Cha đẻ “Chiếc lược ngà” không có nhiều ý đồ sâu xa khi tạo ra tác phẩm
Khi nhận được bài kiểm tra cùng văn mẫu của con trai, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã ngay lập tức bật cười và phủ nhận mình không có ý đồ sâu xa khi viết Chiếc Lược Ngà.
Phân tích tác phẩm văn học đôi khi là “nỗi sợ” vô hình không thể nói rõ thành lời của nhiều học sinh. Từ cấp 1 đến cấp 3, ai học kém môn này đều cảm thấy đây là điều “khó nhằn” vì quá sâu sắc và nhiều tầng nghĩa.
Song, có một điều vô cùng hay ho chính là đôi khi, chính cha đẻ của những tác phẩm bạn đang phân tích dài cả 1 trang lại chẳng có quá nhiều dụng ý trong đó. Điển hình là tác phẩm Chiếc lược ngà của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ba ruột của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là cái tên nổi bật và sáng giá trong làng điện ảnh hiện nay khi anh đã sản xuất ra hàng loạt bộ phim ăn khách như Nụ hôn thần chết, Tiệc trăng máu, Mỹ nhân kế, Tháng năm rực rỡ,.. . Là đạo diễn có tiếng tăm là vậy nhưng ít ai biết rằng, Dũng “khùng” từng có một quá khứ học dở môn Văn.
Theo đó, dù có ba nhà văn kỳ cựu trong nền văn học Việt Nam nhưng Nguyễn Quang Dũng lại rất sợ môn học này. Vì vậy, cách đây không lâu, một bài đăng xuất hiện trên mạng xã hội chia sẻ về chuyện học hành ngày xưa của vị đạo diễn này đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, bài đăng này cho rằng, dù đã nhờ ba phân tích tác phẩm Chiếc lược ngà hộ nhưng Dũng “khùng” vẫn chỉ nhận được vỏn vẹn 4 điểm.
Câu chuyện thú vị này nhanh chóng trở nên viral và được lan truyền ở khắp các diễn đàn. Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã nhanh chóng phủ nhận tin đồn và cho biết, người bố nổi tiếng chưa bao giờ giúp anh làm bài tập về nhà.
Chia sẻ với Pháp Luật và Bạn Đọc, đạo diễn Dũng “khùng” bộc bạch: “Chuyện là vầy, hồi nhỏ tôi học Văn dở, thường chỉ 4 - 6 điểm thôi. Duy nhất 1 lần 8 điểm là bài kiểm tra môn Văn nói về tiểu sử của tác giả Chiếc Lược Ngà. Nhưng hồi đó khi học đến phân tích Chiếc Lược Ngà, tôi có đem bài văn mẫu phân tích của cô giáo dạy về cho ba. Ba tôi cười nói là bài văn mẫu hơi 'ca lên quá' vì có những thứ ba tôi không có ý đồ hay nghĩ như vậy”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng còn cho biết thêm, hồi bé với anh Văn học một môn học cực kỳ khó, đến cả những tác phẩm do chính ngòi bút điêu luyện của nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết nên thì anh cũng đều phải “giơ tay xin hàng”. Sau khi bố ra đi, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thường xuyên nhớ về những câu chuyện ngày bé khi đi học với bố.
Được biết, Dũng “khùng” có một thời học sinh “lừng lẫy” khi thường xuyên cúp học. Chính vì vậy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng thường xuyên bị thầy cô triệu tập để phê bình. Song, không những không trách mắng, mỗi lần Nguyễn Quang Dũng gây chuyện, bố đều đứng ra bảo vệ và bênh vực để anh tiếp tục hoàn thành việc học.
Không những vậy, nếu như bạn bè đồng trang lứa ngày ngày đều miệt mài đến lớp học thêm thì Nguyễn Quang Dũng lại được bố cho phép nghỉ học, cùng ông đi khám phá đây đó bằng những chuyến thực tế trong dịp nghỉ hè.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn răn dạy con trai rằng, sống ở đời không nên quá bon chen, biết cách làm việc nhưng cũng phải biết cách hưởng thụ, nghỉ ngơi. Làm việc gì cũng không quá quan trọng, quan trọng là giỏi nghề và nuôi sống được bản thân. Đến nay, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn luôn khắc ghi từng lời chỉ bảo của ba.
Bất kỳ phụ huynh nào cũng muốn con mình được giỏi giang, nối nghiệp bố mẹ nhưng nhà văn Nguyễn Quang Sáng thì khác. Dù con trai học dở môn Văn, “chào thua” trước những tác phẩm của mình nhưng ông không quá khắt khe, cho anh được làm điều mình mong muốn. Vậy nên, giờ đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có thành tựu vững chắc trong nghề mà không phải ai cũng làm được.
Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN!
Văn học là không có giới hạn. Mỗi người sẽ có những suy nghĩ, cảm nhận khác nhau về một bài văn, bài thơ nào đó. Cũng giống như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Nguyễn Khải (Mùa lạc) hay nhà thơ Thanh Thảo (Đàn ghi ta của Lo-car) cũng từng “dở khóc dở cười” khi chính mình lại không hiểu tác phẩm mình viết ra bằng cô giáo. Vì vậy, khi chấm điểm một bài phân tích nào đó, các cô giáo cũng nên có cái nhìn mới, thoáng hơn về bài làm của học sinh, khuyến khích các em thể hiện nên suy nghĩ, cảm nhận của mình một cách chân thực nhất.