Chấm điểm thiết kế VinFast và xe điện: Số 1 Nhật Bản không tẻ nhạt, số 1 Mỹ "mỡ thừa 0%"

Chia sẻ Facebook
31/05/2022 09:34:19

Sau khi chấm điểm về Tầm nhìn đối với xe điện, Công nghệ Pin và Công nghệ Tự lái, chúng ta hãy cùng đi tiếp về vấn đề cuối cùng: Thiết kế.

Qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, ô tô đã chuyển mình thành một vật phẩm hơn cả một phương tiện để di chuyển; với nhiều người thì ô tô còn là một món đồ thể hiện cá tính, là món đồ chơi, hoặc thậm chí là một món đồ trang sức.

Yếu tố hàng đầu giúp một chiếc xe có được những giá trị đó nhất thiết phải kể tới phần thiết kế. Trong thời kỳ đầu của xe điện, việc thiết kế đã phải có nhiều thay đổi nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của xe điện. Vào khoảng những năm 2010, xe điện không có được cái nhìn thiện cảm của số đông người dùng như hiện tại. Nói về thiết kế của xe ở đầu thời kỳ xe điện ngày nay, Sangyup Lee – trưởng thiết kế của Hyundai – cho rằng việc mang những đặc trưng thiết kế của những mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong lên xe điện là một điều ngốc nghếch: "Mang đặc điểm truyền thống của xe xăng để áp lên tương lai, đây dường như không phải một bước đi đúng đắn".


Tesla với vị tỷ phú Elon Musk thì đã có cho mình một bản kế hoạch hành động đầy cương quyết và ngang ngạnh: Điều đầu tiên cần phải làm được là tạo ra một mẫu xe điện đủ thú vị để biến chuyển định kiến của người dùng về xe điện, để họ không nghĩ xe điện là một mẫu xe chạy sân gôn đóng trong bộ vỏ lộng lẫy.

Xe điện của Tesla chắc chắn sẽ không như thế, sẽ phải cao giá nhưng vẫn phải nhận được cái gật đầu của những người dẫn đầu xu hướng dùng xe điện, và cả những người ham mê xe công suất lớn nữa. Tesla Model S (có mặt trên thị trường từ năm 2012, là mẫu xe mà Tesla xây dựng từ con số 0) đã làm được đúng những gì nó cần làm, đúng với vai trò của một người tiên phong.

Bản vẽ nháp mẫu Tesla Model S của Franz Von Holzhausen.

Về mặt thiết kế, Tesla Model S có thể được xem là đứa con đầy tự vào của Franz von Holzhausen - trưởng thiết kế của Tesla, người đã từng có kinh nghiệm làm việc cho những tên tuổi hàng đầu như Volkswagen, General Motors, Mazda.


Trong một bài viết trên trang Business Insider, cây bút Matthew DeBord viết rằng: “Franz von Holzhausen đã quá mệt mỏi với một ngành công nghiệp già cỗi và đã sẵn sàng để rời bỏ Mazda. Một vài cuộc trò chuyện và gặp gỡ với Elon Musk đã cho thấy rằng nhà thiết kế đầy kinh nghiệm và vị doanh nhân với sự tinh tế của một nhà thiết kế đang ở cùng tần số - có tầm nhìn và những giá trị chung giống nhau về ngành xe.”

Franz von Holzhausen (trong ảnh): Tesla Model S là mẫu xe 0% mỡ thừa.

Chia sẻ về việc thiết kế mẫu Tesla Model S, Franz Von Holzhausen (trưởng thiết kế của Tesla) cho biết rằng thiết kế luôn phải bắt nguồn từ một cảm hứng nào đó, với mẫu Model S thì tiêu chí là phải làm sao để có được giúp có được tính thực dụng, hiệu quả. Franz von Holzhausen tiết lộ: "Một phần của cảm hứng [cho thiết kế của chiếc xe] đến từ việc quan sát các vận động viên, cách họ tối ưu hoạt động của bản thân để giành được chiến thắng, và cuối cùng thì câu chuyện chỉ xoay quanh tính hiệu quả. Lúc đó tôi đã lấy cảm hứng từ cuộc đua Tour de France, từ những vận động viên đua xe đạp đường trường, những người có chỉ số body fat 0% [tỷ lệ chất béo trong cơ thể] và tôi cố gắng thể hiện điều đó trên thiết kế của một chiếc xe…"


Đối với những hãng xe lâu đời, Sangyup Lee nhận định rằng những hãng này bị ràng buộc bởi lịch sử và truyền thống của chính họ. Nhận định này dường như không sai với Mercedes , khi chính Gorden Wagener – trưởng thiết kế của Mercedes – cũng đã từng nói rằng: "Với những hãng xe cao cấp như Mercedes, hướng về nguồn cội là một điều quan trọng".


