CEO “lò luyện code siêu tốc” kể chuyện đưa hàng ngàn người Việt thất nghiệp, trái ngành trở thành lập trình viên

Chia sẻ Facebook
23/07/2022 12:44:01

“Bạn có thể thỉnh thoảng thấy người tốt nghiệp ngành sư phạm, kinh tế, xây dựng… không có việc, là bình thường. Nhưng lập trình viên làm được việc mà thất nghiệp thì không có đâu” - CEO CodeGym chia sẻ.


CodeGym là hệ thống đào tạo lập trình được sáng lập bởi anh Nguyễn Khắc Nhật và các co-Founder. CodeGym là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương pháp đào tạo Coding Bootcamp (trại huấn luyện lập trình) - mô hình cung cấp nhân lực công nghệ thông tin siêu tốc, chất lượng cho doanh nghiệp, được Ngân hàng Thế giới và Liên minh Viễn thông Quốc tế khuyến nghị, hỗ trợ áp dụng để phát triển nghề nghiệp cho lao động trẻ tại các nước. CodeGym đang cung cấp 1.000 nhân sự IT cho Việt Nam và quốc tế mỗi năm.

Cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Khắc Nhật diễn ra tại một quán cà phê tòa nhà đặt văn phòng CodeGym, chứ không phải tại văn phòng, vì lúc 8 giờ 30 thường tắc thang máy. Ngày thường khi không có hẹn, anh Nhật, CEO CodeGym sẽ đi thang bộ lên tầng 11.

Khi tìm hiểu về CodeGym cho buổi phỏng vấn này, điều khiến tôi chú ý là câu chuyện về những người vốn ở ngành khác, hay đang thất nghiệp, hoàn toàn không có kiến thức hay kinh nghiệm lập trình trước đó, mà chỉ sau 6 tháng học là có thể làm việc trong ngành công nghệ thông tin. Có ai nói với anh là điều này nghe rất khó tin chưa (cười)?

Ban đầu cũng nhiều người không tin mô hình của CodeGym, cho rằng tôi lừa đảo (cười). Nhưng phải hiểu một cách rõ ràng, 6 tháng học xong có việc là hệ quả của rất nhiều điều kiện khác nhau.

Thứ nhất, từ xưa đến nay, những người gặp khó khăn trong nghề nghiệp luôn tồn tại: những người bỏ đại học từ năm hai, năm ba, hay làm việc trong các ngành nghề khác nhưng không thể phát triển. Chẳng hạn đi làm công nhân thì 3 năm, 5 năm hay 7 năm vẫn thế, đi xuất khẩu lao động hết hạn về nước cũng không có tay nghề gì, chẳng biết làm gì tiếp theo… Lực lượng này xưa nay vẫn có.

Còn điều kiện thứ ba, chính là môi trường đặc biệt do CodeGym tạo ra. Cũng là thực trạng ấy, cũng là con người ấy, nhưng không gặp môi trường như CodeGym thì không có câu chuyện chuyển ngành như vậy.

Đào tạo trong ngành công nghệ thông tin có khá nhiều lựa chọn khác nhau. Rất nhiều trung tâm hiện nay đào tạo thêm cho sinh viên. Ví dụ như sinh viên vẫn đi học ngành khác, còn trung tâm đào tạo ngoài giờ học, mỗi ngày 2 - 3 tiếng, mỗi tuần 3 - 4 buổi. Tổng thời gian được khoảng 9 tiếng - 12 tiếng tuỳ từng nơi. Họ đào tạo thêm và mục đích của đào tạo thêm là thu học phí, theo giờ. Đào tạo nhiều thì thu tiền nhiều. Chúng tôi không lựa chọn hướng đó.

CodeGym lựa chọn mục tiêu là đầu ra. Không quan trọng là bao nhiêu lâu, quan trọng là đào tạo xong thì người học phải có năng lực, thế thôi. Vào CodeGym thì không học kiểu lắt nhắt, học thêm nữa, mà phải học rất tập trung, bỏ hết việc khác đi, thậm chí là không nên làm thêm để kiếm tiềntrong thời gian học ở CodeGym. Làm thêm về động lực thì tốt, nhưng hiệu quả học tập thì kém, nếu như làm thêm những ngành không liên quan đến ngành học, đó là góc nhìn ngắn hạn.

CodeGym khuyến khích người học tập trung 100%, thậm chí không yêu đương, nhậu nhẹt (cười), bước vào CodeGym cũng như vào hang động "tu luyện" vậy. Đó cũng là điều kiện đầu vào giúp lọc được rất nhiều người không thực sự có nhu cầu hoặc chưa đủ quyết tâm.

Đối với người chuyển nghề, nếu không vừa làm vừa kiếm tiền, thì phải chăng phải chuẩn bị trước một khoản chi phí rất lớn, không chỉ cho học phí mà còn cho việc vừa học vừa không đi làm?

Tổng chi phí khi đi học ở CodeGym vẫn thấp hơn nhiều lựa chọn khác, nếu tính toán kỹ. Mọi người thường chỉ nghĩ đến học phí mà không tính đến các chi phí khác, chẳng hạn như chi phí sinh hoạt. Sinh viên đi học 20 triệu mỗi kỳ, nhưng nếu tính cả chi phí sinh hoạt 3-4 triệu mỗi tháng nữa thì đi học 4 năm phải mất đến hơn trăm triệu sinh hoạt phí. Trong khi CodeGym học 6 tháng thì chi phí sinh hoạt chỉ mất 6 tháng, tức là chỉ tốn 6 tháng sinh hoạt phí thôi và đến tháng thứ 7, cùng lắm là tháng thứ 8 đã đi làm để bắt đầu hoàn vốn rồi.

Trường hợp xấu nhất là không học được và bỏ ngang, thì chúng tôi hoàn lại học phí, vậy là không mất tiền học mà chỉ mất sinh hoạt phí vài tháng thôi (cười).

Nếu ai hiểu được câu chuyện đó thì sẽ siêu ủng hộ chúng tôi. Còn ai không hiểu thì chỉ thấy học 10 triệu một tháng là đắt thôi.

Anh từng nói CodeGym là tutor (người hướng dẫn) không hơn không kém. Tại sao lại nói vậy?

Nếu hiểu sơ sơ câu nói đó thì có thể hiểu nhầm đấy (cười).

Công việc đào tạo của CodeGym có 3 khâu: đầu vào, đào tạo và đầu ra. Đầu ra thì gần như không phải lo vì ngành công nghệ thông tin rất thiếu nhân lực, ai làm được việc thì kiểu gì cũng có việc. Đầu vào thì cũng vô biên, vì có quá nhiều thanh niên thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề, hay chưa có năng lực làm những công việc có giá trị gia tăng cao.

Thế thì quan trọng nhất là khâu ở giữa thôi – làm sao để một người từ con số 0 làm được việc trong ngành công nghệ thông tin?

Đó chính là điều chúng tôi làm - một giải pháp đào tạo, chứ không phải một chương trình đào tạo, vì nói đến chương trình thì rất hạn hẹp, chỉ bao hàm một vài đề cương, giáo trình. Giải pháp đào tạo bao gồm rất nhiều khía cạnh trong đó.

Trong các giải pháp này, đứng từ góc nhìn học viên, họ chỉ thấy một thứ duy nhất, là các trải nghiệm. Trong giải pháp đào tạo ấy có rất nhiều trải nghiệm khác nhau, học viên đi qua từng trải nghiệm một, mỗi trải nghiệm giúp họ tăng trưởng một chút về mặt năng lực. Và ví dụ có 1.000 trải nghiệm thì khi đi hết 1.000 trải nghiệm đó, năng lực của họ sẽ đáp ứng được nhu cầu việc làm. Nhiệm vụ của CodeGym là thiết kế được trải nghiệm đó, để học viên tự thực hiện.

Nói đến việc học phải nói đến hiệu quả của việc học, chứ không phải việc mình đã dạy được gì. Có rất nhiều nơi chỉ dạy cho hết giáo án, và đo xem người dạy có hoàn thành được giáo án hay không. Đo thế thì không chuẩn lắm, mà phải đo năng lực của học trò, học xong có tăng trưởng được về mặt năng lực hay không. Ở CodeGym, năng lực cuối buổi chiều phải tăng so với buổi sáng, cuối tuần năng lực phải tốt hơn đầu tuần, chứ không phải đo xem học viên có đi học hay không. Chúng tôi thiết kế chương trình để có thể đo lường được việc đó.

Thời tôi đi học, thầy cô hay được tri ân với hình ảnh người lái đò. Hình ảnh đó rất đẹp, rất nên thơ, nhưng không hợp lý lắm về mặt đào tạo. Học trò bước lên đò, rồi không làm gì, người lái đò làm hết, đưa đến bến này bờ kia.

Vì thế, khi nói CodeGym là tutor, tôi so sánh CodeGym như một con đường. Trên con đường ấy có rất nhiều trải nghiệm, nhưng người đi phải là học viên, chứ không ai đi hộ được cả. Người dạy sẽ là người tổ chức, tạo động lực, cung cấp tài nguyên, còn đi hay không, đi nhanh hay đi chậm là do người học. Vai trò của CodeGym là làm thế nào tạo ra con đường thuận lợi nhất có thể, để người học đi đến đích. Đường mòn mà quyết đi thì vẫn phải đi, còn quyết không đi thì có là quốc lộ, cao tốc cũng không ai ‘ủn’ đi được hết (cười lớn).

Với giải pháp đào tạo được thiết kế tỉ mỉ, những năng lực trước đây phải mất một ngày học mới đạt được, thì giờ chỉ mất khoảng 30 phút - 1 tiếng. Ứng dụng công nghệ sẽ giúp tăng hiệu quả, và thậm chí là năng suất lên. Chúng tôi tiết kiệm từng phút một để rút ngắn quá trình học, chứ không phải tự nhiên có thể học 6 tháng mà học được đâu.

Điều anh vừa nói khiến tôi nghĩ đến cái tên CodeGym. Việc luyện tập thể chất cần có huấn luyện viên, nhưng sau cùng không ai có thể tập thay mình được, có phải cái tên CodeGym cũng có hàm ý như thế?

CodeGym có hàm ý giống như slogan ban đầu của chúng tôi, là "Luyện Code như luyện cơ", có nghĩa là làm trong nghề lập trình phải rất tử tế, trau chuốt, rất kỷ luật, bền bỉ chứ không "ăn xổi". Cũng giống như tập Gym, không thể ăn xổi được, mà cần một sự bền bỉ rất lớn về mặt tinh thần, chứ không chỉ về thể chất.

Nhiều người làm lập trình có lương cao, nghĩ rằng mình tốt rồi, và không luyện tập nữa. Hay nhiều người gia công phần mềm, chỉ quan tâm phần mềm chạy được là được, trong khi mã nguồn là một "đống rác", chẳng có gì đáng tự hào, thì rất đáng phê phán.

"Luyện Code như luyện cơ", nghe rất dễ hiểu, tuy nhiên nghe hơi đường phố, hơi "nhà quê" (cười), nhiều người góp ý thế, nên sau này chúng tôi đổi lại, là Raising the bar - là một trong các tuyên ngôn của cộng đồng Software Craftsmanship – tạm dịch là cộng đồng Nghệ nhân Phần mềm. Tinh thần của những nghệ nhân rất khác so với những người công nhân.

Thời xưa, khởi thuỷ của lập trình là chỉ các nhà khoa học mới làm được. Nhưng sau này, khi ngành này được công nghiệp hoá, hàng chục nghìn các lập trình viên ra đời, thì lập trình viên mới giống như những người công nhân. Sau này, cộng đồng những người muốn tạo ra những phần mềm, những mã nguồn tinh xảo hơn đã tạo ra cộng đồng nghệ nhân phần mềm. Raising the bar - tức là đẩy mọi thứ lên một chút nữa, để vượt giới hạn của nó. Cũng giống như khi tập Gym, người tập luôn cố cải thiện thành tích lên mức cao hơn, từng chút một, so với năng lực hiện có. Nghe ‘sang’ hơn hẳn nhỉ (cười)?


Điều ý nghĩa nhất với anh ở CodeGym là gì?

Ý nghĩa nhất với tôi, là phần lớn mọi người khi đến CodeGym đều như đã tìm thấy được cơ hội thứ hai.

