Cây hồng trăm tuổi ở Ninh Bình mất mùa, phải dùng quả giả
Từng gây 'bão mạng' vì quả sai trĩu nặng, đỏ ươm một góc sân, cây hồng nổi tiếng Ninh Bình nay vắng khách vô cùng vì mất mùa, phải dùng đến quả giả.
Khoảng cuối năm 2021, cây hồng "cổ thụ" trước cổng nhà bà Lê Thị Xiêm (71 tuổi ở thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) bất ngờ trở nên nổi tiếng và thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan.
Tuy nhiên, đến năm nay, "hiện tượng mạng" này khiến nhiều người tiếc nuối vì không được như mong đợi.
Cụ thể, Vietnamnet thông tin cây hồng sai trĩu quả này chỉ cách Hang Múa tầm 700m. Vốn dĩ đây chỉ là một cây cho trái vừa ngon, vừa sạch nên đến mùa, bà Xiêm sẽ hái để bán hoặc làm quà quê cho các con. Thế nhưng sau bộ ảnh của cháu gái, cây hồng đã "gây bão" và thu hút nhiều người tìm đến để check-in khiến nhà bà luôn tấp nập người ra người vào.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cây hồng lại khá "cô đơn", rất vắng vẻ và không còn được nhiều người tìm tới nữa. Lý do một phần là vì cây ra quả lưa thưa, không sai trĩu như năm ngoái, mặt khác lại được trộn lẫn nhiều quả giả khiến du khách rất thất vọng.
Chia sẻ với Vietnamnet, chị Hà Quyên đến từ Đà Nẵng cho biết: " Khác hẳn với những gì tôi tưởng tượng, cây hồng năm nay rất ít quả, trái nhỏ. Điều tôi tiếc nuối và thất vọng nhất là trên cây xuất hiện nhiều quả giả, nhìn lòe loẹt và không chân thực nữa. Từ xa thì thấy đẹp mà tới gần tôi bị thất vọng ".
Còn với anh Sơn Đoàn, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên mạng xã hội từng có những tấm ảnh đẹp chụp cây hồng này vào năm 2021 cho hay khi quay trở lại vào tháng 10/2022, cây hồng có cả quả giả và quả thật lẫn lộn. Song, anh không quá thất vọng vì mỗi năm mỗi khác, có lúc bội thu thì cũng có lúc mất mùa. Dù cảnh vật không được như mong đợi nhưng cô chủ nhà vẫn rất nhiệt tình, niềm nở đón khách.
Bà Xiêm cho biết năm trước lượng người đến quá đông nên bà không hái đúng thời vụ dẫn đến cây ra hoa, kết trái không đúng mùa. Do đó, bà bất đắc dĩ phải gắn tạm quả giả lên cây như vậy vì sợ du khách đến sẽ thất vọng. Nhìn từ xa thì vẫn sai trĩu quả như thật.
Trước đó, bà Xiêm từng chia sẻ với Dân Việt: " Cây hồng cổ này nghe bố chồng tôi kể có trước khi ông sinh ra, và ước tính tuổi thọ gần 200 năm. Mỗi năm tôi hái khoảng 100kg quả, quả ăn rất thơm, ngon nhiều người thích ". Tầm tháng 12 năm 2021, cây hồng lá đã rụng hết, lộ rõ cành, quả chín đỏ rực khiến mọi người đi qua ai cũng tấm tắc khen đẹp.
Vì có tuổi thọ cao nên phía trong thân cây hồng cổ đã mục một phần, cần được "chăm sóc đặc biệt". " Phải tưới nước, bón phân thường xuyên… Đến mùa quả hồng chín, chưa kịp hái là từng đàn chim từ các nơi bay về ăn quả ", bà Xiêm nói.
Ở khu vực trồng cây hồng, quang cảnh cũng đẹp tự nhiên theo kiểu hoài niệm với mái ngói đã cũ, cửa gỗ, bức tường đá rêu phong nhuộm màu thời gian tựa như ở Hàn Quốc. Khi du khách đổ xô đến, bà Xiêm mở thêm dịch vụ cho thuê trang phục, chụp ảnh với giá 20 nghìn đồng, ngoài ra còn bày thêm cối đá, bàn ăn cơm gỗ, tủ gỗ... để các bạn trẻ thoải mái "sống ảo". " Nhờ cây hồng cổ mà các con tôi có việc làm, tôi có chút thu nhập ", bà Xiêm bộc bạch.
Ai cũng muốn được chiêm ngưỡng cảnh đẹp, có ảnh xinh nhưng nếu du khách kéo đến quá đông thì sẽ xảy ra trường hợp không ai mong muốn như cây hồng ở Ninh Bình. Bạn nghĩ sao về trường hợp này? Chia sẻ suy nghĩ với chúng tôi nhé!
Nhờ sức mạnh của mạng xã hội, ngày nay bất cứ địa điểm nào đẹp đều sẽ nhanh chóng thu hút lượng du khách khổng lồ đến "sống ảo". Song, điều này vô tình khiến cảnh sắc ở những địa điểm nổi tiếng bị xuống cấp vì những hoạt động bảo dưỡng, quy hoạch bị ảnh hưởng.
Với "hiện tượng mạng" nổi tiếng ở Ninh Bình, dù chủ sở hữu luôn muốn khách hàng có trải nghiệm tốt nhất nhưng thực tế, thứ cần được ưu tiên vẫn là cây hồng. Đối với những trường hợp này, chủ cây nên tuân theo chu kỳ của cây, đảm bảo cây ra hoa kết trái đúng thời vụ để tránh xảy ra việc phải gắn quả giả như năm nay.
Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY