Chấm điểm xe điện Việt và thế giới: Số 1 Nhật ‘lườm rau gắp thịt’, số 1 Trung Quốc ra sao?
Giữa các ‘siêu sao’ của ngành xe điện thế giới, hãng xe điện Việt đứng ở đâu?
Bàn về cách thức mà các hãng xe trên thế giới tiếp cận với xe điện, chuyên gia Nguyễn Thanh Hải cho rằng: "Châu Âu hay Bắc Mỹ đều có một thời hạn vào khoảng 2030 hoặc 2035 sẽ chấm dứt xe xăng, chuyển hết sang xe điện. Về cơ bản, xe điện tự nó không phải là một xu hướng, mà là hoạch định của một quốc gia."
Trên thực tế, xe điện không phải một khái niệm mới mà trái lại, xe điện còn là phát minh ra đời trước cả xe xăng tới khoảng 50 năm (nếu coi mẫu xe điện của Robert Anderson là khởi điểm). Tới năm 1885, mẫu Benz Patent Motor Car ra đời được coi là khởi nguồn của ngành xe thế giới. Xe điện ra đời sớm là vậy nhưng có lẽ ai cũng thấy rằng tới nay, xe điện vẫn chỉ đang ở đầu con dốc của sự phát triển.
Đã là ở giai đoạn đầu của phát triển thì rõ ràng tầm nhìn của các hãng xe không giống nhau. Dưới đây là các hãng xe được chúng tôi đánh giá và chấm điểm.
Hãy bắt đầu với Toyota, hãng xe vẫn đang có doanh số lớn nhất thế giới. Ông Akio Toyoda, Chủ tịch của Toyota, từng tuyên bố: "Kẻ thù của chúng ta là khí CO 2 , không phải động cơ đốt trong. Trung hòa các-bon không có nghĩa là chỉ có một lựa chọn, mà là giữ các lựa chọn khác cùng khả dụng."
Ngay trước khi nói những lời này, ông Akio Toyoda đã tới sự kiện trên mẫu Toyota Corolla Sport được trang bị khối động cơ đốt trong được tùy biến để có thể sử dụng hydro thay vì nhiên liệu hóa thạch.
Nói là làm, Toyota đang âm thầm phát triển công nghệ Fuel Cell (pin nhiên liệu hydro), như một đối trọng với pin lithium. Thế nhưng: "Ở thời điểm hiện tại, Fuel Cell để thương mại hóa thì vẫn còn rất lâu, trong khi Tesla thì bán tới đơn vị hàng triệu xe rồi. Xu hướng xe điện này là bắt buộc" – chuyên gia Nguyễn Thanh Hải nói.
Có vẻ như Toyota đã "ngấm đòn xu hướng xe điện". Mới đây, họ bất thình lình giới thiệu loạt xe điện tạo ra sự ngỡ ngàng cho cả thế giới.
Giữa ngập tràn tin tức về việc sử dụng năng lượng Hydro, Toyota cùng lúc giới thiệu 15 mẫu xe điện khiến nhiều người ngạc nhiên.
Trái ngược với Toyota, Mercedes - một ông lớn khác cũng có tuổi đời tới cả trăm năm - lại nhập cuộc xe điện với đầy nhiệt huyết. Hãng xe huyền thoại của châu Âu hiện đã có cho mình nhiều mẫu xe điện ở đa dạng các phân khúc, từ sedan, SUV tới MPV.
Trong số đó, không thể bỏ qua mẫu xe ý tưởng Mercedes Vision EQXX – là phép thử cho những biến đổi về mặt kỹ thuật và công nghệ của xe điện so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống. Bằng việc phát triển mẫu xe ý tưởng này, Mercedes thử nghiệm lối thiết kế có tính khí động học tốt hơn, sử dụng vật liệu mới cũng như những cải tiến về pin; tất cả dường như nhằm giúp Mercedes chuẩn bị tốt nhất cho cái mốc 100% xe điện của hãng vào năm 2030 của mình.
Elon Musk và màn giới Tesla Model S năm 2012.
Tesla, được xem là người tiên phong của xu hướng xe điện thế giới, bắt đầu từ mẫu Tesla Model S - mẫu xe mà nhà sưu tập xe nổi tiếng Jay Leno nhận xét rằng "xe điện mà nhìn không giống xe điện". Cha đẻ bản thiết kế của Tesla Model S, ông Franz von Holzhausen (trưởng thiết kế, làm việc tại Tesla khu vực Bắc Mỹ) hào hứng chia sẻ về tính thực dụng của mẫu xe khi có thể đủ khiến 5 người lớn ngồi thoải mái, thậm chí đặt thêm 2 ghế nhỏ cho trẻ em ở khu vực để đồ và vẫn có khoang hành lý phía trước.