Họ đã bị lỡ cơ hội thứ nhất, có thể do sai lầm của bản thân, cũng có thể do điều kiện khách quan nào đó, khiến họ đánh mất cơ hội đầu tiên để phát triển. Có những người trở nên "bơ vơ, bất vất’’, không biết đi về đâu, làm gì… và vào CodeGym thì như tìm thấy cơ hội thứ hai. Đó đều là những người rất nỗ lực, sau này vào doanh nghiệp thì được đánh giá rất cao.

Những người như thế, sau khi tốt nghiệp đi làm đều rất có tình cảm với CodeGym. Đó chính là mà đội ngũ CodeGym rất tự hào, vì điều mình làm thực sự mang lại giá trị.

Những buổi lễ tốt nghiệp của CodeGym, có mặt những phụ huynh đã 50-60 tuổi, cảm xúc ghê gớm. Con cái những người này đã 30 tuổi nhưng vẫn còn "bơ vơ", làm vài ba chỗ nhưng vẫn không định hướng trong sự nghiệp cho đến khi gặp CodeGym. Chỉ sau nửa năm, cuộc đời những người con ấy đã hoàn toàn thay đổi. Không có gì tuyệt vời hơn thế.

Nếu không gặp CodeGym, 3 năm nữa họ vẫn thế, 5 năm nữa cũng vẫn thế và cuộc đời không khéo còn đi xuống. Tốt nghiệp CodeGym, họ đi làm trong môi trường rất văn minh, với những người đồng nghiệp rất văn minh, thậm chí tìm được bạn đời trong môi trường đó. Không chỉ thay đổi bản thân họ mà còn là cả gia đình tương lai của họ, con cái họ, xoá tan nỗi lo của phụ huynh của họ. Với tôi đó là điều rất rất có ý nghĩa.

Tôi quan niệm, ai cũng bắt đầu từ con số 0, chỉ khác nhau là từ lúc nào. Có người bắt đầu từ con số 0 năm 18 tuổi, cũng có người bắt đầu năm 30 tuổi. Bao nhiêu tuổi thì ta cũng có thể bắt đầu một nghề nghiệp, một công việc nào đó. Và về mặt năng lực, ở lứa tuổi nào cũng có thể phát triển chứ không nhất thiết là phải trẻ mới học được.

Học viên lớn tuổi nhất của CodeGym là một nữ nhân viên hàng không đã 39 tuổi, công việc của bạn ấy bị ảnh hưởng vì Covid-19, rảnh nên đi học, giờ thì chuyển hẳn sang làm lập trình rồi.

CodeGym cũng có những học viên rất trẻ, thậm chí có những bạn không học đại học mà vào thẳng CodeGym. Tôi đọc được một bình luận trên trang cá nhân của anh về trường hợp một học viên CodeGym không học đại học, 20 tuổi có 2 năm kinh nghiệm về lập trình, rằng "nếu thế chỉ mãi làm thợ". Anh nghĩ sao với những suy nghĩ như thế?

Có lẽ đó là bình luận của một người nào đó chưa có hiểu biết về CodeGym mà thôi. Tôi sẽ quan tâm với những bình luận từ những người có đủ hiểu biết về lĩnh vực này, còn các ‘anh hùng bàn phím thì’ bỏ qua.

Phát triển hay không thì còn phụ thuộc nhiều vào cá nhân từng người nữa chứ không chỉ phụ thuộc vào môi trường, cho dù đó là môi trường học tập hay môi trường làm việc. Môi trường học tập có ảnh hưởng lớn ở giai đoạn đầu của người đi làm, nhưng ở những giai đoạn về sau thì yếu tố quyết tâm của các cá nhân và môi trường làm việc mới quyết định đến sự tiến bộ của người đó. Nếu lười học thì dù cho vào một môi trường rất tốt cũng không thể phát triển được. Mang thời gian 6 tháng ra và nói rằng chỉ mãi làm thợ, không phát triển được thì đó là một đánh giá thiên kiến.

Tôi hay nói với học viên, hoàn thành quá trình học ở CodeGym thì không có nghĩa các bạn hoàn thành việc học, không phải hoàn thành chặng đường phát triển, mà chỉ là bước qua một cánh cổng.

