CEO GMD Nguyễn Thanh Bình: Hoạt động cảng biển chưa đạt đỉnh và còn tiếp tục tăng
Đây là đánh giá của ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng giám đốc CTCP Gemadept (HOSE: GMD) tại buổi gặp gỡ giới phân tích diễn ra vào chiều 29/09 với chủ đề “Tiềm năng ngành cảng biển Việt Nam và lợi thế của Gemadept”.
CEO GMD Nguyễn Thanh Bình: Hoạt động cảng biển chưa đạt đỉnh và còn tiếp tục tăng
Theo ông Nguyễn Thanh Bình , giá cước vận tải biển đã qua đỉnh và hoạt động vận tải biển đã bắt đầu trở lại trạng thái bình thường trước dịch. Trong ngắn hạn, hoạt động cảng biển sẽ có sụt giảm và gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.
Điều này sẽ tác động đến lợi nhuận của Công ty vận tải biển giảm từ từ và quay lại mức bình thường sau 2 năm đạt kết quả đột biến. Tuy nhiên, hoạt động cảng chưa đạt đỉnh và vẫn sẽ còn tăng trưởng.
Cụ thể, ông Bình dự báo trong quý 4/2022, sẽ là giai đoạn khó khăn với các cảng biển về hàng hóa vì tình trạng suy thoái toàn cầu. Áp lực về tài chính, nhu cầu về hàng hóa tại các thị trường chính như châu Âu, Mỹ đang giảm sút cũng là một trong những vấn đề có thể tạo nên khó khăn cho tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Dù vậy, với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, các hiệp định thương mại đã ký, sản lượng hàng hóa qua cảng sẽ còn tăng trưởng và chưa đạt đỉnh.
“Việt Nam đang đối mặt với sự tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, xuất nhập khẩu và cảng biển là nơi cần phải xử lý tốt. Cảng biển là tài sản cần thời gian đầu tư lâu, thường phải đi trước đón đầu, đi trước tốc độ tăng trưởng. Quy hoạch về cảng biển hiện nay đủ để đáp ứng nhu cầu về xuất nhập khẩu, song cầu lưu ý thực hiện quy hoạch đúng tiến độ so với kế hoạch đã đặt ra”, CEO GMD chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình , trong giai đoạn tới, GMD sẽ triển khai mạnh các dự án đầu tư hạ tầng sau cảng và dịch vụ logistics và ICD khu vực phía Nam quy mô khoảng 10 ha và vốn đầu tư 1,200 tỷ đồng.
Ngoài ra, GMD sẽ thoái vốn các khoản đầu tư không thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để tạo dòng tiền đầu tư đầu tư cảng biển, cảng hàng hóa hàng không, cảng thủy nội địa, trung tâm logistics, khu công nghiệp…
Cụ thể, Gemalink – giai đoạn 2 (Bà Rịa Vũng Tàu) đang trong quá trình hoàn thiện giấy phép xây dựng, kỳ vọng hoàn thành trong năm nay và có thể khởi công trong nửa đầu năm sau.
Dự án có công suất 1.5 triệu TEU, vốn đầu tư 300 triệu USD . Công ty này kỳ vọng gia tăng mạnh mẽ vị thế của Gemalink (thuộc khu vực cảng Cái Mép) như một trung tâm trung chuyển quan trọng của khu vực.
Cùng với đó, Công ty đang thúc đẩy đầu tư dự án Nam Đình Vũ - giai đoạn 2 (Hải Phòng) để đưa vào hoạt động từ quý 1/2023. Dự án được khởi công từ năm 2021, vốn đầu tư 75 triệu USD , quy mô 600,000 TEU.
Khi giai đoạn 2 của Nam Đình Vũ và Gemalink cùng đi vào hoạt động, năng lực khai thác cảng của Công ty sẽ được nâng lên gấp đôi - là mức tăng ấn tượng trong thời gian tới.
Giữ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 25% mỗi năm giai đoạn 2020 - 2025
Chia sẻ về tình hình kinh doanh, bà Bùi Thị Thu Hương - Giám đốc Tài chính GMD cho biết Công ty đã thực hiện vượt kế hoạch với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 57% so với 2020.
Dù có những lo ngại sụt giảm trong quý 4/2022 nhưng xét chung cả năm, GMD tự tin hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1,200 tỷ đồng dựa trên kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khả quan. Công ty có thể hoàn thành sớm mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 là gấp 3 lần 2020.
Do đó, GMD vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 25% mỗi năm giai đoạn 2020-2025. Động lực đến từ việc gia tăng sản lượng container thông qua hệ thống cảng Gamedept, dự kiến gấp 3 lần 2020 đạt 5.9 triệu TEU.
Mới đây, GMD thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 12%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cp sẽ được nhận 1,200 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 07/10.
Với hơn 300 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính GMD sẽ phải chi tương ứng hơn 360 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 25/10/2022.
Thế Mạnh