Hãng xe Đức lâu nay vẫn luôn thiết kế các sản phẩm của mình dựa trên triết lý thiết kế Sensual Purity (tạm dịch: Sự thuần khiết khêu gợi ). Ông mô tả rằng với triết lý này, Mercedes đưa lên các mẫu xe của mình yếu tố gợi cảm xúc, đi cùng với đó là nét thiết kế tinh gọn, đơn giản – gợi nhớ về trường phái nghệ thuật Bauhaus chú trọng tới công năng và ưu tiên thiết kế kiểu tối giản.

Thiết kế của Mercedes Vision EQS dường như phóng đại quan điểm về tính khí động học của Mercedes với xe điện.

Trước khi Mercedes giới thiệu mẫu Mercedes Vision EQXX, hãng đã giới thiệu mẫu xe ý tưởng khác từ tháng 9/2019, đó là mẫu Mercedes Visison EQS – một mẫu xe điện cũng gợi mở hướng nhìn của Mercedes về tương lai. Chỉ từ cái nhìn đầu, có thể nhận thấy ngay một đặc điểm nổi bật của mẫu xe là không xuất hiện những đường nét dập cứng, chỉ thuần những đường nét chìm, uốn lượn nhẹ nhàng.


Ngay cả phần đầu xe vốn có lưới tản nhiệt thì nay chỉ là một khối đen tích hợp cả đèn; ngay cả ở phía sau xe cũng vậy, cụm đèn hậu thường thấy đã chuyển thành cụm đèn ẩn trong thân xe, chạy ngang từ trái qua phải. Thiết kế của mẫu xe này dường như phóng đại quan điểm về tính khí động học của Mercedes với xe điện.


Cũng trong xu hướng thay đổi, Toyota không phải là một ngoại lệ, nhưng những gì mà Toyota đã và đang làm để thay đổi, nhất là về thiết kế, thì lại là một điểm đáng để chú ý. Người dùng có thể thốt lên "Trời ơi!" khi họ nhìn thấy huyền thoại tái sinh Toyota Supra – mẫu xe thể thao 2 cửa với thế hệ cũ từng xuất hiện trong bộ phim Fast and Furious; nhưng kỳ thực, Toyota lại được biết đến rộng rãi với với những mẫu xe như Toyota Corolla – mẫu xe bán chạy nhất toàn thế giới.

Trong suốt lịch sử của ngành xe thế giới, người dùng đã ghi nhận Toyota với những tính từ như bền bỉ và đơn giản, những tính từ gợi cảm như lái sướng, ngầu, phô trương có thể nói là không phù hợp để mô tả Toyota, nhưng đó đã là câu chuyện của ngày xưa!

Trong khi nhiều hãng đang cố gắng tạo ra những mẫu xe điện mà vẫn mang được nét đặc trưng thường thấy thì Toyota đã và đang thực hiện một cuộc cải cách với chính mình. Tất cả bắt đầu từ năm 2017 khi chủ tịch của Toyota, Akio Toyoda, ra lệnh: "No more boring cars" (tạm dịch: Không làm xe tẻ nhạt nữa).

Thật vậy, ông Akio Toyoda cũng đã có một buổi trao đổi với báo chí thế giới, nói rằng: "Cho đến tận bây giờ [tháng 5, năm 2017], vẫn có những lúc các mẫu xe của Toyota nhận bình phẩm rằng nó ‘tẻ nhạt’, thiếu cá tính".

Sau mệnh lệnh trên của chủ tịch Akio Toyoda, đội ngũ thiết kế của hãng xe Nhật Bản có lẽ đã phải tăng công suất làm việc để mang tới thị trường những mẫu xe quyến rũ hơn, tiêu biểu là mẫu Toyota Camry đời 2018 với những thay đổi rất khác biệt.

Thậm chí, trong buổi ra mắt mẫu Toyota Camry thế hệ mới đó tại thị trường Bắc Mỹ, chủ tịch Toyota còn nói đùa: “Hai mẫu xe này dường như đã khiến tôi băn khoăn rằng liệu tôi có đang ở đúng buổi họp báo hay không?! […] Với phiên bản XLE và XSE này, khách hàng sẽ có 2 lựa chọn hoàn toàn khác biệt – quyến rũ và rất quyến rũ”.


