CEO Nvidia Jensen Huang: thành công gắn với phong cách ăn mặc cá tính
VietTimes – Nói đến Jensen Huang, người ta nghĩ ngay đến chiếc áo khoác da màu đen, nó không chỉ là biểu tượng cá nhân mà còn tượng trưng cho sự chuyển đổi mô hình công nghệ do ông dẫn đầu, thậm chí định hình một kiểu văn hóa đại chúng.
The New York Times đưa tin Jensen Huang, người sáng lập Nvidia , sẽ được đưa vào Đại sảnh Danh vọng Công nghệ Thung lũng Silicon.
Nvidia, được Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân) thành lập năm 1993, đã có giá trị vốn hóa thị trường đạt 1 nghìn tỉ USD vào cuối tháng 5 năm nay, địa vị đã sánh ngang với Apple, Alphabet, công ty mẹ của Google và Amazon.
Con chip do Nvidia sản xuất là cốt lõi của ngành trí tuệ nhân tạo (AI), không chỉ chi phối số phận của các chatbot như ChatGPT và Bard mà còn trở thành sự chuyển đổi mô hình của công nghệ đương đại.
Jensen Huang đã tạo ra những sản phẩm mang tính thời đại, đồng thời, có một phong cách ăn mặc cá nhân độc đáo; khi xuất hiện trước công chúng, ông luôn mặc áo khoác da màu đen, thường với áo phông đen và quần jean cũng màu đen.
Ví dụ, năm 2021, Jensen Huang được chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất và xuất hiện trên trang bìa của tạp chí TIME, ông đã xuất hiện trong một chiếc áo khoác da màu đen. Ông cũng mặc áo khoác da màu đen trong những dịp quan trọng khác như Hội nghị Công nghệ GPU Nvidia (GTC), Diễn đàn Công nghệ Thế giới 2023 và Triển lãm Máy tính Quốc tế Đài Bắc.
Năm 2016, Jensen Huang khi đối thoại trả lời các câu hỏi của cư dân mạng trên trang web diễn đàn Reddit, thậm chí còn tự gọi mình là "người đàn ông mặc áo da".
Chiếc áo khoác da mà Jensen Huang mặc tuy thay đổi về kiểu dáng, chẳng hạn như cổ áo, khóa kéo và tay áo, nhưng màu sắc luôn là màu đen. Theo một người phát ngôn của Nvidia, Jensen Huang đã mặc áo da đen ít nhất 20 năm và tạo hình này chưa bao giờ thay đổi.
Nhìn vào lĩnh vực AI , vẫn chưa có vai trò đại diện nào khiến mọi người dễ liên tưởng đến. ChatGPT và Bard là mạng lưới thần kinh vô hình; hình ảnh của CEO OpenAI Sam Altman thì không đủ rõ ràng. Jensen Huang và chiếc áo khoác da màu đen của ông chính là để lấp vào chỗ trống đó.
Chiếc áo khoác da màu đen không chỉ tượng trưng cho đặc điểm cá nhân của Jensen Huang mà còn là sự thay đổi công nghệ do ông đại diện. Nó gợi nhớ đến chiếc áo cổ lọ màu đen của người sáng lập Apple Steve Jobs, hay chiếc áo phông cổ tròn màu xám của người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và những chiếc áo "hip-hop" Bull Terrier của người sáng lập Amazon Jeff Bezos. Jensen Huang cũng là một thành viên của "câu lạc bộ cao cấp" này.
Nhóm CEO công nghệ hàng đầu này đều hiểu rằng sự khác biệt chính giữa một công ty thay đổi thế giới thành công và một công ty thay đổi thế giới thành công định hình văn hóa đại chúng chính là hình ảnh của người lãnh đạo nó.
Richard Thompson Ford, giáo sư tại Viện Luật Đại học Stanford và là tác giả cuốn “Dress Code: How the Laws of Fashion Make History” (Quy tắc ăn mặc: quy luật mốt sáng tạo lịch sử như thế nào”, nói: “(Hình ảnh này) có thể khiến người ta nhận ra ngay lập tức, giống như một nhân vật hoạt hình hay một siêu anh hùng. ... cả hai đều từ chối chấp nhận thời trang có chủ ý, đồng thời lại sử dụng sức mạnh của thời trang".
Mặc dù khi những người có ảnh hưởng được hỏi tại sao họ luôn mặc những bộ quần áo giống nhau, thì hầu hết câu trả lời sẽ là nó giúp họ tiết kiệm thời gian suy nghĩ về những điều khó khăn cần tháo gỡ thay vì nghĩ về việc mặc gì hàng ngày.
