CEO Thinkzone: Ranh giới giữa hỗ trợ và can thiệp vào startup rất mong manh!
Theo anh Bùi Thành Đô, CEO ThinkZone, các quỹ đầu tư như ThinkZone khi rót vốn vào startup công nghệ, thường không sở hữu quá nhiều, thường không nhiều hơn 20%. Các quỹ sẽ luôn để các founder kiểm soát công ty.
Những ngày giữa tháng 2/2022, trong khi dư âm ngày Tết vẫn còn đọng lại, nhiều cơ quan tổ chức vẫn chưa quay về nhịp làm việc thường ngày thì một quỹ đầu tư mạo hiểm của Việt Nam – ThinkZone đã rục rịch chuẩn bị, thông báo về một sự kiện đặc biệt. Càng gần đến thời điểm công bố, trên Facebook của vị CEO càng rộn ràng những lời chúc mừng từ lãnh đạo các doanh nghiệp lớn - nhỏ, các chuyên gia, KOL trong giới startup.
Đến tối 21/2, ThinkZone chính thức công bố quỹ ThinkZone Fund II với quy mô 60 triệu USD (khoảng 1.380 tỷ đồng). Quan sát lĩnh vực startup của Việt Nam, hiếm khi nào người viết thấy một sự kiện của quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là quỹ đầu tư nội, lại được quan tâm và chúc mừng rầm rộ đến thế. Tuy nhiên, điều này cũng không quá khó hiểu khi đây là quỹ đầu tư khởi nghiệp có nguồn lực nội địa lớn nhất Việt Nam, được hẫu thuẫn bởi các doanh nhân lão làng: ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings, bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch VNDirect, ông Đinh Đức Thắng – Chủ tịch Tập đoàn Stavivan.
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với CEO ThinkZone – Bùi Thành Đô, để hiểu thêm những câu chuyện thú vị xung quanh sự kiện này.
Là quỹ đầu tư chỉ mới 3 năm tuổi, làm sao để ThinkZone tạo được niềm tin và thuyết phục lãnh đạo các tập đoàn lớn đầu tư vào mình?
Tôi nghĩ một trong những điều quan trọng là con người. Chúng tôi thẳng thắn về những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Khi chúng tôi gọi vốn cho ThinkZone Fund II, có nhiều tập đoàn cam kết đầu tư hơn so với số lượng các nhà đầu tư hiện tại. Chúng tôi phải lựa chọn, không đánh đổi cuộc chơi để huy động quỹ bằng mọi giá mà phải chủ động trong chiến lược phát triển quỹ, rồi từ đó tìm những tập đoàn phù hợp với những nhu cầu ấy.
Cũng may mắn là ThinkZone tìm được những doanh nhân, Chủ tịch tập đoàn có tầm nhìn rất xa. Thực sự điều đầu tiên khiến chúng tôi cảm thấy đồng điệu với nhau là mong muốn thế hệ doanh nhân đi trước có thể đầu tư để tạo ra một thế hệ doanh nhân mới, thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn và vươn ra toàn cầu. Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là muốn tạo ra một thế hệ doanh nhân mới, chứ chưa thực sự là lợi nhuận. Chị Minh Hương, anh Đình Đoàn hay anh Thắng đều rất muốn tạo ra một sân chơi, một nguồn lực mạnh mẽ nhất từ chính tập đoàn Việt Nam cho các startup Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi tham vọng trở thành một casestudy điển hình để chia sẻ với các cơ quan nhà nước về hành lang chính sách đầu tư cho startup Việt. Các founder đang phải làm gì, gặp khó khăn gì, các quỹ đầu tư ngoại đầu tư vào Việt Nam gặp khó khăn gì không? Đôi khi các quỹ đầu tư nội, đầu tư vào startup nội còn khó hơn cả quỹ ngoại. Đó là những điều chúng tôi muốn chia sẻ, mà với quy mô của ThinkZone, chúng tôi có thể chia sẻ được.
Quỹ nội đầu tư vào startup nội còn khó hơn cả quỹ ngoại sao, thưa anh?
Có một số trường hợp gây cản trở khá nhiều.
Thứ nhất, nhiều startup Việt Nam chọn thành lập doanh nghiệp ở Singapore. Như vậy, rõ ràng mình rót vốn cho startup Việt Nam nhưng lại đầu tư vào pháp nhân ở Singapore. Mặc dù những pháp nhân này chỉ là công cụ để nhận vốn, rồi founder lại cầm vốn đó để chuyển về Việt Nam, xây dựng công ty, tạo ra nguồn lực lao động, phát triển kinh doanh hoàn toàn ở Việt Nam. Khi đó, đôi lúc quỹ nội sẽ gặp khó khăn.
Thứ hai, chúng tôi đã đầu tư vào startup ở Việt Nam nhưng một số thương vụ sau đó khiến các bạn founder phải chuyển công ty sang Singapore. Và thực ra đó cũng chỉ là công cụ, để rồi lại mang vốn về nước ta.
