Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo - Kỳ 2: Không đầu hàng số phận

Chia sẻ Facebook
08/04/2022 09:25:51

Gia cảnh khó khăn đã khiến ông Đặng Văn Nha trau dồi tính cách con người mình từ bé. Luôn trong vai trò người anh lớn trong nhà, ông đứng ra gánh vác mọi việc như một người đàn ông trưởng thành.

Khu nhà ở của công nhân người Việt làm ở mỏ Voh, trong những năm 1940 - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại


Quyết học để đổi đời

Nhiều người Việt đã quyết định ở lại Tân Đảo sinh sống, sau khi hết hợp đồng làm việc ở đồn điền hoặc hầm mỏ. "Nhiều người Việt đã có cuộc sống ổn định sau đó nhờ việc kinh doanh nhỏ lẻ. Người Việt ở Tân Đảo ban đầu làm nông, trồng rau ra chợ bán rồi sau có cuộc sống khá giả nhờ mở cửa hàng tạp hóa hoặc buôn bán thực phẩm, mở nhà hàng", bà Raymonde (Nguyệt) Đặng kể lại.

"Nhưng cha tôi không chọn con đường đó, dù khi nhỏ từng phụ mẹ bán đồ ăn vặt ở rạp hát mỗi tối để giúp mẹ nuôi em. Cha tôi thể hiện tài năng kinh doanh ở lĩnh vực khác. Ông cạnh tranh được với cả người Pháp" - bà Nguyệt kể về cuộc chinh phục mảng kinh doanh xe hơi ở Tân Đảo vốn chỉ dành độc quyền cho các thương hiệu của Pháp.

Sau khi học xong phổ thông, ông Đặng xin đi làm ở Công ty nickel SLN mà cha mẹ ruột từng làm. Rồi ông sớm lập gia đình như nhiều người Việt khi đó. Ông có công việc, có gia đình, con cái, rồi tìm cách mua nhà cửa... Gần như đó là khuôn mẫu cuộc sống của người Việt vốn chăm chỉ làm việc, nhất là ở xứ lạ quê người.

Bốn đứa con ông lần lượt chào đời (một trong số đó mất sớm). Một gia đình lớn phải lo cho đôi vợ chồng vừa qua tuổi đôi mươi. Ông Đặng nhận thấy công việc hiện tại ở công ty hầm mỏ không phải là điều ông mong muốn cho tương lai, bởi không chỉ bị hạn chế vì là người Việt mà còn vì trình độ kiến thức chỉ hết phổ thông.

Đó là chưa kể nỗi đau ông phải chứng kiến tận mắt mỗi ngày đi làm. Doanh thu từ những vỉa quặng "vàng xanh" lấy lên từ lòng đất ngày một cao ngất ngưởng do giá nickel thế giới tăng nhanh theo nhu cầu của chiến tranh thế giới lẫn nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nói chung, nhưng đời sống người phu mỏ vẫn khốn khổ như thời các chủ Pháp thuê người đến làm nhiều chục năm trước.

Chàng trai trẻ họ Đặng tuy không phải sống như cha mẹ mình thời trước nhưng vẫn thường đến thăm người nhà còn làm phu mỏ. Anh đã thấy các phu Việt phải sống chui rúc trong các dãy lán trại. Đó là dãy buồng chật hẹp sát vách nhau, mỗi gian có hai giường tầng, ở giữa là lối đi hẹp mà người ở trong đó đôi khi dùng làm chỗ nấu nướng. Không có chỗ ăn uống, thường họ phải bưng nguyên phần ăn ngồi lên chỗ ngủ để quơ quào cho nhanh lấp đầy cái bụng đói. Ở mỏ thì bụi mù, lắm khi bát cơm phủ đầy bụi mịn mà phải cố nuốt.

Hai nữ nhà báo Pháp từng gặp lại ông Gaston Hmeun - người bản địa Kanak có thâm niên làm công đoàn ở Tân Đảo. Ông kể rằng không bao giờ quên được cảnh cả ngàn, hàng ngàn phu người Việt chen chân làm việc. Có những phụ nữ phải địu con trên lưng để làm việc vì khi ấy làm gì có nhà trẻ. Đến giờ cho con bú thì các cô lại tìm một góc tương đối kín đáo để vạch áo cho con trẻ dứt cơn khát sữa, dù khi ấy công trường bụi mù.

Phận phụ nữ luôn khổ sở nhất vì tiền công thấp hơn nam giới, chỉ được chọn cho làm các việc vặt. Môi trường xung quanh đầy các mối đe dọa, từ chủ Tây cho đến những người đàn ông thiếu thốn sống xung quanh. Thường họ chọn một người đàn ông cho mình để có sự bảo vệ và khi có con cái thì lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn mới.

Chàng trai trẻ André Đặng (trái) trên đường phố Sài Gòn năm 1958 - chặng dừng chân trên đường đi học ở Marseille (Pháp) - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại


Học bổng đi Tây

Thực tế là cho đến đầu những năm 1960, chế độ lương bình đẳng vẫn chưa thực hiện tại Tân Đảo. Tính cùng vị trí và loại công việc thì lương trả cho người Pháp vẫn trung bình cao hơn 30% so với những nhóm người có màu da khác. Điều đó càng khiến chàng thanh niên họ Đặng quyết chí thay đổi cuộc sống hiện tại, làm được hơn cả việc học giỏi nổi tiếng thời phổ thông.

