Cha mẹ nên tập cho con ngủ riêng trước độ tuổi này: Chần chừ càng lâu, rủi ro càng lớn
“3 tuổi riêng giường, 5 tuổi riêng phòng” là lời khuyên của các chuyên gia nuôi dạy con cái đến các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Để trẻ ngủ riêng ngay từ khi còn nhỏ mang đến rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên việc này cũng khiến cho nhiều phụ huynh phải “đau đầu” khi bắt đầu tách riêng giường với con.
Giai đoạn trẻ từ 3 đến 5 tuổi là giai đoạn vàng phát triển tính cách vì trong độ tuổi này trẻ đã bắt đầu có nhận thức riêng. Vì vậy nếu cha mẹ không có những phương pháp nuôi dạy con đúng cách trong giai đoạn này con trẻ sẽ dễ bị phụ thuộc.
Câu chuyện khiến nhiều gia đình giật mình
Chị Trương có con gái năm nay lên 8 tuổi chia sẻ: Đến thời điểm hiện tại con gái vẫn ngủ với bố mẹ. Ngay cả khi chị đã dọn một phòng riêng cho con gái nhưng cháu vẫn đòi ngủ với bố mẹ và không chịu ngủ một mình. Nhiều lần kiên quyết không đạt được kết quả mong đợi chị Trương nhận ra đối với con ở độ tuổi này chị không thể “bắt ép” con ngủ riêng theo ý muốn của mình.
Có nhiều bậc phụ huynh hay ông bà cảm thấy “xót con, xót cháu” khi để con ngủ một mình khi con còn nhỏ. Bởi vì hầu hết cha mẹ đều có tâm lý sợ hãi việc để con ngủ một mình có gặp nguy hiểm hay không. Vậy nên nhiều người vẫn chần chừ thời gian chia giường cho con, thời gian dài khiến trẻ không thể ngủ thiếu cha mẹ, cha mẹ cũng “quên” chuyện cần phải để con ngủ riêng.
Các bậc cha mẹ chỉ quan tâm con có gặp nguy hiểm trong thời gian bắt đầu ngủ riêng hay không mà chưa tính đến những hạn chế khác khi để con cứ mãi ngủ với người lớn.
Trên một diễn đàn hỏi đáp về vấn đề “Có nên cho trẻ ngủ riêng từ sớm hay không?” có một số người đã chia sẻ câu chuyện của bản thân.
Một người bình luận bên dưới diễn đàn rằng việc ngủ chung với cha mẹ khi còn nhỏ đã tạo nên bóng đen tâm lý đối với anh cho đến khi lớn lên. Từ khi bắt đầu có nhận thức về mọi thứ xung quanh, anh nhận biết được những chuyện bố mẹ làm sau khi nghĩ anh đã ngủ say.
Có những chuyện tế nhị hay xảy ra mâu thuẫn cãi vã anh chỉ dám cố gắng nhắm chặt mắt giả vờ như mình đã ngủ say, chỉ sợ bố mẹ biết được mình vẫn chưa ngủ. Lâu dần mọi chuyện vẫn cứ lặp lại như vậy khiến cho anh bắt đầu hình thành tâm lý sợ hãi, rụt rè, không dám thẳng thắn nói ra suy nghĩ với bố mẹ của mình. Sau này khi anh có phòng riêng các vấn đề bắt đầu được cải thiện nhưng bóng đen tâm lý vẫn tồn tại trong anh cho đến thời điểm hiện tại.
Sau khi đọc bình luận ấy, chúng ta có thể hiểu được rằng khi đến một độ tuổi nào đó, nếu không ngủ phòng riêng, trẻ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng.
