Cha mẹ lên ‘chiến lược’ cho con học trường quốc tế
Quyết định để con theo học chương trình quốc tế không hề dễ dàng, ngược lại đòi hỏi sự tìm hiểu kỹ lưỡng từ phía mỗi gia đình.
Nhiều kinh nghiệm giá trị đã được phụ huynh, chuyên gia giáo dục đưa ra trong tọa đàm "Chất lượng giáo dục quốc tế tại Việt Nam" do báo Tuổi Trẻ kết hợp cùng Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) tổ chức ngày 29-5.
Có khoản "dự trữ tài chính"
Anh Trương Ngọc Trung, hiện làm việc trong mảng truyền thông quảng cáo tại TP.HCM, cho biết gia đình có ý định chuyển con từ trường công sang trường quốc tế cách đây 2 năm nhưng đến nay vẫn đang đắn đo trước hàng loạt lựa chọn.
Lượng sức con mình, anh Trung nghĩ sẽ cho cháu học một chương trình song ngữ thay vì 100% tiếng Anh. Kinh phí anh dự định bỏ ra khoảng 200 - 220 triệu đồng/năm.
Biết rằng chuyển từ trường công sang quốc tế là một quyết định lớn, anh Trung vạch ra chiến lược tiền bạc rõ ràng. Một căn hộ được anh gầy dựng làm "cơ sở tài chính" cho con học hết lớp 12 ở trường quốc tế trước khi ra nước ngoài hoặc nhập học tại các trường liên kết.
Anh Trung chia sẻ mình có phần "ngao ngán" vì các cháu ở trường công phải học quá nhiều theo kiểu thuộc lòng. "Trong khi đó, tôi cảm thấy ở trường quốc tế, các em được chủ động hơn nhờ đa số bài học được truyền tải qua các dự án", anh Trung nói.
Chị Lan Phương - ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM - là một trường hợp đặc biệt khi đã cho con trải nghiệm từ trường công, trường song ngữ và giờ đây là trường quốc tế được dạy 100% bằng tiếng Anh. Trải qua 3 môi trường, chị cho rằng mỗi nơi đều có những điểm tốt và hạn chế riêng.
Chẳng hạn, hệ song ngữ với con chị Phương có vẻ khá nặng vì cháu vừa đeo chương trình Việt Nam, vừa học chương trình nước ngoài bằng tiếng Anh. Các bài thi, kiểm tra cũng không hề dễ dàng, đòi hỏi người học nỗ lực rất nhiều.
Trong khi đó ở trường quốc tế dạy 100% bằng tiếng Anh, con chị được chơi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, càng lên lớp lớn, học sinh càng phải học tập nghiêm túc nếu muốn trúng tuyển vào những ngành "hot" ở các trường đại học nổi tiếng.
"Nơi nào cũng vậy, áp lực cho con sẽ đến nhiều từ kỳ vọng và mong muốn của cha mẹ. Với tôi, con đến trường hạnh phúc, được học những gì mình thích, được ghi nhận những nỗ lực, cố gắng là đủ", chị Phương nói.
Lợi và bất lợi
Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên nhận xét mô hình trường quốc tế trong những năm qua đã chứng tỏ một số thành công, đặc biệt giúp học sinh thành thạo tiếng Anh từ sớm.
Nếu theo các trường quốc tế từ nhỏ, đến khoảng năm lớp 11, 12, không ít bạn trẻ đã đạt trình độ tiếng Anh C1, C2 theo khung tham chiếu châu Âu, tức tương đương với chuẩn đầu ra thông thường của một cử nhân ngoại ngữ. Đó cũng là lý do chính mà phần lớn phụ huynh muốn gửi con vô trường quốc tế sớm.
Ông Barry Sutherland, tổng hiệu trưởng Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), chia sẻ đa phần các trường quốc tế, điển hình tại AISVN, sẽ chú trọng xây dựng các kỹ năng thay vì "nhồi nhét" kiến thức. Chương trình học trong những năm đầu không nặng về lý thuyết, thay vào đó sẽ trang bị cho các em những kỹ năng học thuật, kỹ năng xã hội để tự học và phát triển sau này.
Cheng Man Nga (22 tuổi), cựu sinh viên Trường đại học RMIT Việt Nam, cho rằng trong suốt những năm phổ thông có cơ hội học trường quốc tế, Nga được rèn luyện khả năng tự tìm tòi, nghiên cứu, không theo một khuôn khổ. Môi trường học hiện đại giúp bạn tự do tích lũy kiến thức, mở rộng hiểu biết ra bên ngoài sách giáo khoa.
Ở chiều ngược lại, Nga cảm thấy đôi khi ở trong môi trường quốc tế quá lâu, bạn cảm thấy không phù hợp với môi trường làm việc của Việt Nam. Những thói quen, suy nghĩ tư duy mang tính quốc tế nhiều lúc khiến bạn không phù hợp khi phải làm việc trong môi trường thuần Việt.
Cần minh bạch thông tin
Ông Barry Sutherland cho rằng bên cạnh dành thời gian tìm hiểu trên các website, phụ huynh nên cùng con đến trực tiếp trường để có sự kiểm chứng. Hãy nói chuyện với bộ phận tuyển sinh, thầy cô, thậm chí có thể đại diện ban giám hiệu, để xem những triết lý, tầm nhìn, phương pháp giảng dạy mà trường ấy viết trên web liệu có đang được áp dụng thực tế?
Phụ huynh và học sinh nên xem có cảm nhận được sợi dây kết nối giữa mình và ngôi trường hay không. Bởi lẽ một đứa trẻ chỉ có thể tiến bộ tốt nhất trong môi trường mà trẻ thích học, thầy cô lẫn phụ huynh đều đồng lòng.
Tiếp đó, ông Barry Sutherland khuyên cha mẹ nên để ý đến những chứng nhận kiểm định chất lượng từ các tổ chức uy tín. Phụ huynh có thể nhờ bên thứ 3, là một chuyên gia hay một tổ chức có kinh nghiệm, để tư vấn một lần nữa về ngôi trường mình đang nhắm đến.
Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, phụ huynh cũng cần biết được sự đa dạng trong các chương trình quốc tế hiện nay. Không phải "quốc tế" nào cũng giống quốc tế nào, ngay trong 2 chương trình nổi tiếng nhất của Mỹ và Anh đã có những triết lý, định hướng rất khác biệt.
Ông Lê Duy Tân - trưởng phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho rằng mỗi môi trường học sẽ phù hợp với một đối tượng học sinh khác nhau. Cũng tùy vào thời điểm, độ chín của học sinh mà các em có thể tiến bộ tốt nhất trong môi trường công lập, tư thục hay các chương trình có yếu tố nước ngoài.
Nhiều cha mẹ cho con đi học trường quốc tế quá sớm trong khi con chưa sẵn sàng. Nhiều gia đình quyết định thay con mà bỏ qua chuyện xem đứa trẻ thích gì, muốn gì. Cũng có một số phụ huynh bỏ nhiều tiền cho con học trường quốc tế là coi như xong trách nhiệm, phó thác hết cho trường.
Theo ông Tân, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe con cái, biết sức lực của con đang tới đâu. Bởi một học sinh sẽ phát huy tối đa được tiềm năng khi được đặt vào đúng môi trường, đúng phương pháp giáo dục phù hợp với học sinh ấy nhất.
Theo các chuyên gia, bạo lực học đường là vấn đề có thể xảy ra ở bất kỳ đâu với bất kỳ trường học nào, ngay cả ở trường quốc tế. Mỗi học sinh đều có thể bị bắt nạt hoặc trở thành người bắt nạt.