Cầu Thủ Thiêm 2 đưa vào hoạt động sau 7 năm chờ đợi
Sáng 28-4, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 nối liền trung tâm quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cầu Thủ Thiêm 2 không chỉ có vai trò kết nối giao thông giữa trung tâm đô thị hiện hữu (quận 1) với khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức mà còn có vai trò hết sức quan trọng là tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và góp phần phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm sớm trở thành một khu đô thị hiện đại với chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996.
Ngoài ra, với vị trí "vàng" trên sông Sài Gòn thì cầu Thủ Thiêm 2 sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc và là biểu tượng mới của thành phố.
Lần lại quá khứ thì dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã được lên kế hoạch triển khai từ rất sớm, cụ thể là thành phố đã cho phép Tổng công ty VINACONEX từ tháng 3-2008, sau 2 năm nghiên cứu dự án và tuyển chọn đơn vị tư vấn nước ngoài để thiết kế kiến trúc, Sở Giao thông vận tải và Hội đồng Kiến trúc - quy hoạch thành phố đã thẩm định, UBND TP đã phê duyệt phương án thiết kế cho cầu Thủ Thiêm 2 với quy mô 4 làn xe và cho phép VINACONEX lập dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức "xây dựng - chuyển giao" (BT).
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2014, kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng, lãi suất ngân hàng có lúc lên đến 25%, thị trường bất động sản đóng băng hoàn toàn; tình hình thu ngân sách thành phố khó khăn.
Bên cạnh đó hạ tầng giao thông trong khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa có gì; suất đầu tư xây dựng tại Thủ Thiêm cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác do nền đất rất yếu và không tiếp cận được các khoản vay tín dụng, nên VINACONEX và cũng tương tự như Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là nhà đầu tư 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm khác theo hình thức BT đã không triển khai và 2 dự án này hoàn toàn ngưng trệ.
Thời điểm ấy thành phố đã có nhiều biện pháp động viên và đốc thúc tích cực, nhưng nhiều nhà đầu tư được giao dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng không thể triển khai nên thành phố đã phải thu hồi một số dự án và hoàn trả tiền ký quỹ, tiền thuê đất đã nộp vào ngân sách thành phố trước đó.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn do khủng hoảng kinh tế và không có nhà đầu tư nào quan tâm đến Thủ Thiêm, mặc dù thành phố có rất nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư.
Lãnh đạo thành phố thời bấy giờ đã mời gọi nhiều nhà đầu tư "triển khai sớm, nhanh chóng các dự án giao thông kết nối Thủ Thiêm với trung tâm thành phố hiện hữu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông nội khu Thủ Thiêm.
Đồng thời, phải hình thành sớm một khu đô thị kiểu mẫu có quy mô đủ lớn cho khu đô thị mới Thủ Thiêm thì mới gia tăng giá trị được cho khu đô thị mới Thủ Thiêm và xúc tiến được các nhà đầu tư khác đầu tư một cách hiệu quả hơn".
Từ năm 2015, Công ty Đại Quang Minh đã đàm phán với VIDIFI để nhận chuyển giao dự án 4 tuyến đường chính và với VINACONEX để nhận chuyển giao dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức BT và đã được thành phố chấp thuận.
Sau khi tiếp nhận dự án cầu Thủ Thiêm 2 từ VINACONEX, thành phố điều chỉnh phương án từ 4 làn xe lên 6 làn xe và hoàn thiện phương án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 có chiều dài tổng cộng là 1.465m với 6 làn xe.
Cầu Thủ Thiêm 2 được thiết kế là cầu dây văng với nhịp không cân xứng nhằm đáp ứng "kiến trúc cầu Rồng" có trụ tháp cao 113m với kết cấu lõi thép liên hợp bê tông bọc ngoài, tạo hình dáng cong nghiêng theo hai phương hình thành "đầu rồng" là cổng chào về phía Thủ Thiêm, trong đó nhịp chính về phía quận 1 có kết cấu là dầm thép bê tông liên hợp và nhịp phía Thủ Thiêm là dầm bê tông cốt thép dự ứng lực.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thi công dự án, các nhà thầu đã gặp nhiều trở ngại nên việc thi công phải kéo dài thời gian, công trình bị ngưng trệ nghiêm trọng do công tác giải phóng mặt bằng phía quận 1, công tác rà soát về pháp lý của dự án và đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM, như vậy thời gian thi công thực sự chỉ khoảng hơn ba năm.
Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 được đầu tư theo phương thức hợp đồng BT có tổng mức đầu tư là 4.260 tỉ đồng và được thanh toán theo nguyên tắc "cùng thời điểm" (cùng mặt bằng giá) được các bộ ngành có ý kiến thống nhất và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Do vậy, tổng vốn đầu tư của dự án chỉ còn 3.082 tỉ đồng, đã tiết giảm được chi phí dự phòng trượt giá và lãi vay 1.178 tỉ đồng.
Qua nội dung kết luận của Kiểm toán Nhà nước ngày 21-8-2020 về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT, thì tổng mức đầu tư được kiểm toán là gần như không chênh lệch với tổng mức đầu tư được phê duyệt.
Với nội dung là "Nhà đầu tư cơ bản đã chấp hành đầy đủ các cam kết trong hợp đồng BT, tuân thủ các chính sách, chế độ, quy định của pháp luật.
Đồng thời, công tác lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán được thực hiện theo quy định. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật phù hợp với thiết kế cơ sở được phê duyệt, các quy chuẩn, tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho dự án".
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Trần Bá Dương - chủ tịch HĐQT THACO kiêm chủ tịch HĐQT Đại Quang Minh - bày tỏ: "Cầu Thủ Thiêm 2 là thành quả của chỉ đạo và hỗ trợ của trung ương và sự nỗ lực của thành phố rất lớn", đồng thời ông Dương cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban bộ ngành trung ương; lãnh đạo Thành ủy, UBND và các sở ban ngành của thành phố qua các thời kỳ.
Đặc biệt bày tỏ sự cảm ơn và niềm thương tiếc đến cố Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình - là người được phân công và dành rất nhiều tâm huyết cho các công trình xây dựng của thành phố, trong đó có công trình cầu Thủ Thiêm 2.