽ thuyết trình cho các con hiểu tỷ lệ như thế nào?".

Hơn 1000 học sinh chỉ có 10 khẩu súng. Không để học sinh phải học chay trong môn học giáo dục quốc phòng, thầy trò xoay xở khắc phục. Những cây súng gỗ được kỳ công đẽo gọt, song chỉ được sử dụng tạm thời trong số ít tiết học. Rất nhiều nội dung súng gỗ không thể thay thế súng thật.

Thầy Đàm Thái, giáo viên trường THPT Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết súng này chỉ dạy trong một số tiết tư thế vận động trên chiến trường, với nội dung kỹ thuật bắn súng tiểu liên aka, tháo lắp súng tiểu liên aka thì súng này không thể thay thế được.

Vượt khó, thầy cô tại ngôi trường này đã không ngần ngại gõ cửa nhiều đơn vị trong phường để xin máy tính hay linh kiện cũ trang bị cho phòng tin học. Những chiếc máy tính có 1 không 2 được lắp ráp tái chế kịp thời khớp với giờ thực hành theo thời khóa biểu của chương trình mới.

Ngoài ra nhà trường cũng kêu gọi thầy cô đóng góp cho phòng tin học, người thì đóng màn hình người thì góp cái cây máy tính. Để đáp ứng sớm nhất nhu cầu về trang thiết bị dạy học, mới đây, Sở GD-ĐT Tuyên Quang đã tổ chức gặp gỡ giáo viên chủ chốt trong toàn tỉnh để lấy ý kiến khảo sát.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD- ĐT tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: "Chúng tôi sẽ rà soát lại danh mục tối thiểu mà bộ quy định từ đó lập ra danh sách thiết bị cần thiết và rất cần thiết, từ đó kịp thời cung cấp sớm nhất cho các nhà trường".

Từ khảo sát tới mua sắm rồi phân phối về trường học, đây có lẽ vẫn là một hành trình dài. Mỗi thầy cô, mỗi học sinh khó có thể hình dung về những khó khăn vướng mắc trên hành trình ấy. Việc chạm tới mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh trong chươn trình mới càng khó khăn hơn khi thầy trò thực hiện đổi mới giáo dục trong bối cảnh thiếu thốn đủ bề.

Chia sẻ Facebook