CEO 30 tuổi xây dựng công ty triệu USD sau 2 lần khởi nghiệp thất bại
Sae Hyung-jung khởi nghiệp từ năm 18 tuổi nhưng sau đó đã 2 lần thất bại.
Sae Hyung-jung nhớ lại khoảng thời gian khi phải lo lắng không đủ tiền mua bữa ăn tiếp theo. Khi đó, Sae 20 tuổi và vừa thành lập một công ty trí tuệ nhân tạo (AI) giúp sinh viên cải thiện điểm thi đại học – tuy nhiên công ty làm ăn thua lỗ. Sae chia sẻ: “Tôi đã mắc quá nhiều nợ và thậm chí phải dùng thẻ tín dụng để trả lương cho nhân viên”.
Mười năm sau, cuộc đời của doanh nhân trẻ đã bước sang một con đường hoàn toàn khác. Anh hiện là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của oVice, một nền tảng văn phòng trực tuyến giúp các nhóm làm việc từ xa có cảm giác như đang ở công ty. Nền tảng này cho phép các đồng nghiệp giao tiếp với nhau kể cả không phải trong những cuộc "họp nghiêm túc". Công ty có trụ sở chính tại Nhật Bản, nơi Sae, người Hàn Quốc, đang sinh sống.
Cuối tháng trước, oVice đã huy động được 32 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do một nhóm các nhà đầu tư từ Nhật Bản và nước ngoài dẫn đầu. Vòng gọi vốn mới nhất đã nâng tổng số tiền huy động được của oVice lên 45 triệu USD. Theo Sae, công ty đạt mức 6 triệu USD doanh thu định kỳ hàng năm.
Hãy xem cách doanh nhân trẻ đã học được gì từ những thất bại của mình và làm thế nào để một công ty khởi nghiệp mới thành công.
Khả năng thích ứng là chìa khóa
Sae thừa nhận, vấn đề lớn nhất khiến công ty khởi nghiệp AI gặp thất bại là do anh không “tìm được thị trường”.
“Nền tảng AI của tôi chuyên về một kỳ thi mà sinh viên nước ngoài cần phải thực hiện để đến Nhật Bản”, anh chia sẻ khi đề cập đến Kỳ thi tuyển sinh đại học Nhật Bản dành cho sinh viên quốc tế (EJU).
Sae, du học tại Nhật Bản vào năm 2017, đã phải dự một kỳ thi tương tự và rất vất vả để ôn thi.
“Không có nhiều sách để học cho EJU ... Tôi đã thu thập các câu hỏi từ các kỳ thi đại học Nhật Bản và tạo ra một AI phát triển các câu hỏi để cải thiện điểm số của học sinh”, anh cho biết. “Nhưng vào thời điểm đó, chỉ có 1.000 người tham gia kỳ thi này mỗi năm, vì vậy thị trường thật sự là quá nhỏ hẹp".
Các nhà đầu tư cho biết để được rót vốn, Sae cần mở rộng thị trường. Nhưng Sae đã rất cứng đầu: “Tôi đã từ chối. Tôi muốn tự mình giải quyết vấn đề này.”
Tuy nhiên, bất chấp quyết tâm của Sae, nền tảng đã phải vật lộn để tồn tại và như Sae nói một cách đơn giản - “nó đã thất bại.” “Tôi đã rất ám ảnh về việc giữ cho công ty hoạt động vì đó là sản phẩm của riêng tôi”.
Cuối cùng, Sae đã phải bán đi công ty. Số tiền nhận về đủ để anh trả hết nợ nần và làm lại từ đầu – điều mà anh rất mong muốn. Sae đã không bỏ cuộc - bởi vì khởi nghiệp là một “cuộc hành trình liên tục”, anh nói. Hơn nữa, đó không phải là lần đầu tiên anh nếm trải thất bại.
Năm 18 tuổi, chàng trai này bắt đầu kinh doanh môi giới thương mại kết nối các công ty với nguồn cung cấp và nhà phân phối ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng sau một năm, Sae phải đóng cửa.
“Năm 2011, có một trận động đất lớn ở Nhật Bản. Thật là điên rồ ... khách hàng của tôi ở Hàn Quốc nhập khẩu sản phẩm từ Nhật Bản, giá đã tăng gấp đôi". Nhận thấy công việc kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, Sae quyết định đóng cửa và thay vào đó theo đuổi bằng đại học ở Nhật Bản.
Qua những trải nghiệm của bản thân, anh nhận ra rằng khả năng thích ứng là yếu tố quan trọng trong khởi nghiệp. “Nếu nó không hiệu quả, không sao cả. Tôi sẽ bắt đầu một việc khác. Nếu bạn linh hoạt, bạn sẽ có khả năng thành công hơn".