Bước qua cánh cổng đó, có rất nhiều con đường ở phía trước và đi tiếp là công việc của mỗi người. Phát triển hay không, không phụ thuộc vào việc học 6 tháng hay 4 năm, mà phụ thuộc vào nhu cầu phát triển của người học. Quan trọng là họ có muốn học không, có biết cách học không.

Có những người, đi học 4 năm mà vẫn không biết cách học, thì không ổn. Ngay từ đầu, CodeGym dạy cách học, cách đọc, cách ghi chép, cách lập kế hoạch hàng ngày, cách báo cáo… và quan trọng nhất là cách tự đánh giá năng lực bản thân, chính là năng lực tự nhận thức. Không tự nhận thức được năng lực thì gọi gì là đi học nữa? Chúng tôi trang bị năng lượng, tinh thần và năng lực đủ để họ có thể học tiếp được, phát triển tiếp được, đó mới là điều quan trọng.

Có việc làm sớm không có nghĩa là không học nữa, mà là bắt đầu một quá trình học mới, là học trong công việc. Học trong công việc thì thuận lợi hơn rất nhiều so với học trong nhà trường. 4 năm học đại học có thể tăng trưởng rất chậm nhưng chỉ cần 6 tháng làm việc trong doanh nghiệp thì các bạn có thể học được rất nhiều thứ, rất sát sườn và hữu ích. Và nếu năng lực tự học tốt thì trong 6 tháng đó còn tiến bộ nhanh hơn nữa.

Cũng cần nói thêm, 6 tháng học toàn thời gian ở CodeGym thì tương đương với 2 năm học ở các mô hình truyền thống. Bởi vì học viên học 8 giờ mỗi ngày, liên tục như vậy thì tổng thời gian học tích lũy được là rất lớn.

Ngoài CEO CodeGym, anh cũng được biết đến với vai trò là co-Founder của Agilead Global - startup được mô tả là "tổ hợp công nghệ giáo dục và đào tạo, tiên phong trong việc nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo cho cá nhân và doanh nghiệp Việt". Câu chuyện nâng cao năng suất lao động cho người Việt chắc chắn là câu chuyện lớn, điều mà anh và các co-Founder đang làm để thực hiện điều đó là gì?

Nói ra thì có vẻ to tát, nhưng thực ra chỉ cần mỗi người tăng năng suất lao động một chút, là năng suất lao động của cả nước sẽ tăng lên thôi.

Chúng ta vẫn nghe báo chí nói nhiều việc câu chuyện năng suất lao động của Việt Nam là thấp hơn bao nhiêu lần so với Singapore, so với Nhật Bản…đây không phải chỉ là câu chuyện vĩ mô mà nó còn là câu chuyện của từng người.

Ví dụ một lập trình viên bình thường một tháng làm được 10 chức năng, giờ nâng lên thành 11 chức năng/tháng mà vẫn đảm bảo chất lượng, hay với một người quản lý, trước đây quản lý được 5 người thì giờ quản lý được 6 người và công việc vẫn mượt mà, chỉ đơn giản như vậy thì năng suất lao động đã tăng lên.

Chúng tôi chẳng có gì ngoài việc đọc rất nhiều, học rất nhiều và có rất nhiều các tri thức, biết cách áp dụng các tri thức đó vào cuộc sống thì sẽ nâng cao được năng suất lao động.

Vào năm 2015 - 2016 khóa học đầu tiên của chúng tôi là khóa học về quản lý công việc, cho một nhân viên bình thường, để họ đi làm thì phải có kế hoạch, phải biết hôm nay làm gì, ngày mai làm gì, ưu tiên việc gì trước, làm thế nào để nâng cao hiệu quả công việc… Đó đúng ra là việc nhân viên nào cũng phải biết, nhưng ở Việt Nam nhiều người lại không biết việc đó, sếp bảo gì thì làm nấy. Điều xảy ra trong hầu hết tất cả các lĩnh vực, là mọi người đi làm dựa trên kinh nghiệm chứ không có sự cải thiện về năng lực chuyên môn, lãng phí rất nhiều thời gian.


Chúng tôi dạy những kỹ năng làm việc đó thôi. Nghĩ lớn và làm từng chút một. Nghĩ lớn không có nghĩa là phải làm được ngay trong 2-3 năm, mà là tầm nhìn công việc cho cả đời. Tôi nghĩ đó là suy nghĩ của những người ở tầm tuổi tôi, biết sức mình ở đâu và con đường phía trước khó khăn thế nào.

