Cha mẹ ứng xử sao khi trẻ xảy ra mâu thuẫn
Theo các chuyên gia về tâm lý, với tốc độ lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội, việc đẩy hình ảnh cá nhân của trẻ khi xảy ra mâu thuẫn lên mạng đã vô hình trung làm tổn thương, có thể đẩy trẻ tới hành vi tiêu cực sau này.
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa.
Có thể đẩy trẻ vào trầm cảm
* Thưa bà, ở lứa tuổi nhi đồng, việc xảy ra mâu thuẫn giữa trẻ với nhau không thể tránh khỏi. Khi đã xảy ra mâu thuẫn, cha mẹ nên có cách ứng xử thế nào để tránh tổn thương cho nhóm trẻ đôi bên?
- Bất cứ một môi trường học đường nào cũng không tránh khỏi mâu thuẫn giữa trẻ với nhau, quan trọng chỉ là ít hay nhiều. Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con mình bị bắt nạt, có xảy ra mâu thuẫn, đã có thái độ nóng nảy, làm lớn mọi chuyện, thậm chí là đưa hình ảnh con mình lên các trang mạng xã hội...
Điều này là không nên, chính việc này vô tình khiến trẻ tổn thương, ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe của trẻ đến sau này.
Khi trẻ xảy ra mâu thuẫn, là phụ huynh dĩ nhiên chúng ta sẽ phải đặt lợi ích của con lên hàng đầu. Tuy nhiên, cha mẹ cần bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc để lựa chọn phương pháp phù hợp.
Điều quan trọng là không đưa hình ảnh con cái lên các trang mạng xã hội, không dùng bạo lực giải quyết vấn đề, không làm ầm ĩ vì chúng có hại cho các em nhiều hơn.
Rất nhiều nơi trong nhà trường có tiếng nói như hội phụ huynh của lớp, của trường, phụ huynh đôi bên cùng thương lượng giải quyết vấn đề...
* Việc phụ huynh nóng nảy, sử dụng bạo lực, đưa hình ảnh con cái mình lên các trang mạng xã hội tác động đến trẻ ra sao?
- Ở lứa tuổi học sinh, trẻ chưa thể hoàn thiện được về cả tâm sinh lý, chưa kiềm chế được cảm xúc, bốc đồng và đặc biệt là không thể suy nghĩ nhiều được về hậu quả của những hành động sau khi mình gây ra.
Cha mẹ chính là tấm gương của con cái, khi thấy cha mẹ sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn hay làm ầm ĩ, lớn tiếng khiến đối phương im lặng, trẻ sẽ nghĩ rằng cách giải quyết này thích hợp, chúng sẽ dễ bị bắt chước hành động của cha mẹ khi lớn lên.
Sau khi vụ việc được quyết xong, có thể trẻ sẽ bị cô lập trên lớp, bạn bè xa lánh, trẻ sẽ cảm thấy tự ti, nếu tình trạng này kéo dài trong một thời gian trẻ có thể bị trầm cảm, thậm chí dẫn đến những hành vi tiêu cực.
Việc cha mẹ nghĩ rằng cứ làm lớn mọi chuyện rồi thay đổi môi trường chưa hẳn là giải pháp tốt.
Với sự lan truyền mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, tên tuổi của trẻ được lan truyền nhanh chóng, khi thay đổi môi trường, nhiều bạn học mới khi biết được trẻ đã từng sử dụng bạo lực cũng sẽ dẫn tới trẻ bị cô lập, khó hòa nhập, không tránh khỏi xì xào xung quanh...
Mâu thuẫn ngày càng đa dạng hành vi
* Thưa bà, làm sao để phụ huynh nhận biết được trẻ đang có mâu thuẫn với ai đó, nhiều trẻ khi bị bắt nạt thường có thái độ sợ sệt không dám chia sẻ?
- Bạo lực học đường có rất nhiều hình thức khác nhau, trong những năm gần đây mâu thuẫn giữa trẻ đang ngày càng có xu hướng đa dạng về hành vi như: đe dọa qua tin nhắn, nói xấu, quát, mắng, sử dụng bạo lực, gây áp lực nhóm, cô lập trẻ...
Dưới áp lực cuộc sống nhiều cha mẹ thường không dành nhiều thời gian cho con cái, dẫn đến xa cách với trẻ, không hiểu và chia sẻ được với chúng.
Cha mẹ phải chính là người bạn của con, luôn lắng nghe và thấu hiểu, dành nhiều thời gian cho con, trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ. Điều quan trọng là cha mẹ nên biết được con cái mình chơi với ai, những bạn nào để có thể hỏi thăm trẻ qua chính những người bạn của trẻ.
Khi trẻ xảy ra mâu thuẫn, cha mẹ có thể quan sát con mình; trẻ thường có các biểu hiện như buồn, mệt mỏi, khó chịu, trẻ sợ đến trường, kết quả học tập bị ảnh hưởng, không muốn gặp ai, ăn ngủ bị ảnh hưởng... phụ huynh cần quan tâm, trò chuyện, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng xử lý phù hợp.
* Các bậc cha mẹ, thầy cô, nhà trường cần làm gì để hạn chế các trường hợp trẻ xảy ra mâu thuẫn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, thưa bà?
- Hiện nay, tại một số các trường học việc dạy trẻ những kỹ năng ứng xử trước mâu thuẫn học đường chưa được đầu tư, quan tâm thích đáng.
Để đạt được hiệu quả cao trong việc dạy trẻ ứng xử đòi hỏi nhân viên phòng tham vấn tâm lý học đường phải có sự dấn thân, có sự chia sẻ đồng hành với học sinh.
