Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo - Kỳ 5: Lỡ hẹn với Việt Nam

Chia sẻ Facebook
11/04/2022 21:47:15

Ông Đặng từng trở về Việt Nam vào năm 1978 để tìm mẹ ruột. Tình cảm của ông với quê cha đất mẹ càng thêm nảy nở. Khi tình hình tại Tân Đảo không thuận lợi, từng có lúc ông muốn về Việt Nam kinh doanh theo lời mời của Hãng Toyota.

Ông Đặng Xuân Vinh quay về Việt Nam đã năm năm để tìm gặp người thân ruột thịt - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN


Gia đình tôi có tiền, nhiều tiền và cũng đóng góp rất nhiều cho cộng đồng người Việt lẫn các nhóm dân tộc thiểu số.

Bà Nguyệt


Hai lần lỡ hẹn bán xe Nhật ở Việt Nam

Ông André Đặng cùng vợ phải sống lưu vong ở Úc trong sáu năm, nhưng ở Tân Đảo các con ông vẫn duy trì hoạt động kinh doanh và vẫn tiếp tục phát đạt qua sự tư vấn của cha.

Trong thời gian ở Úc, ông Đặng vẫn chứng tỏ mát tay trong việc làm giàu. Cùng với vốn liếng có sẵn của mình, ông từng kể: "Khi tôi mới tới đây, Ngân hàng Westpac chấp thuận cho tôi vay 100.000 đôla Úc, hai năm sau tôi đã có tài khoản lên tới 20 triệu đôla".

Vẫn từ bài học của người Việt "người sinh thêm chứ đất không sinh thêm", ông Đặng đầu tư vào đất đai rồi cho người khác thuê trồng hoa hồng và dâu tây, rồi mua đi bán lại. Tiền cứ thế đẻ ra tiền. Bởi vậy không ít người đã cho rằng ông có "bàn tay vàng" chạm vào đâu cũng thành công, cũng ra tiền. "Đến giờ cha tôi vẫn còn nhiều gia sản bên Úc" - bà Nguyệt, con gái ông Đặng, tươi cười cho biết.

Từ năm 1978, ông Đặng đã quay trở về Việt Nam để tìm mẹ và gia đình của mẹ. Khi đó, ông đã có tính toán kinh doanh ở Việt Nam. Đối tác bán xe Nhật của ông cũng mong muốn điều tương tự. Họ chọn ông vì nói tiếng Việt, có kinh nghiệm kinh doanh tốt ở Tân Đảo và Việt Nam khi đó là một thị trường rất mới. Một nhà thầu Nhật đã đi cùng ông Đặng trong chuyến đi dài gần ba tuần khi đó, nhưng các mong muốn kinh doanh của họ sau đó không thành.

Đến năm 1988, khi vẫn đang làm ăn tốt ở Úc, ông Đặng lại nung nấu ý định quay về làm ăn ở Việt Nam. Ông từng đề nghị với Hãng Toyota xây dựng một mạng lưới bán xe hơi ở Việt Nam. Ông đến TP.HCM trong sáu tháng liền để thăm dò thị trường, lựa chọn địa điểm.

"Mọi chuyện khi đó rất thuận lợi vì cha tôi được hãng xe của Nhật rất tin tưởng. Nhưng rồi số phận một lần nữa đã buộc cha tôi quay về Tân Đảo", bà Nguyệt kể về cha mình. Bà chứng thực rằng cha bà rất muốn kinh doanh ở Việt Nam vì ông cũng đã bỏ tiền đầu tư một số mảnh đất ở đây.

Sự lựa chọn quay trở lại Tân Đảo vào thời điểm đó cũng là một quyết định đầy khó khăn khiến nhà kinh doanh tài ba người Việt suy nghĩ nhiều đêm liền bởi miền đất đó là nơi ông lớn lên, là nơi ông có bạn bè. Chính tình bạn của ông với một thủ lĩnh của người bản địa Kanak tên Jean-Marie Tjibaou đã khiến ông lựa chọn quay về lại nơi ông sinh ra để giúp đỡ họ vào năm 1990.

Theo hai nhà báo Pháp nhận định trong cuốn sách Mystère Dang, tình bạn của ông Đặng với Tjibaou vô hình trung gắn với các lợi ích mà mỗi người đang theo đuổi: lợi ích của người Kanak muốn thoát khỏi sự bảo hộ của nước Pháp và lợi ích của ông Đặng muốn chứng tỏ vị thế trong một đất nước từng đuổi mình đi.

Sự tín nhiệm mà Tjibaou (đã bị ám sát vào ngày 4-5-1989) đặt vào người bạn Việt, và được các lãnh đạo Kanak kế nhiệm tiếp tục duy trì, đã cho phép ông Đặng thực hiện được những tham vọng và nhất là đem thành đạt của mình vượt lên trên số phận.