Anh nói làm giáo dục việc đầu tiên phải có triết lý đào tạo chứ không phải bắt đầu từ những thứ cụ thể. Vì sao lại như vậy, nếu chưa làm thử thì sao biết được triết lý đó là đúng?

Triết lý phải do những Thinker, những Guru, lão làng trong một lĩnh vực nào đó nghĩ ra, họ chiêm nghiệm, đúc kết rồi truyền bá, chứ không phải do những kẻ tay ngang viết lung tung mà có, chắc chắn là vậy. Muốn có triết lý thì phải đi theo những người đó.

Hơn nữa, triết lý chỉ là việc lựa chọn quan điểm, chứ không có đúng – sai. Đúng hay sai dựa trên việc mình đánh giá dựa trên điều gì. Có nhiều nơi đánh giá dựa trên thực tiễn, nhưng cũng có nhiều người không đánh giá dựa trên thực tiễn, mà dựa trên các thang đo khác.

Theo góc nhìn của tôi, triết lý là lựa chọn cách làm. Lựa chọn triết lý thế nào thì cách làm sẽ tương ứng như thế. Lựa chọn khác nhau sẽ dẫn đến phương pháp khác nhau và kết quả hoàn toàn khác nhau. Đúng hay sai thì phải rất lâu mới biết được.

Trong quản trị doanh nghiệp, quan điểm khác thì văn hóa doanh nghiệp sẽ khác, cách lập kế hoạch khác, cách giao tiếp khác và quan hệ giữa sếp và nhân viên cũng rất khác, và đó là do ảnh hưởng của triết lý đến xây dựng doanh nghiệp. Trong đào tạo cũng vậy.

Đối với chúng tôi thì quan điểm chủ đạo là khai phóng. Quan điểm đó, nếu tự đánh giá thì chúng tôi mới triển khai được 4 - 5 điểm chứ chưa được 6 - 7 điểm đâu (cười). Nếu không có quan điểm, mà cứ có kinh nghiệm gì thì làm cái đó, không có hệ thống, định hướng, tầm nhìn cụ thể thì chỉ là đi lung tung và cóp nhặt.


Triết lý sống của cá nhân anh thì sao?

Với cá nhân tôi thì triết lý quan trọng nhất là sự tử tế. Và rất may mắn, những thành viên của cả CodeGym và Agiead Global đều chia sẻ chung với nhau giá trị này. Do đó, sự tử tế đều đã được đưa vào bộ triết lí và giá trị cốt lõi của cả hai công ty.

Khi xây dựng bộ Core Value (giá trị cốt lõi) của CodeGym, tôi có yêu cầu các co-Founder viết ra những giá trị mà mình coi trọng nhất, thì cả 6 người đều đề cập đến sự tử tế.

Trong kinh doanh, người ta có thể thắng trong một hợp đồng, có thể thành công trong một chiến lược, nhưng tất cả những thứ đó chỉ là ngắn hạn, cái dài hạn là cuộc đời của mình, là 50-70 năm, thắng hay không là sau này mình để lại được gì, và để lại sự tử tế thì không bao giờ sai được.


Sự tử tế kỳ diệu lắm, ở chỗ nó khiến việc ra quyết định rất dễ, trong rất nhiều tình huống. Chỉ cần nghĩ đến sự tử tế là ta biết phải làm gì ngay.

Một ví dụ đơn giản, là việc có nên trả lại học phí cho học viên nào đó bỏ ngang việc học hay không. Kinh doanh mà, học phí một học viên những vài chục triệu, phải cân nhắc kỹ chứ, có thể thực sự là lỗi do học viên đó. Nhưng nếu nghĩ đến sự tử tế, thì CodeGym ra quyết định được ngay.

Làm việc tử tế thì không sợ sai, nếu chẳng may sai chỉ mình thiệt thôi, chứ người khác không thiệt, thì không sợ gây ra nghiệp (cười).


Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Bài: Thái Trang Thiết kế: Hải An Theo Trí Thức Trẻ 23/7/2022

Bài: Thái Trang Thiết kế: Hải An

Chia sẻ Facebook