Thêm một ý tưởng khởi nghiệp mới
Trong suốt quá trình học đại học và sau đại học, Sae đã làm công việc là nhà tư vấn về AI và blockchain. Vào tháng 2 năm 2020, vì lý do công việc, Sae đã đến Tunisia - cách Italy khoảng 925 km. Vào thời điểm đó, đại dịch Covid-19 đang lan nhanh khắp Italy, trở thành tâm điểm của đợt bùng phát virus đầu tiên ở châu Âu .
“Chính phủ Tunisia thông báo chúng tôi cần phải rời khỏi nơi đây vào ngày hôm sau do lệnh phong toả tuy nhiên các chuyến bay đến Nhật Bản chỉ có một lần/ngày và điều này là không thể”, Sae nói.
Bị mắc kẹt ở Tunisia, Sae phải làm việc từ xa, cùng với các đồng nghiệp ở Nhật Bản cũng đang làm việc tại nhà. Nhưng anh nhanh chóng chán nản với việc này vì có rất ít sự kết nối giữa các nhân viên.
“Khi làm việc tại văn phòng, tôi có thể yêu cầu cập nhật dự án và nhanh chóng tìm được điểm nghẽn, hoặc tôi có thể phát hiện ra các vấn đề từ các cuộc trò chuyện tình cờ nghe được”, anh giải thích.
“Nhưng làm công việc từ xa, giao tiếp thông qua Zoom, Slack... không mang lại trải nghiệm tương tự. Cảm giác như mất điện, bạn không còn biết bất cứ điều gì đang xảy ra trong công ty nữa".
Sae quyết định tự mình giải quyết các vấn đề và tái tạo khái niệm chia sẻ không gian của một văn phòng - đưa nó lên mạng. Ví dụ: nền tảng văn phòng ảo của anh cho phép người dùng hoặc ảnh đại diện của họ tiếp cận đồng nghiệp để bắt đầu một cuộc chuyện thông thường - giống như trong một văn phòng thực.
Bạn không muốn bị nghe lén? Bạn có thể “khóa” cuộc trò chuyện hoặc đưa nó đến một phòng họp ảo riêng tư, Sae nói.
Sau hai tuần để xây dựng nguyên mẫu đầu tiên của mình và chia sẻ nó với các đồng nghiệp, Sae đã rất hài lòng với sáng kiến của mình. “Bởi vì tôi rất thích nó, tôi tin rằng những người cảm thấy cần được ở trong một văn phòng cũng sẽ hài lòng".
oVice ra mắt tại Nhật Bản vào tháng 8 năm 2020 và Sae cho biết đã có một lượng lớn các công ty trả tiền cho dịch vụ này khi họ nhận ra đại dịch Covid 19 sẽ không sớm kết thúc. “Các công ty bắt đầu nghĩ về giao tiếp và tương tác với công việc từ xa và oVice đã giúp điều đó".
Phát triển tính năng mới
Công ty mới của Sae đã thành công rực rỡ trong hai năm qua do đại dịch. Nhưng khi các quốc gia trên thế giới nới lỏng các hạn chế và người lao động bắt đầu quay trở lại văn phòng, oVice bắt đầu chuyển trọng tâm sang các công ty thích ứng với cái mà một số người gọi là “bình thường mới” - làm việc kết hợp từ xa và ở văn phòng (hybrid work).
“Nhiều người bây giờ giống như, tôi thích ở văn phòng, nhưng nếu công ty của tôi quyết định đi làm ở văn phòng 100%, tôi sẽ nghỉ việc. Và các công ty đều biết điều đó”, Sae nói thêm. “Vâng, chúng tôi sẽ trở lại văn phòng, nhưng không có nghĩa là làm việc trực tuyến sẽ biến mất".
Sae vẫn tự tin, nền tảng của mình sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi các doanh nghiệp hướng tới việc kết hợp cách thức làm việc hiện tại và như trước đại dịch.
Theo trang web của công ty, oVice hiện có mạng lưới khách hàng hơn 2.200 công ty trên toàn thế giới. “Doanh thu hàng năm của chúng tôi sẽ đạt hơn 10 triệu USD trong năm nay", Sae bổ sung.
Sau khi thành công với công ty khởi nghiệp thứ 3, nhìn lại hai thất bại trước, Sae cho biết:
“Thật là tốt khi trải qua một số thất bại, chúng đã dạy cho tôi những bài học quan trọng. Bây giờ, sau hai lần thất bại, công việc kinh doanh giờ đây đã trở nên dễ dàng hơn đối với tôi”, anh cười nói.