Toyota Camry đời 2018 thực sự khác biệt so với thế hệ của năm 2017: Thể thao hơn, gằn dữ hơn, và nhiều người cũng đã công nhận rằng mẫu xe đã hút mắt hơn.

Nhấp chuột để lật ảnh

Thiết kế của Toyota Camry đời 2018 (màu trắng) đã có sự thay đổi rõ rệt so với Toyota Camry đời 2017 (màu đỏ).


Nói riêng về xe điện, thay đổi trong quan điểm về thiết kế có lẽ cũng đã phần nào ảnh hưởng tới phong cách thiết kế loạt xe điện mà Toyota đã từng khiến ngành xe thế giới chao đảo. Tổng thể, các mẫu xe này của Toyota thuộc đủ chủng loại và kích cỡ, nhưng quan trọng hơn cả là các mẫu xe này đều có thiết kế mang đậm phong cách hiện đại, có cá tính riêng.

Chuyên gia Nguyễn Thanh Hải nhận định: “Khi nhìn thấy xe đẹp, máy đẹp thì mới có xu hướng làm quen.”


Nằm ở một "chiến tuyến" khác, VinFast đang trong những bước đầu xây dựng hình ảnh của chính mình trên trường quốc tế. Trong cuộc trao đổi với chuyên gia Nguyễn Thanh Hải về thiết kế của xe, chuyên gia cũng thẳng thắn nhận định rằng thiết kế ngoại thất là một yếu tố quan trọng của một chiếc xe: "Khi nhìn thấy xe đẹp, máy đẹp thì mới có xu hướng làm quen, chứ nếu chỉ nói tâm hồn đẹp trong cái vỏ xấu xí thì sẽ sớm tắt ý định làm quen".

Đây có lẽ cũng là suy nghĩ chung của người dùng, thúc đẩy VinFast tới việc hợp tác với những nhà thiết kế hàng đầu. Còn nhớ trước khi VinFast ra mắt mẫu xe đầu tiên, hãng xe Việt đã tổ chức một cuộc bình chọn thu hút hơn 62.000 người tham gia, chọn ra 2 từ 20 bản thiết kế do các nhà thiết kế tên tuổi hàng đầu thế giới thể hiện. 2 thiết kế của Italdesign đã chiếm được cảm tình của đại đa số người bình chọn, và sau đó thì Pininfarina – hiện là đối tác quan trọng của VinFast – đã tiếp tục phát triển và hoàn thiện bản thiết kế này, cho ra đời bộ đôi VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0.

Dải đèn LED chữ V đã trở thành điểm nhận diện quan trọng của các mẫu xe VinFast.

Cũng trên 2 mẫu xe đầu tiên đó, Pininfarina đã giúp hình thành nên điểm nhấn quan trọng mà xuất hiện trên gần như toàn bộ mẫu xe của VinFast: Dải đèn LED chữ V. Dải đèn LED chữ V này đã trở thành điểm nhận dạng chung xuất hiện 6 mẫu ô tô điện, 5 trong số đó là những quân bài mà VinFast đem ra thế giới. Cần phải khẳng định rằng điểm nhấn đèn LED chữ V này là một điểm liên kết quan trọng giữa thiết kế của các mẫu xe VinFast.


Trong phần nói về ngôn ngữ thiết kế của VinFast – Cân bằng động (Dynamic Balance) – tại buổi ra mắt trực tuyến mẫu VinFast VF e34, Giám đốc Thiết kế của VinFast, Dave Lyon, đã chia sẻ rằng: "Khác với những dòng xe ô tô động cơ đốt trong truyền thống thông thường có thiết kế tập trung vào phần lưới tản nhiệt, thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng ở phần đầu xe điện VF e34 vừa nổi bật lại tạo sự khác biệt đặc trưng, vốn là nhận diện thương hiệu của VinFast".

Tạo dựng nét đặc trưng qua thiết kế của đèn thực ra cũng là cách mà trưởng thiết kế của Hyundai đang cố tạo dựng. Ông Sangyup Lee cũng đã bày tỏ quan điểm rằng mang các đặc điểm truyền thông từ xe xăng lên xe điện là không phù hợp, thay vào đó thì ông thấy rằng tạo điểm nhận dạng bằng đèn mang lại giá trị lớn hơn.

Lối thiết kế các mẫu xe của VinFast dường như sẽ không giống cách mà Mercedes hay BMW đang thực hiện.

