Cây xăng đóng cửa, ĐBQH đặt câu hỏi “vai trò của Quỹ bình ổn ở đâu?”
Các đại biểu kiến nghị đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật của thị trường.
Nên bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu
Chiều 11/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Giá sửa đổi. Tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng, không hiếm gặp hình ảnh các cây xăng đóng cửa, người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua.
"Vậy không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu, liệu có nên duy trì quỹ này nữa hay không?", đại biểu Thịnh đặt câu hỏi.
"Vấn đề này cần được liên Bộ Tài chính , Công Thương cân nhắc một cách thận trọng hơn. Việc quy định lập quỹ bình ổn giá thành một điều luật riêng tại dự thảo Điều 22 là có thể không phù hợp", ông Thịnh đặt vấn đề.
Bày tỏ cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giá, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng trong hoạt động điều hành giá, Nhà nước cần bám sát các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan.
Đối với nội dung về bình ổn giá, đặc biệt là Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho rằng chỉ nên can thiệp vào thị trường ở một vài thời điểm nhất định, cần có sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo ổn định thị trường, đồng thời cũng hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp.
Không đồng tình với việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu An cho rằng “Quỹ bình ổn giá không phải là một biện pháp để bình ổn giá, dự thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng”.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nội dung Quỹ bình ổn giá xăng dầu là “bước đệm” để bình ổn giá xăng dầu, đồng thời đề nghị sử dụng linh hoạt nhiều công cụ khác trong bình ổn giá.
Về vấn đề niêm yết giá, ông An cho rằng, Điều 32 còn quy định chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể, không xác định rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ thuế, chưa thể hiện rõ phương pháp quản lý phù hợp. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính chặt chẽ của dự thảo Luật.
Cần công khai việc sử dụng quỹ bình ổn giá
Đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ) cho rằng, quỹ bình ổn giá đã giúp cho giá cả hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ bình ổn giá trong thời gian qua cho thấy việc vận hành còn có những hạn chế.
Theo vị đại biểu, chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu, không lập quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng khác. Ngoài ra, cần công khai minh bạch việc sử dụng quỹ bình ổn giá, kèm theo đó là kiểm soát nguồn cung cầu.
“Trong thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu và cho thấy, Quỹ này đã góp phần làm giảm sốc về giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao hoặc là giảm quá mạnh. Việc sử dụng quỹ bình ổn giá đã hạn chế tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân”, ông nói.
Xét về bản chất, giá cả hàng hóa, dịch vụ thực hiện trích quỹ bình ổn giá vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, tăng hay giảm vẫn phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá sẽ tác động làm giá cả tăng chậm hơn hoặc giảm chậm hơn.
Do đó, nếu sử dụng được biện pháp bình ổn giá khác như thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu quy định tại Khoản 3, Điều 20 của dự thảo luật thì không cần thiết phải sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá.
Trong điều kiện hiện nay thì việc bình ổn giá xăng dầu thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu còn khó khăn. Vì vậy, trước mắt, đại biểu Vũ Tuấn Anh thống nhất giữ Quỹ bình ổn giá như dự án Luật, song cần quy định rõ là chỉ lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn không lập quỹ bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ khác.
Đồng thời cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo được thực thi .