Tesla Model S thực sự đã kiến tạo cơn địa chấn ở ngành xe thế giới, tới nỗi mà Tạp chí Car and Driver đã liệt kê mẫu xe này vào nhóm những mẫu xe có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong ngành xe, tính từ năm 1955 tới 2020.
Tesla dường như tập trung vào công nghệ hơn là cố gắng phát triển đa dạng dòng sản phẩm.
Tuy nhiên, nếu tinh ý, có thể thấy rằng Tesla dường như tập trung vào công nghệ nhiều hơn là việc phát triển đa dạng dòng sản phẩm. Minh chứng cho nhận định này có thể thấy ngay ở các mẫu xe mà hãng đang bán ra hiện tại: Tesla hiện bán 4 mẫu xe - Model S, Model X, Model 3, Model Y – và tất cả đều đã xuất hiện từ nhiều năm nay, chỉ có thêm các phiên bản cải tiến; còn các mẫu xe mới như Tesla Roadster 2.0, Tesla Cybertruck hay cả Tesla Semi dường như vẫn chưa thể lên kệ sớm.
Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk vẫn luôn hãnh diện về những gì mà chế độ Full Self Driving (FSD) của hãng có thể làm được; gần đây nhất, vị tỷ phú này đã hào hứng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên TED rằng hiện đã có tới 100.000 người tham gia và chương trình "lái thử" công nghệ FSD của hãng.
NIO thường được gọi với cái tên “Tesla của Trung Quốc”.
Cách Tesla nửa vòng Trái Đất, Trung Quốc có một hãng xe điện cũng thường được gọi với cái tên "Tesla của Trung Quốc", đó chính là NIO.
Bài phân tích của CNBC hồi đầu năm 2021 nhắc tới việc Trung Quốc đưa ra kế hoạch 10 năm (từ năm 2015) chuyển đổi bộ mặt quốc gia từ công xưởng sản xuất sản phẩm giá trị thấp thành khu vực trọng điểm sản xuất các sản phẩm công nghệ cao thuộc 10 lĩnh vực, trong đó có xe điện. Với định hướng này, NIO của Trung Quốc đã có bàn đạp cực kỳ vững chắc để tiến nhanh và xa trong ngành công nghiệp xe điện.
Giám đốc Điều hành của ZoZo Go (công ty tư vấn chiến lược đánh chiếm thị phần toàn cầu cho các hãng xe, nhà cung cấp và nhà đầu tư), ông Michael Dunne nhận định: "NIO không giấu giếm chút gì về việc họ có khởi nguồn từ một công ty công nghệ và họ lấy cảm hứng phát triển từ Tesla."
Thực tế thì chính người sáng lập của NIO, ông William Li, cũng từng nói đến việc biến các mẫu xe của mình thành một phương tiện mang tính kết nối và giải trí; nếu như 20% đến 30% tính năng xe của Tesla không có liên quan đến giao thông thì xe của NIO phải cố gắng chiếm 50.
Trẻ hơn tất cả, tầm nhìn xe điện của VinFast khiến giới truyền thông thế giới nể phục. VinFast đã lựa chọn thông điệp khi lần đầu ra mắt 2 mẫu xe tại Mỹ vào hồi cuối năm 2021, tại Triển lãm Xe hơi Los Angeles, là: “Tương lai của di chuyển”. VinFast cho biết thông điệp này có khởi nguồn từ chính tầm nhìn của hãng khi đặt tham vọng trở thành hãng xe điện thông minh, đồng thời muốn góp phần thúc đẩy sự phổ biến của dòng xe này trên toàn cầu.
Chuyên gia Nguyễn Thanh Hải nói: "Tôi cũng đã từng đưa ý kiến rằng VinFast sẽ chuyển sang xe điện, vì thị trường Việt Nam không đủ nuôi các hãng xe vì doanh số toàn bộ - cả xe buýt và xe tải - chỉ khoảng 300.000 xe/năm. Ngay cả khi VinFast có 100% thị phần - là điều không thể - thì cũng khó để có một thương hiệu của Việt Nam trên bản đồ ô tô thế giới.
Hiện tại VinFast đang định tiến tới Mỹ, nếu xe điện vào đó thì VinFast sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, vì thị trường lớn hơn, giả sử chỉ chiếm 1% cũng là quá ổn rồi, vì quy mô thị trường tại Mỹ lên tới 14 hoặc 15 triệu xe mỗi năm, đỉnh điểm có thể lên tới cả 17 triệu xe mỗi năm. Tôi nghĩ cái quyết sách này hoàn toàn là đúng thôi."
Có lẽ vì định hướng xe điện này, VinFast đã đi tới quyết định dừng sản xuất các mẫu xe xăng vào cuối năm 2022 này để tập trung toàn diện cho các mẫu xe điện. Với quyết định này, VinFast đã là hãng xe đi tiên phong thế giới loại bỏ xe xăng.
*còn tiếp
Theo Minh Đức
Tổ Quốc