Nhờ là một người trẻ có tiếng học giỏi chăm làm, ông Đặng lọt vào mắt xanh của nghị sĩ Maurice Lenormand. Ông Lenormand là chính trị gia cấp tiến rất có uy tín với cộng đồng người Kanak bản địa và những cộng đồng dân nghèo. Ông được bầu làm chủ tịch hội đồng toàn vùng Tân Đảo, nên ở vị trí này ông đã can thiệp tìm một học bổng du học sang Pháp cho ông Đặng vào năm 1958.

Trước khi lên đường sang Marseille, ông Đặng từng dừng chân tại Sài Gòn. Quả thật cuộc đời ông luôn gặp nhiều thử thách. Tại Sài Gòn, ông từng bị bắt giữ vì bị nghi ngờ là "trốn quân dịch". Phải đến khi đại sứ quán Pháp can thiệp thì ông mới được tự do để lên đường sang thành phố Marseille ở miền Nam nước Pháp học ngành kỹ sư cơ khí.

Nhờ sự chăm chỉ và ham học hỏi, ông Đặng cũng tiến bộ nhanh trong thời gian ngắn học tập tại Pháp và được đề nghị vị trí trưởng chi nhánh Hãng xe Citroen ở Marseille. Nhưng nghe lời vợ, ông quay về lại Tân Đảo. Hãng Citroen đề nghị với ông một vị trí mới: trợ lý cho giám đốc Citroen tại thủ phủ Nouméa. Tài năng của ông được bộc lộ nhanh chóng với giám đốc Edouard Pentecost - vốn cũng là một người rất tài năng.

Có được nhân hòa, bộ đôi còn có được thiên thời địa lợi là khi đó giá nickel lại gia tăng nhanh chóng, đem lại nguồn tiền lớn cho Tân Đảo. Trong những năm 1969 - 1972 có đến 35.000 người từ nhiều nơi khác tìm đến miền đất hứa này, nơi mà theo bà Nguyệt là "ra vườn nhà cũng nhặt được nickel".

Người đến, dân bản xứ nhiều tiền nên nhu cầu xe cá nhân tăng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác mỏ gia tăng nhanh chóng, kéo theo nhu cầu xe tải dùng cho việc chuyên chở. Việc kinh doanh của bộ đôi Pentecost - Đặng lên như diều gặp gió. Họ không chỉ nhập xe Citroen mà còn mở ra thêm nhiều nhãn hiệu châu Âu khác. Ông Đặng nhanh chóng trở thành cánh tay phải đầy đắc lực và hiệu quả của Pentecost.

Nhưng chuyện gì phải đến đã đến. Pentecost chuyển giao việc điều hành công ty cho hai con của mình và họ luôn hục hặc nhau. Ông Đặng thấy đã đến lúc phải ra đi, vì ông cũng nhận ra mình có thể tự kinh doanh với kinh nghiệm đã học được và nguồn vốn cá nhân tích lũy trong mấy năm trước đó.


Vì sao là André Dang?

Tên tiếng Việt cha sinh mẹ đẻ là Đặng Văn Nha, nhưng khi sang Pháp, ông Đặng quyết định xin nhập tịch để được hưởng quyền lợi như công dân Pháp mà trước mắt là tiền trợ cấp gia đình. Dường như ông làm việc đó chỉ vì quyền lợi tài chính cho gia đình nhỏ của mình, nên khi được hỏi khai tên là gì để nhập tịch thì ông nói là André Dang. Dang là cách viết tiếng Pháp họ của ông, còn cái tên gọi André thật ra là ông "chọn đại" từ cái tên của cửa hàng bán giày mà ông mới ghé vào mua.

Niềm đam mê của ông Đặng với "vàng xanh" nickel có lẽ xuất phát từ tuổi thơ sống cạnh mỏ và cuộc đời của bao nhiêu người Việt đã gắn với khai thác mỏ. Giấc mơ làm mỏ trở lại với ông kỹ sư cơ khí - nhà kinh doanh xe họ Đặng thông qua "ông thầy" Edouard Pentecost, bởi ông Pentecost ngoài việc kinh doanh xe còn là chủ sở hữu một số mỏ.

Có một lần ông Đặng hỏi xin ông Pentecost cho quản lý một mỏ nickel thì "ông thầy" có ngay câu trả lời nghiêm túc: "Đó không phải công việc của anh. Anh quá thông minh để làm việc này".


Kỳ tới: Làm giàu với xe Nhật

Không thể biết nghề dạy người hay con người tháo vát đó đã làm thay đổi nghề kinh doanh ở Tân Đảo bởi ông có phần tài năng kinh doanh trong máu huyết.

Ông Đặng Văn Nha là thế hệ người Việt đầu tiên sinh ra ở Tân Đảo (cách người Việt gọi Nouvelle Calédonie thuộc Pháp). Thành công của ông là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt tại vùng đất xa xôi này.

Chia sẻ Facebook