Cha đẻ của nón lá bàng trong suốt: "Người ta bảo tôi là thằng điên, hết chuyện để làm"

Chia sẻ Facebook
21/06/2022 11:34:55

Những chiếc nón bằng lá bàng trong suốt của ông Hùng khiến người ta không ngừng trầm trồ, nhưng cũng có người dị nghị, chê bai.

Hình ảnh chiếc nón xương lá bàng trong suốt, e ấp như cô thiếu nữ dịu dàng đã mang đến một vẻ đẹp tinh khôi, đằm thắm và thu hút nhiều du khách tìm đến để làm quà kỷ niệm khi đến Huế.

Những chiếc nón từ xương lá bàng đó được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của ông Võ Ngọc Hùng (SN 1957, trú tại hẻm 36/13 Kim Long, phường Kim Long, TP Huế).

Cơ duyên làm ra chiếc nón trong suốt bằng lá bàng rừng

Ông Hùng là người yêu thích nghệ thuật và cái đẹp, trước đây ông đã từng nảy ra ý tưởng và làm thành công in tranh vẽ lên xương lá bồ đề, mô hình này bước đầu thành công nhưng lại không được ưa chuộng. Vì thế ông luôn mày mò, tìm tòi để sáng tạo ra những điều mới mẻ hơn dựa trên kỹ thuật ngâm xương lá từ trước.

Năm 2018, trong một lần đi chơi suối với hội bạn ở khu vực rừng Bình Điền (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ông tình cờ phát hiện những chiếc lá bàng rừng có kích thước lớn và dày dặn. Nhặt thử vài lá đem về nhà, ông bắt đầu thử nghiệm làm nón bằng nguyên liệu này.

Bước đầu phát triển ý tưởng, ông gặp nhiều thất bại bởi vì những chiếc lá bị hư hỏng do không đủ độ dày, lá rách, lá sâu, lá còn non chưa đủ “tuổi”… Cứ thế ông không từ bỏ mà một mình đi “săn” lá bàng rừng để về tiếp tục thử nghiệm.

Ông Hùng làm nón bằng những chiếc là bàng rừng.


Để làm ra được những chiếc nón lá hoàn chỉnh, ông đã phải mất rất nhiều công sức, một mình lặn lội vào rừng tìm cây bàng rừng. Khâu “tuyển chọn” đến khi thành phẩm đều được làm thủ công 100%.

Lá bàng rừng phải chọn lựa những lá già, dày dặn, gân lá cứng và chắc khỏe, lá không bị sâu, vàng hoặc bị rách. Sau khi đã có được những chiếc lá đạt chuẩn, ông sẽ mang lá nấu trong baking soda để chuyển thành washing soda, tiếp đến thì mang những chiếc lá này ngâm thêm 1 tháng rưỡi nữa thì mới mang ra làm sạch.

Khi thời điểm thích hợp, ông bắt đầu chải hết phần mục để lấy xương lá, công đoạn này cần sự tỉ mỉ và kiên trì vì mọi thứ đều phải thực hiện bằng tay, nếu không cẩn thận chải lá đúng góc độ thì lá sẽ bị rách.

Khi đã có những chiếc xương lá hoàn hảo thì sẽ ghép lên nón rồi mang đến cho thợ để chằm nón. Công đoạn cuối sẽ là bước chống ẩm, chống thấm để tránh mốc và giữ nguyên vẻ đẹp tinh khôi của chiếc nón lá.

Những khó khăn ban đầu khi làm nón xương lá bàng

Mỗi năm, ông Ngọc Hùng chỉ có thể thu hoạch lá bàng vào mùa hè vì đó là thời điểm thuận lợi nhất để hái lá. Tuy nhiên, thời gian đầu do không có nhiều kinh nghiệm, ông không hái được nhiều lá đạt chất lượng. Sau nhiều lần thất bại thì mới rút ra bài học, ông khoanh vùng những nơi có nhiều cây bàng rừng có lá dày, tươi tốt để có thể tìm đến hái dễ dàng hơn.