Phía nhà trường khi phát hiện có sự việc mâu thuẫn giữa những nhóm trẻ cần phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, khi phát hiện được nhóm trẻ đang có hành vi nguy hiểm lập tức phối hợp với phụ huynh để họ quản lý con và trấn an trẻ, trường hợp không thể thương lượng có thể nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Tổ chức thêm nhiều các hoạt động ngoại khóa, giảm tải bớt áp lực cho học sinh, khi đã xảy ra mâu thuẫn nhà trường không nên đuổi học các em, hãy mở cho các em một con đường.
Trẻ ngoan, học khá gặp stress nhiều hơn
Trao đổi với báo chí trong tọa đàm chia sẻ về stress mùa thi do Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tổ chức chiều 7-6, TS.BS Dương Minh Tâm (trưởng phòng rối loạn tâm thần liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia) cho biết trẻ ngoan, học khá lại gặp stress nhiều hơn.
Theo khảo sát của bác sĩ trong vòng 6 tháng của năm 2019-2020 (tiến hành tại Bệnh viện Nhi trung ương với đối tượng là học sinh 10-19 tuổi) thì có đến 55,6% số trẻ gặp vấn đề sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%; áp lực gia đình 20,5%; quan hệ bạn trong trường 4,9%). Stress và trầm cảm gặp nhiều ở trẻ 14 tuổi và 17 tuổi, phù hợp với tuổi ôn thi chuyển cấp.
Bác sĩ Tâm cho biết: "Chúng ta thường nghĩ học sinh khá, giỏi sẽ ít áp lực học tập hơn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, những trẻ ngoan, học khá thường gặp stress nhiều hơn.
Chúng tôi nhận thấy những trẻ ngoan thường có nhận thức về áp lực nhiều hơn các bạn ham chơi, và cũng có trách nhiệm hơn về mong muốn của bố mẹ, thầy cô. Các bạn này thường có trách nhiệm về tương lai sau này, quan tâm giải quyết những vấn đề bố mẹ yêu cầu nên dễ dẫn đến áp lực".
TS Trần Thị Hà An - viện phó Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia - cho biết stress mùa thi chỉ là một "tảng băng nổi" trong những vấn đề mà trẻ gặp phải trong quá trình học tập. Quá trình stress kéo dài trong quá trình học tập, sinh hoạt hằng ngày của trẻ cho đến kỳ thi áp lực tăng cao hơn.
"Tại viện, ngày càng nhiều trường hợp phụ huynh đưa con đến thăm khám về vấn đề tâm lý. Trung bình mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 300 ca bệnh chung. Đặc biệt, trong mùa thi số ca thanh thiếu niên đến thăm khám có thể tăng lên đến 4-5 lần", bà An thông tin.
Bác sĩ Tâm cho rằng rất nhiều câu chuyện "con thi trường này, trường kia vì bố mẹ", đây là những hành động định hướng sai lầm dễ dẫn đến tiêu cực cho trẻ. Cha mẹ cần giúp con nhận thức, lựa chọn chứ không phải áp đặt con cái.
Gần đây, dư luận xôn xao bởi những vụ việc trẻ tự tử nghi do áp lực học tập. Sau đó, nhiều cha mẹ đưa con đi thăm khám về tâm thần. Tuy nhiên, điều đáng nói khi thăm khám bác sĩ ghi nhận nhiều trường hợp trẻ đã gặp vấn đề từ 3-5 năm trước nhưng cha mẹ không hề biết.
"Nhiều cha mẹ chỉ nghĩ rằng con đến tuổi dậy thì, khủng hoảng hoặc do áp lực học tập chứ không hề nghĩ con gặp vấn đề về tâm thần, tâm lý. Cha mẹ không quan tâm hay quan tâm thái quá đến trẻ cũng gây áp lực cho trẻ", bác sĩ Tâm nói.
Nhiều phụ huynh cho rằng "không cần phải đặt áp lực lên con cái, chúng muốn học chúng sẽ tự học". Tuy nhiên, việc "mặc con làm gì cũng được" sẽ gây nên những phản ứng trái chiều.
DƯƠNG LIỄU
Nhiều trẻ dùng chất kích thích để "tỉnh táo" ôn thi
Theo bác sĩ Tâm, sai lầm lớn nhất là càng gần đến giai đoạn nước rút càng học nhiều. Nhiều trẻ dùng mọi cách để có thể thức nhiều hơn nhằm có nhiều thời gian ôn luyện cho kỳ thi.
"Trẻ có thể dùng trà, cà phê, thậm chí dùng các chất kích thích như tem, cỏ... để có thể thức nhiều hơn. Đó là những trường hợp khá phổ biến mà viện đã từng tiếp nhận thăm khám. Điều này hết sức nguy hiểm, không chỉ không giúp trẻ học tập tốt hơn mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các chất kích thích chứa ma túy có thể gây ảo giác, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Bên cạnh đó, việc vắt kiệt sức, cố gắng nhồi nhét kiến thức ở giai đoạn gần kỳ thi sẽ gây căng thẳng quá mức, không hiệu quả.
Vì vậy, trước mỗi kỳ thi, các sĩ tử nên giảm cường độ học phù hợp, dành thời gian nghỉ ngơi để chọn "điểm rơi" tốt nhất cả về tinh thần và kiến thức", bác sĩ Tâm khuyến cáo.
Các chuyên gia dinh dưỡng và tâm lý chia sẻ với phụ huynh 4 yếu tố về dinh dưỡng và 4 khía cạnh về mặt tâm lý giúp trẻ vượt qua trong giai đoạn COVID-19.