CEO Dh Foods: Mình nghĩ các bạn trẻ đều sợ kiểu công ty gia đình
Trong tập 3 – Cơ Hội Cho Ai tuần rồi có một chủ đề tranh biện khá hay "Bạn có ủng hộ văn hóa coi công ty như một gia đình?" nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các sếp, ứng viên và khán giả.
Theo Ông Nguyễn Trung Dũng - CEO Dh Foods, có 2 khái niệm khá dễ nhầm lẫn là công ty gia đình và văn hóa xem công ty là một gia đình.
Theo ông, công ty gia đình do một người trong gia đình sáng lập và quản lý, các vị trí lãnh đạo hoặc quản lý chủ chốt đều là người trong gia đình hoặc họ hàng - cụ thể ở đây có thể là anh em ruột hoặc anh em họ.
Theo đó, người ngoài thường khó phát triển lên các vị trí cao trong loại công ty này. Hồi xưa, ông cha ta hay bảo "một người làm quan, cả họ được nhờ", đã gần như đúc kết đúng tinh thần của kiểu công ty do gia đình trị này.
CEO Dh Foods chia sẻ, trước đây khi khởi nghiệp ở Ba Lan, ông còn trẻ và thiếu kiến thức cùng kinh nghiệm quản trị, hiểu biết về xây dựng văn hóa công ty còn hạn chế, ông cũng từng ưu tiên tuyển dụng người nhà. Tất nhiên, khi họ hàng vào công ty làm việc, ta thường đặt để họ vào những vị trí quan trọng, chứ không thể làng nhàng.
"Nhưng rồi, tôi dần nhận ra năng lực của họ không phù hợp với vị trí hay nhiệm vụ mà họ phải đảm nhận. Hơn nữa, họ cũng không trung thành với công ty như những nhân sự khác mà mình tuyển bên ngoài. Điều này thoạt nghe khá vô lý, nhưng đó chính là những gì tôi từng trải nghiệm" – Ông Dũng bộc bạch.
Mặt khác, khi mời anh em họ hàng đến làm việc dễ dàng bao nhiêu, thì sa thải họ khó khăn bấy nhiêu. Cũng không hẳn là người thân của mình yêu sách gì, chỉ là bản thân mình cảm thấy khó mở miệng để nói về vấn đề nghỉ việc hay giải thích vì sao công ty có quyết định này. Nếu giải quyết không khéo, có khi phải từ mặt luôn bà con họ hàng.
Vậy nên, tôi nghĩ quan điểm "một giọt máu đào hơn ao nước lã" áp dụng trong quản trị nhân sự không còn phù hợp nữa, vị CEO kết luận.
Ông Dũng cho rằng, các bạn trẻ đều sợ kiểu công ty gia đình nhưng sẽ thích được làm việc trong môi trường thân thiện, mọi người giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ niềm vui và cả những khó khăn. Đó cũng có thể coi là văn hóa xem công ty là một gia đình. Gia đình là nơi khiến mọi người cảm thấy dễ chịu và được là chính mình. Nếu công ty khiến mọi người vui vẻ thoải mái khi đến làm việc hàng ngày, thì công ty cũng chính là gia đình.
Công ty nên như đội bóng hay như gia đình, điều đó không quá quan trọng. Bởi chẳng có văn hóa nào là hoàn hảo, văn hóa công ty theo kiểu đội bóng hay gia đình đều có cái hay cái dở riêng. Văn hóa nào, môi trường nào mà nhân viên cảm thấy vui khi đi làm, đó mới là điều quan trọng nhất! Vậy nên, tại Dh Foods , ông luôn cố tạo ra không khí làm việc thân thiết và tích cực để mọi người ở tất cả bộ phận có thể dễ dàng tương tác với nhau, cùng nhau phấn đầu vì mục tiêu chung của công ty.
Đã có nhiều lần chia sẻ trước đó, CEO Nguyễn Trung Dũng được biết đến là vị sếp "không KPI". Ông thường không giao KPI cụ thể cho từng nhân viên, mà muốn hỗ trợ họ có điều kiện thể hiện hết khả năng của mình. Chỉ nhân viên tiến bộ thì công ty mới tiến bộ và sự nâng cấp của nhân viên không đến từ KPI mà từ rất nhiều khía cạnh khác. Mỗi KPI là không đủ!
Việc chia sẻ quyền lợi với nhân viên khi công ty làm ăn tốt – như thưởng tiền cùng cổ phiếu, cũng thể hiện rằng Dh Foods là một gia đình, "có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia". Tìm chồng cho nhân viên không phải là trách nhiệm của CEO của một công ty, nhưng là trách nhiệm của một người lãnh đạo gia đình.
Ủng hộ văn hóa xem công ty như gia đình nhưng vị CEO cũng khẳng định quan trọng nhất là sự phù hợp và hiệu quả. Văn hóa xem công ty là một gia đình phù hợp với bản thân công ty ông, ngành hàng gia vị và với những người mà Dh Foods đang có, khiến công ty phát triển tốt; nhưng chưa chắc nó phù hợp với ông A hay công ty quy mô lớn như Tập đoàn đa ngành.
"Tôi có một đội bóng nghiệp dư - toàn là bạn bè đá bóng với nhau mỗi tuần 2 lần. Khi tất cả đều không bị áp lực sẽ bị đào thải, thay thế hay phải thắng bằng mọi giá thì mọi người đều chơi bóng, chỉ đơn giản là cảm giác có bóng ở chân, chơi một trận đấu và tận hưởng từng khoảnh khắc.
Con người chỉ có bao nhiêu đó năm cuộc đời thôi, hãy sống sao để mỗi ngày đều vui vẻ. Điều này quan trọng nhất, vì nếu mất đi rồi thì tất cả của cải không còn ý nghĩa gì nữa!", ông Dũng chia sẻ.