Ở Việt Nam vẫn coi đó là một hành vi đầu tư nước ngoài, nhưng theo tôi bản chất vấn đề là: các bạn lập công ty ở Singapore rất dễ, với chi phí cực kỳ rẻ chỉ vài ngàn USD, rồi sau đó các bạn thu hút nguồn vốn đầu tư về Việt Nam cả triệu, chục triệu USD. Đó là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) chứ không phải chảy máu ngoại tệ. Hiện tại, vì một số thủ tục pháp lý Việt Nam hơi khó khăn nên các bạn founder chưa xin được giấy phép đầu tư nước ngoài, nên thông thường các bạn cứ sang Singapore thành lập thôi, 90% là như vậy.
Để huy động được Fund II với quy mô tới 60 triệu USD (~1.380 tỷ đồng), hẳn là Fund I của ThinkZone cũng rất thành công. Nhìn lại Fund đầu tiên, anh nghĩ đến những dấu mốc nào?
Với ThinkZone Fund I, chúng tôi đầu tư hơn 10 startup, cũng có những startup gặp khó khăn trong dịch. Nhưng điều đầu tiên bản thân mình nhìn nhận thấy, đó là các startup trong danh mục đều mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội, đúng theo tiêu chí của quỹ. Các bạn founder cũng đã đủ sự già dơ và quyết liệt để vượt qua giai đoạn dịch, có những bạn tận dụng để vươn lên rất mạnh.
ThinkZone Fund I có những startup tăng trưởng về đối tác và định giá nhiều lần. Ví dụ, EMDDI từ khi chúng tôi rót vốn mới có 17 hãng taxi đối tác, hiện đã có hơn 200 hãng. Gimo từ thời điểm chỉ có 80 người lao động sử dụng đến gần 100.000 người lao động.
Tôi tin rằng các nhà đầu tư đánh giá rất cao các khoản đầu tư của ThinkZone Fund I nên mới quyết định đồng hành ở ThinkZone Fund II.
Năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư vào startup Việt đâu đó khoảng 1,3 tỷ USD nhưng 3 anh lớn MoMo, VNLife, Tiki và kỳ lân mới nổi Sky Mavis "gánh" quá nửa. Đây không phải câu chuyện mới, nhưng tôi vẫn muốn nghe quan điểm của anh về việc này.
Chỉ số này cũng tương đồng với các thị trường khác trong khu vực. Thực tế, các startup giai đoạn “early” không cần quá nhiều tiền, nên tổng số tiền đổ vào giai đoạn này luôn luôn thấp.
Nhưng cũng cần nhìn nhận ở thị trường Việt Nam, tỷ lệ thất bại của các startup giai đoạn early còn đang cao. Còn ít nhà đầu tư tốt, ít nhà đầu tư thực sự “xắn tay” lên mang lại những giá trị thiết thực nhất cho startup, do đó chưa kích thích được các startup phát triển nhanh hơn.
Chúng ta cần có một mạng lưới những nhà đầu tư có kiến thức chuyên nghiệp hơn, sâu rộng hơn trong từng mô hình và họ phải thực sự hiểu startup công nghệ. Nếu họ không hiểu thì việc họ đầu tư vào cũng không mang lại được nhiều giá trị, thậm chí có ảnh hưởng tiêu cực. Một số nhà đầu tư làm không tốt cũng đã bị đào thải rồi.
Do đó, tôi nghĩ vai trò của vườn ươm trong hệ sinh thái khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Nó giống như việc nếu chúng ta muốn có nhiều sinh viên Việt Nam trúng tuyển vào Standford hơn thì trường THPT ở Việt Nam phải tốt hơn, có định hướng dài hơi hơn, giáo viên kinh nghiệm hơn. Vai trò của vườn ươm tương tự với trường học, phải tạo ra được những founder có tư duy phát triển sản phẩm, tư duy tài chính. Ở nước ngoài cũng vậy thôi.
Vậy ThinkZone đồng hành và hỗ trợ những gì cho startup, có điểm gì khác biệt so với các quỹ khác không?
ThinkZone rất cam kết trong việc đầu tư cho các bạn về cả mặt tài chính lẫn sự hỗ trợ trong quá trình đưa startup vào trong hệ sinh thái của ThinkZone. Chúng tôi hỗ trợ khi các bạn cần khách hàng đầu tiên, khi nhận feedback. Hay khi startup cần những dòng tiền đầu tư mới thì ThinkZone kết nối với các quỹ khác, đồng thời tiếp tục bỏ tiền đầu tư.
Ví dụ, khi mới đầu tư vào EMDDI, các anh founder còn rất lúng túng không biết game này sẽ đi đến đâu. Chúng tôi cùng ngồi lại, xác định lại mô hình cùng nhóm founder và đưa ra cho họ một vài định hướng. Họ chọn định hướng muốn đi theo và đã tìm thấy cửa rất sáng.
