Cha mẹ có EQ cao dạy trẻ 3 kỹ năng để tiếp xúc với công nghệ một cách thông minh
Liệu thời gian xem màn hình quá nhiều có thực sự là nguyên nhân chính dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực ở trẻ em? Trẻ cần được dạy cách phân biệt các nội dung tốt, xấu trên điện thoại, thay vì chỉ bị cấm đoán một cách cực đoan.
Thay vì lo lắng về thời gian con cái tiếp xúc với màn hình điện thoại hay máy tính, đây là những kĩ năng mà các bậc cha mẹ cần dạy để con cái thành công
Một trong những nghiên cứu toàn diện nhất về chủ đề này đã phát hiện ra rằng trong hơn 350.000 thanh thiếu niên, việc sử dụng đồ công nghệ chỉ có thể gây ra khoảng 0,4% ảnh hưởng tổng thể lên sức khỏe tinh thần.
Và dù có cố gắng thế nào, chúng ta cũng không thể hoàn toàn ngăn cản con mình tiếp xúc với màn hình điện thoại hay máy tính, TV.
Trong thực tế, những bậc cha mẹ có EQ cao hiểu cách uốn năn con một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả hơn việc cấm đoán cực đoan. Họ sẽ không quá lo lắng về việc con cái họ dành bao nhiêu thời gian vào các loại đồ dùng công nghệ, số. Thay vào đó, họ dạy 3 kỹ năng này, để giúp con cái trở nên “thông minh khi tiếp xúc với màn hình”:
1. Kĩ năng đánh giá nội dung
Hãy tìm hiểu và khám phá các loại ứng dụng, trò chơi và trang web với con. Cùng con đọc các điều khoản người dùng và cùng đánh giá trải nghiệm, đồng thời chia sẻ mọi giá trị và mối quan tâm với con.
Nếu một ứng dụng hoặc trang web có vẻ lừa đảo hoặc mang lại những giá trị không tốt, hãy trao đổi với con về lý do ta cảm thấy như vậy, và điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyết định dành thời gian cho ứng dụng hoặc trang web đó.
Những cuộc trò chuyện như vậy sẽ giáo dục cho trẻ cách để sử dụng đồ công nghệ sao cho có trách nhiệm.
2. Kĩ năng đặt ra những giới hạn
Nếu cảm thấy mình đang không kiểm soát tốt việc sử dụng màn hình của con, hoặc nếu muốn thiết lập một số quy tắc nhất định, hãy cân nhắc ngồi lại, tổ chức một cuộc họp gia đình để thống nhất tất cả.
Bạn có thể đặt ra các nguyên tắc để tạo sự cân bằng, dạy con cách sử dụng màn hình một cách tích cực và giúp tránh một số tác động không lành mạnh có thể xảy ra.
Gia đình có thể thảo luận về những chủ đề như:
Liệu có nên đặt ra một thời gian “giới nghiêm” nhất định, mà sau đó trẻ sẽ phải tắt tất cả các thiết bị di động và cất chung về một đầu mối hay không?
Trẻ sẽ được phép sử dụng thiết bị di động ở đâu? Bố mẹ có cài đặt mật khẩu trên thiết bị không?
Con cái có cần xin phép cha mẹ trước khi sử dụng các thiết bị di động, TV, máy tính hay không?
Hãy cho phép trẻ tiếp nhận các loại thông tin, đồng thời chia sẻ với trẻ về cách bản thân sử dụng đồ công nghệ sao cho hiệu quả.
3. Kĩ năng sử dụng đồ công nghệ cho tốt
Hãy dạy con hiểu rằng xem các loại đồ công nghệ không hoàn toàn gây ra những ảnh hưởng xấu. Chúng cũng có thể là công cụ để kết nối, học hỏi và phát triển.
Lấy ví dụ, nhiều đứa trẻ đã sớm tận dụng được những thiết bị này để học tập ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi, thậm chí ở tuổi mẫu giáo với các loại ứng dụng bảng chữ cái. Ngoài ra, chúng cũng có thể tập chơi các game trí tuệ như cờ vua, xếp chữ, giải đố trực tuyến, tất cả đều sẽ dạy cho chúng những kỹ năng hữu ích.
Hãy tải xuống các trò chơi và ứng dụng giáo dục cho con, đồng thời khuyến khích trẻ tự suy nghĩ xem chúng có đang sử dụng đồ công nghệ vì mục đích tốt hay không.
Sau khi con dành thời gian trên điện thoại, hãy hỏi: “Con đã học được gì?” hoặc “Con đã nói chuyện với ai? Điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ vậy?”
Màn hình là một loại công cụ, và giống như bất kỳ công cụ nào, chúng có thể hữu ích hoặc có hại, tùy thuộc vào cách chúng được sử dụng. Trên cương vị là cha mẹ, hãy nhớ rằng mục tiêu của chúng ta là giúp trẻ học cách sử dụng công cụ ấy một cách lành mạnh và hiệu quả nhất.
Theo CNBC