Tác hại của việc cho con ngủ chung với bố mẹ quá lâu
Theo các chuyên gia, việc con cái ngủ chung với cha mẹ trong thời gian dài còn có những tác hại khôn lường:
1. Chối bỏ bố mẹ
Chị Vương có con đã học lớp 4, chồng chị đi làm xa mỗi tuần mới về thăm nhà một lần nên chị thường để cho con ngủ với mình. Mỗi lần khi bố đi làm trở về con của chị đều tự giác trở về phòng ngủ của mình. Nhưng lâu dần chị phát hiện ra con gái chị có những biểu hiện khác lạ như vừa nghe tin bố về là bé lại la lên rằng không muốn. Ngay cả khi gặp gỡ, con gái cũng tỏ thái độ không tốt với bố.
Mãi sau này chị Vương mới nhận ra đứa trẻ có cảm giác chối bỏ bố, vì bố về thì không được ngủ với mẹ. Con về phòng riêng nhưng lại sợ phải ngủ một mình. Có một số lần chị đối mặt với tình trạng con ngủ trên sàn phòng bố mẹ chứ không về ngủ phòng riêng. Nhưng lúc đó chị chỉ cho rằng đó là do con gái quá nhút nhát nên không dám ngủ một mình.
2. Thời gian ngủ lệch
Khi con ngủ với bố mẹ thì giờ giấc ngủ sẽ phải điều chỉnh theo thời gian của bố mẹ. Có nhiều khi con chưa buồn ngủ nhưng bố mẹ chỉ muốn tắt đèn nghỉ ngơi. Nếu con vẫn không chịu đi ngủ bố mẹ sẽ bắt đầu phàn nàn, quát mắng, đổ lỗi cho con ham chơi...
Điều này khiến trẻ khó ngủ hơn và thường xuyên phải giả vờ ngủ, đôi khi có vẻ yên lặng nhưng thực chất trong lòng lại có nhiều suy nghĩ, và đa phần là vẫn đang trách móc bố mẹ.
3. Tâm lý bị ảnh hưởng
Nhiều cha mẹ có thói quen nói chuyện, giãi bày về cuộc sống trước bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Có người phàn nàn những mệt mỏi trong cuộc sống nhưng lại phớt lờ đứa trẻ bên cạnh mình cho rằng chúng nghe không hiểu.
Nếu cha mẹ đang nói không hay về một người nào đó trong gia đình, thì người này có thể dần trở thành là “người xấu” trong lòng trẻ, khiến con dễ có thành kiến với người này.
Nếu cha mẹ đang nói về điều gì đó tại nơi làm việc, trẻ có thể không hiểu nhưng có thể có ý kiến không tốt, từ đó sẽ có một số suy nghĩ tiêu cực trong công việc sau này. Vì sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, tốt hơn hết chúng ta nên ngủ phòng riêng với trẻ vào thời điểm thích hợp, không lo trẻ sợ hãi mà cần lên kế hoạch bố trí cho phù hợp.
Trẻ ở độ tuổi nào thì nên ngủ phòng riêng với bố mẹ?
Các chuyên gia nuôi dạy con cái khuyến nghị rằng: Trẻ 3 tuổi ngủ riêng giường và trẻ 5 tuổi ngủ riêng phòng.
Mỗi đứa trẻ lớn lên trong một môi trường khác nhau, trẻ 3 tuổi vẫn phụ thuộc vào mẹ nhiều hơn. Dù nằm chung phòng khác giường nhưng trẻ vẫn không chịu tự ngủ. Nhưng các bậc cha mẹ cần quyết tâm trong vấn đề này. Ngày một ngày hai trẻ có thể vẫn chưa thích nghi được nhưng chỉ cần cho mẹ đủ vững vàng nhất định có thể hình thành cho con thói quen ngủ giường riêng.
Việc chia phòng cho con ở lứa tuổi lên 5 không phải là không thể. Vì các con sắp đi học tiểu học, con cần không gian yên tĩnh để làm bài, học bài. Hơn hết các con cần không gian riêng tư và yên tĩnh để nghỉ ngơi sau khi học hành mệt mỏi.
Nếu lúc đầu trẻ không chấp nhận, các bà mẹ có thể cho trẻ ngủ riêng vài ngày sau đó lại ngủ chung, thời gian cách thưa dần, kiên nhẫn một chút, trẻ sẽ sớm có thể ngủ một mình.
Theo Sohu