Cả cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Mark Zuckerberg đều từng nói như vậy. Người phát ngôn của Jensen Huang cũng trích dẫn: "Jensen Huang từng nói rằng lý do tại sao anh ấy mặc áo đen và quần đen hàng ngày là vì với cách này, ông ấy phải quyết định ít hơn mỗi ngày".
Richard Ford thì chỉ ra rằng việc mặc cùng một thứ "đồng phục" mỗi ngày sẽ truyền đạt ý thức kỷ luật, sự tập trung và độ tin cậy, "những đặc điểm mà mọi CEO đều muốn có".
Tuy nhiên, đó không phải là điều duy nhất, đặc biệt là trong thời đại giao tiếp bằng hình ảnh, bất cứ ai có khát vọng trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng toàn cầu đều thông hiểu lịch sử và biết rõ ý nghĩa của việc ăn mặc như thế này.
Nhiều nhân vật lịch sử biết sức mạnh của hình ảnh trực quan, họ đều có phong cách ăn mặc cá nhân của riêng mình, chẳng hạn như chiếc áo Madiba của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, “hình ảnh của họ đã đi sâu vào tâm trí chúng ta, hình thành những quan điểm và nhận thức nhất định”.
Xét từ quan điểm văn hóa, có rất ít trang phục có thể gợi lên nhiều liên tưởng phong phú như áo da màu đen. Chiếc áo khoác da màu đen cũng phù hợp với tính cách của Jensen Huang. Theo một người quan sát, trong Triển lãm Máy tính Quốc tế Đài Bắc, nhiệt độ khoảng 26 độ C đến 32 độ C, Jensen Huang khoác chiếc áo da màu đen, có người hỏi sao ông chịu đựng được, ông trả lời một cách khéo léo, "I've always been cool” (Tôi luôn rất tuyệt).
Cố vấn hình ảnh kiêm nhà tạo mẫu tại Thung lũng Silicon Joseph Rosenfeld nói: “Áo da màu đen gợi nhớ đến Hollywood những năm 1950, với hương vị độc lập, phóng khoáng, nổi loạn và gợi cảm".
Ví dụ, ngôi sao điện ảnh Marlon Brando theo phong cách “Speeding party”, ngôi sao điện ảnh huyền thoại James Dean đều thường mặc đồ da màu đen; ngoài ra, ban nhạc The Beatles, Elvis Presley, David Bowie cũng đều có cảm tình với áo khoác da màu đen.
The New York Times chỉ ra rằng hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với cảm giác mà mọi người dành cho các kỹ sư công nghệ, cách ăn mặc thông minh của Jensen Huang khiến mọi người định nghĩa lại phong cách của dân công nghệ. Richard Ford nói: “Nếu Jensen Huang mặc vest, hoặc thậm chí là áo polo hoặc quần kaki… thì ông trông giống một CEO bậc trung đơn điệu tầm thường và cứng nhắc".
Khi hỏi ChatGPT: “Tại sao Jensen Huang luôn mặc cùng một bộ đồ da màu đen?” ChatGPT đã đưa ra 4 câu trả lời, trong đó có: “Đồ da màu đen sẽ mang đến cho người ta cảm giác tự tin, uy quyền và chuyên nghiệp”.
Đồng thời, chiếc áo khoác da màu đen cũng có thể gắn liền với huyền thoại Steve Jobs của thung lũng Silicon; Richard Ford cho biết: "Steve Jobs là thủ lĩnh tinh thần...đại diện cho một thời đại hoàng kim, thời đại mà mọi thứ đều có thể xảy ra và công nghệ sẽ mang lại sức mạnh tích cực cho thế giới."
The New York Times cho biết chiến lược về phong cách quần áo da đang là “trend”, chẳng hạn như Rosenfeld thường được khách hàng hỏi về quần áo da, "Họ muốn biết liệu họ có thể mặc áo da hay không". Người phát ngôn của Jensen Huang nói, không biết áo da ông mặc nhãn hiệu nào. Rosenfeld suy đoán, "Có lẽ không cùng đẳng cấp với Tom Ford, mặc dù chúng tôi biết ông ấy có đủ khả năng mua nó, có một số cái dường như của Theory".
Hiện tại, có ít nhất bảy nhà bán lẻ trực tuyến đang rao bán cái gọi là "Jensen Huang Leather Jackets” (Áo khoác da Jensen Huang), với giá từ 109 USD đến 149,99 USD/cái.
Theo The New York Times , trên trang web Superstar Jacket , bạn có thể tìm thấy 2 loại "áo khoác da Jensen Huang", đồng thời cũng có "áo khoác da Vin Diesel" trong sê-ri phim "Fast and Furious", và áo khoác da của rapper "Snoop Dogg"
Jensen Huang là CEO duy nhất có chiếc áo khoác bằng da mang tên mình.
Theo CNA