Tàu Eastern Queen từng đưa hàng ngàn người Việt ở Tân Đảo trở về cảng Hải Phòng trong những năm 1960 - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lạ


Không bao giờ quên nguồn cội

Dù cuộc đời trải qua nhiều biến cố đầy thử thách khiến người khác phải gục ngã - trong đó đầy những thử thách xuất phát từ màu da vàng, mái tóc đen - nhưng ông Đặng chưa bao giờ phủ nhận nguồn cội Việt. Trung thành với các giá trị của người Việt Nam, coi trọng gia đình và của cải trong nhà là hai cột trụ của sự thành đạt, có thể nói ông Đặng đã làm việc cả đời để những người thân trong gia đình không phải thiếu thốn.

Những người con của ông cũng học hỏi tính chăm chỉ và cần mẫn từ cha mẹ. Ba người con nhanh chóng hỗ trợ việc kinh doanh của cha khi còn rất trẻ. Bà Nguyệt kể bản thân bà khi không hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe của gia đình thì bà chuyển sang kinh doanh tranh vẽ, đồ thủ công mỹ nghệ của các nhóm dân tộc thiểu số tại Tân Đảo. Còn hai năm qua, khi trở về Việt Nam, bà Nguyệt kinh doanh resort tại Mũi Né. Máu kinh doanh và làm việc thấm đẫm trong gia đình này.

"Gia đình tôi có tiền, nhiều tiền và cũng đóng góp rất nhiều cho cộng đồng người Việt lẫn các nhóm dân tộc thiểu số", bà Nguyệt kể. Bởi thế nếu có ai đó ghen tị với sự thành công của gia đình họ Đặng thì cũng không ít người đã phải cảm ơn sự hào phóng của gia đình này cho hoạt động cộng đồng.

Bà Bùi Thị Én - vợ ông Đặng - là sáng lập viên của Hội phật tử Tân Đảo và gia đình ông Đặng đã quyên góp khoản tiền không nhỏ để xây dựng ngôi chùa trên đảo mà đến giờ vẫn là ngôi chùa Phật duy nhất của người Việt. Với Hội ái hữu người Việt thì gia đình góp tiền xây dựng một sân quần vợt, sân bóng đá...

Theo bà Nguyệt, khi việc đi lại dễ dàng hơn sau dịch COVID-19, cha của bà sẽ lại về Việt Nam. Ông sẽ ghé về resort ở Mũi Né, nơi con gái cả của ông cảm thấy "sống bình an hơn cả ở Tân Đảo".


Gặp đồng hương ở Mũi Né

Trong những năm 1960 đã có tổng cộng 11 chuyến tàu đưa người Việt từ Tân Đảo trở về đất mẹ, trong đó có chính người mẹ của ông Đặng. Chuyến tàu đầu tiên khởi hành ngày 30-12-1960, tổng cộng gần 6.000 người Việt đã trở về Việt Nam.

Đó là những cuộc chia ly không ít nước mắt bởi còn đó những gia đình, con cái ở lại Tân Đảo vì nhiều lý do khác nhau. Đến năm 1963 chỉ còn gần 1.000 người Việt ở lại định cư và tất cả đều trở thành công dân Pháp.

Sau này không ít người Việt đã quay trở lại Tân Đảo và không ít người từ Tân Đảo đã trở về quê cha đất tổ cho những cuộc tìm kiếm cội nguồn và người thân của mình. Ông Đặng Xuân Vinh (tên Pháp là Jean Dang) là một trong số đó. Thuở bé, ông cũng được cho làm con nuôi một gia đình người Việt. Rồi cha mẹ cùng năm anh chị ruột của ông trở về Việt Nam cùng gia đình, ông đã ở lại với gia đình cha mẹ nuôi.

Như duyên phận, đầu năm 2010, ông bất ngờ gặp một người Việt trở lại Tân Đảo và người này nói quen biết người thân của ông ở Việt Nam. Những cuộc điện thoại qua lại và ông Vinh tìm được người thân của mình. Cách đây năm năm, khi về hưu, ông Vinh quyết định quay về Việt Nam. Ông đã gặp lại các chị và anh của mình cùng con cháu sinh sống ở miền Bắc.

Gần đây, qua những người quen biết, ông biết đến bà Nguyệt đang ở Mũi Né. Chưa từng gặp nhau ở Tân Đảo, hai người nối kết liên lạc như đồng hương. Giờ đây, ông Vinh đang vào làm việc ở resort của bà Nguyệt tại Mũi Né.

Khi được hỏi ông Đặng có phải có 6 tỉ USD không, bà Nguyệt nửa đùa nửa thật: "Cha tôi không có đồng nào trong túi". Rồi thì sau đó bà lại nói: "Thật ra cha tôi có nhiều hơn con số đó".


Kỳ tới: Tỉ phú không tiền

Đó là một biến cố mà bà Nguyệt không thể nào quên. Việc xử trí nó đã cho thấy lòng can trường của gia đình họ Đặng. Có thể nói sự dũng cảm, làm việc quên mình của ông André Đặng đã được truyền đến các con của mình.

Chia sẻ Facebook