Nếu nhìn vào thiết kế của 5 mẫu xe điện do Pininfarina và Torino Design chắp bút mà VinFast đã giới thiệu tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2022, có thể thấy rằng VinFast dường như sẽ không làm giống cách mà Mercedes hay BMW đã làm với các sản phẩm của mình. BMW, Mercedes là 2 hãng xe tiêu biểu cho việc áp dụng chặt chẽ những quy tắc về thiết kế cho các sản phẩm của mình, đến nỗi mà người dùng đôi khi cảm thấy khó để phân biệt được sự khác nhau giữa các mẫu xe.

Dưới con mắt và hiểu biết của người dùng đại chúng, có lẽ không dễ để nắm bắt được ý đồ thực sự của VinFast; tuy vậy, cần nhớ rằng đứng đằng sau thiết kế của những mẫu xe này còn có Dave Lyon – người đã rất thành công trong việc tạo dựng lối thiết kế đồng nhất cho Opel và xây dựng được ngôn ngữ thiết kế hiện đại cho Buick, tới nỗi mà khi ông đột ngột rời General Motors hồi tháng 7/2012 một số người đã nghĩ tới một viễn cảnh tối tăm cho tập đoàn xe của Mỹ.


Là một hãng xe non trẻ trong thời đại xe điện, có thể nói rằng Kris Tomasson, Phó chủ tịch NIO phụ trách thiết kế, đang có một cơ hội rất lớn để định hình lại thế nào là thiết kế của một chiếc ô tô.

Chia sẻ về việc thiết kế đã tiến triển ra sao với xe điện, Kris Tomasson nói rằng: "Mọi vấn đề về khí hậu mà chúng ta đang đối mặt đã xúc tiến quá trình xe điện đi vào cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đang ở thuở bình minh của xe điện. Đây là một cơ hội lớn để thay đổi những định kiến đã có về trong thiết kế. Hầu hết xe điện ngày nay trông vẫn giống những mẫu xe xăng truyền thống.

Với tôi, đây là cơ hội có một trong đời. Là một nhà thiết kế, nếu bạn nhận được một tờ giấy trắng kèm yêu cầu thiết kế cho chính bạn một thương hiệu và một hãng xe, điều đó thực sự vốn chỉ có trong mơ. Tôi nhận thấy đây là một cơ hội tuyệt vời để tựu lại toàn bộ kinh nghiệm đã có của tôi và lần bước trên chặng đường này."

Nhấp chuột để lật ảnh

Thiết kế phần đầu của các mẫu SUV từ NIO dường như vẫn chưa quá khác biệt so với các xe sử dụng động cơ đốt trong.

Tuy nhiên, nhìn vào cách mà NIO đã thể hiện trên những mẫu xe của mình, có thể thấy rằng những thay đổi trên sản phẩm của hãng không quá khác biệt so với các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong. Gác qua một bên mẫu siêu xe điện NIO EP9, hiện NIO đã đem tới thị trường 3 mẫu là NIO EC6, ES8 và ES6; 2 mẫu xe nữa sẽ bắt đầu bàn giao trong năm nay là NIO ET5 và ET7. Trong khi 2 mẫu sedan ET5 và ET7 có phần đầu kín giống các mẫu xe điện khác thì 3 mẫu SUV (EC6, ES8 và ES6) lại có thiết kế dễ nhầm với các mẫu xe xăng truyền thống; đó là bởi 3 mẫu SUV này thay vì đầu xe dạng kín thì lại đều có hốc hút gió, nhất là mẫu NIO ES8 – mẫu xe mà NIO nói là "thể hiện rõ nhất triết lý thiết kế" của hãng.

Thật ra, ngoài hốc hút gió trên các mẫu SUV gây bối rối so với những gì mà hãng tuyên bố, thiết kế của NIO nhìn chung mang những nét đặc trưng có thể nói là đồng bộ. Có thể thấy rằng các mẫu xe của NIO mang hơi hướng hiện đại với các mảng khối ít đường nét, nhưng sắc cạnh; đầu xe và đèn hậu cũng là những điểm nhận diện được áp dụng trên toàn bộ các mẫu xe của NIO.


Hết tuyến bài

Thăm dò ý kiến Bạn đánh giá cao thiết kế của hãng xe nào? Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai. NIO Toyota Tesla VinFast Mercedes

Công nghệ tự lái xe điện thế giới: Tesla không được 10 điểm, Toyota e dè, VinFast ra sao?

Chia sẻ Facebook