Ngoài vùng rừng ở Bình Điền có những cây bàng rừng cao, to thì ông đã thử tìm ở những vùng khác như ở Tuần và Khe Sanh. Tuy nhiên những cây bàng chỉ mọc rải rác và thưa thớt, có những cây đã được ông tìm thấy và đánh dấu, khi quay trở lại thì bị người ta đốn hạ chỉ còn gốc cây trơ trọi vì nhiều lý do. Lúc đó, tuy có chút thất vọng nhưng ông lại không nản lòng mà lại tiếp tục nuôi ý chí đi “săn” nhưng cây bàng ở vùng khác.


Ông Hùng tâm sự, lúc đầu nảy ra ý tưởng và thực hiện làm chiếc nón bằng lá bàng rừng, có nhiều khó khăn về tâm lý khi bạn bè và người quen nói ông là, “thằng điên, hết chuyện để làm, anh làm cái này sẽ thất bại thôi, không được cái chi hết”.

Những câu nói đó như con dao sắc bén cứa vào lòng ông Hùng. Tuy nhiên, ông không từ bỏ mà biến những thất bại, chê cười đó trở thành động lực để tiếp tục đam mê.

Thất bại hay thành công thì đều do bản thân mình thôi và tự mình chịu, đường mình thì mình cứ đi thôi”.

Tiếp đó là khó khăn về đầu ra, thời gian đầu vất vả làm được 20 cái nón lá bàng nhưng lại không bán được. Cũng bởi lẽ lúc ấy, không có ai biết đến về sự tồn tại của những chiếc nón lá bàng độc đáo này.

Đỉnh điểm khủng hoảng là khi ông Hùng đã dốc cạn túi tiền vào những chiếc nón lá bàng. Ông còn phải bán đi 2 chiếc xe đạp thể thao yêu thích để có tiền “nuôi” đam mê.

Không đành lòng để tâm huyết và nỗ lực của cha bị “cất” ở trong góc nhà, chị Như Tâm (con gái của ông Hùng) đã chụp ảnh rồi đăng lên Facebook, những chiếc nón lá độc đáo có một không hai này bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Cứ thế tiếng tăm của ông và chiếc nón lan rộng, ông đã có những đơn hàng đầu tiên, “trái ngọt” đã được hái sau những tháng ngày vất vả. Đây cũng là động lực để ông duy trì và phát triển hoàn thiện những chiếc nón lá.

“Thời điểm đó, nguyên một ngày điện thoại của tôi không ngừng đổ chuông từ sáng đến chiều, tôi vô cùng bất ngờ và hạnh phúc vì nỗ lực của mình đã bắt đầu có kết quả”

Năm 2021, người quen của ông Hùng phát hiện có một nơi trong thành phố bán những chiếc nón lá bàng tương tự nhưng giá rẻ hơn so với bản gốc. Qua tìm hiểu thì phát hiện đó không phải là sản phẩm của ông Hùng, và những chiếc nón được làm nhái về mặt thẩm mỹ hay kỹ thuật đều không thể bằng bản gốc.


Sự việc xảy ra, ông Hùng cũng đã nắm được hết thông tin, ông suy nghĩ lạc quan và tâm niệm rằng: “Chỉ có cha đẻ của đứa con tinh thần thì mới tâm huyết để làm ra sản phẩm chất lượng và thắng lợi.”

Chiếc nón lá trong suốt càng tô điểm thêm vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam (ảnh từ Lan Anh Hoàng - Thủy Vi)


Sau cùng, bản thân ông Hùng luôn ấp ủ và khát khao một dự án đó là, khi có đủ điều kiện và tiềm lực thì sẽ mở ra một cơ sở dạy nghề và đích thân ông sẽ truyền đạt lại kỹ thuật để đem lại công ăn, việc làm cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ .


Theo Phùng Hà

Chia sẻ Facebook