Xoay quanh quá trình đầu tư, tôi đúc rút được ra mấy điều quan trọng. Thứ nhất, startup thường thiếu người, thiếu những nhân sự cốt lõi trong nhóm sáng lập. Chúng tôi thường kết nối những founder, nhân tài đó với nhau. Thứ hai là tư duy tiếp cận thị trường, phát triẻn sản phẩm.
So với các quỹ ngoại, ThinkZone mang lại thêm những giá trị khác bởi một quỹ nội. Đứng sau chúng tôi là rất nhiều tập đoàn lớn, từ lĩnh vực chứng khoán đến F&B, bảo hiểm, FMCG, truyền thông quảng cáo,… Và đương nhiên, chúng tôi cũng hiểu hơn về thị trường Việt Nam.
Nhưng tôi thắc mắc, ranh giới giữa việc hỗ trợ, đồng hành với can thiệp vào việc điều hành của startup, có rõ ràng không, thưa anh ?
Thực ra chúng tôi cũng rất hiểu câu chuyện này, ranh giới giữa việc hỗ trợ và can thiệp rất mong manh. Vì thế mà mình nên đặt ra một số tiêu chí.
Thứ nhất, nhà đầu tư và founder phải đặt startup lên hàng đầu, luôn luôn phải ưu tiên startup. Tất cả các quyết định, các hỗ trợ phải ưu tiên để startup phát triển.
Thứ hai, chúng tôi luôn luôn phải hiểu founder cần gì. Nếu hiểu được họ cần hỗ trợ gì, họ thực sự sẵn lòng với sự hỗ trợ nào, thì lúc đó mình biết được rằng việc mình làm đang mang tính chất hỗ trợ chứ không phải kiểm soát.
Thực tế, các quỹ đầu tư như ThinkZone khi rót vốn vào startup công nghệ, chúng tôi không sở hữu quá nhiều, thường không nhiều hơn 20%. Luôn để các founder kiểm soát công ty. Mình cũng đâu có nhiều thời gian mà theo họ cả ngày. Đội ngũ founder quyết tâm 24/7, làm đủ mọi thứ, thì họ luôn là người hiểu nhất và có đủ thông tin để ra quyết định nhất. Quỹ chỉ hỗ trợ những gì họ thiếu, đưa ra các phương án nhưng người quyết định cuối cùng vẫn nên là founder.
Vậy ThinkZone sẽ đồng hành với startup trong danh mục đến khi nào?
Một trong những điều tiên quyết của chúng tôi, đó là ThinkZone không bao giờ đầu tư ngắn hạn, luôn đầu tư dài hạn. Ngay cả khi tiếp cận với các nhà đầu tư, tập đoàn rót vốn vào ThinkZone Fund II, mọi người cũng không muốn đầu tư ngắn hạn, không tạo áp lực thoái vốn như những mô hình đầu tư khác. Nếu doanh nghiệp còn phát triển thì chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư nữa, chứ không có quan điểm phải thoái vốn bằng mọi giá hay đến thời điểm nào đó thì thoái vốn.
Chúng tôi đang kỳ vọng và thảo luận hướng đi để đưa một số startup trong danh mục có thể IPO. Việc IPO thành công cũng chứng minh được các cấu trúc kinh doanh, quản trị của các bạn ấy rất tốt.
IPO là bước ngoặt lớn của startup. Tuy nhiên ở một mặt khác, khi nhìn vào sự sụt giảm giá cổ phiếu của Grab sau khi IPO tại Mỹ thời gian qua, có lẽ chúng ta cũng phần nào thấy rằng con đường sau IPO cũng không chỉ toàn màu hồng?
Đúng là gần đây chúng ta nhìn thấy một xu hướng đó là nhiều unicorn sau IPO thì định giá giảm đến 70%-80%. Một phần là dịch, một phần là niềm tin của thị trường cũng đang giảm xuống nhiều.
Tôi nghĩ định giá của rất nhiều quỹ đầu tư ở giai đoạn trước hơi “over value”, “over market value” (đánh giá quá cao so với giá trị thực) khá nhiều. Đến một giai đoạn, người ta cũng nhìn thấy rằng mô hình ấy không bền vững và thực sự giá trị nó tạo ra cho xã hội không lớn như những gì mọi người đã nghĩ. Mọi người gọi đó là kinh tế chia sẻ nhưng chưa chắc thực sự là kinh tế chia sẻ.
Ngày xưa Việt Nam có khoảng 100.000 xe vận tải 4 chỗ cho khách đi lại nhưng hiện tại có đến mấy trăm ngàn xe, tôi chưa biết nó tiết kiệm được cái gì, chia sẻ được gì cho mọi người, mà đôi khi khí thải còn tăng thêm. Ngoài ra các mô hình ấy cũng bị ảnh hưởng bởi Covid nhiều, đó là chuyện khá bình thường, tôi cũng không có đánh giá gì.
Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!
Thùy Dương
Theo Trí Thức Trẻ