Cầu Long Biên xuống cấp nghiêm trọng, mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt sau nhiều lần tu sửa
Cầu Long Biên là một trong 7 cây cầu huyết mạch bắc qua sông Hồng khu vực Hà Nội, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Trải qua thời gian, cầu hiện tại đang xuống cấp nghiêm trọng.
Cầu Long Biên thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có chiều dài 1691,15m. Cầu được xây dựng từ năm 1899, đến năm 1902 hoàn thành, đưa vào khai thác.
Trải qua 121 năm khai thác, sử dụng, bị chiến tranh phá hoại, cầu đã nhiều lần được khôi phục, gia cố sửa chữa. Đến nay, cầu không còn nguyên vẹn kết cấu như ban đầu. Hiện tại, cầu có 13 nhịp dầm Pháp, còn lại là các nhịp dầm khác.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty CP đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý, duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên thông tin, đơn vị đã xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến mặt đường bị thủng.
"Sự cố do xe ba gác chở nặng chạy qua, cộng với thời tiết mưa nhiều ngày khiến kết cấu mặt đường yếu. Sự cố này là hy hữu, lần đầu tiên xảy ra", ông Phương nói và cho hay lực lượng tuần cầu đã phát hiện, kịp thời khắc phục.
Mặt khác, thiết kế của cầu Long Biên không có phần lối đi bộ hành, sau này mới làm thêm. Hơn nữa, phần đường bộ ban đầu cũng chủ yếu dành cho ô tô qua nên phần hệ thép đỡ hai phía bánh ô tô được làm chắc chắn, gắn với kết cấu cầu; Riêng phần giữa chỉ là các thanh sắt chữ L để đỡ tấm đan theo kiểu nắp hố ga do không phải chịu lực chính. Tuy nhiên, sau này lượng xe máy, xe thồ qua cầu quá nhiều, gây áp lực lên các tấm đan ở giữa, "phá" mặt đường.
Thông tin từ Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT, cầu Long Biên vẫn đảm bảo việc an toàn chạy tàu và đi lại của người dân trong bối cảnh khó khăn về kinh phí nâng cấp, sửa chữa.
Hiện, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị quản lý thực hiện ngay việc bảo trì, vá ổ gà làm thêm hoặc có những cảnh báo để người dân biết được thực trạng của cầu.
Về lâu dài cần phải khắc phục sự cố triệt để, ông Minh cho rằng, Bộ GTVT sẽ ưu tiên cấp thêm kinh phí để sửa chữa những đoạn hư hỏng trong phần dành cho đường bộ tại cầu Long Biên. Tuy nhiên. về lâu dài, phải có kế hoạch, phương án trùng tu tổng thể cầu Long Biên.
Trong kế hoạch năm 2022, Bộ GTVT sẽ triển khai gói kiểm định chất lượng toàn bộ cầu Long Biên. Sau khi có kết quả kiểm định mới có thể đề xuất phương án trùng tu tổng thể cầu Long Biên đang bị xuống cấp nghiêm trọng được.
Đối với việc sửa chữa, trùng tu cầu Long Biên một cách tổng thể, toàn diện, chúng ta phải cần nguồn kinh phí rất lớn. Chẳng hạn, việc sơn lại toàn bộ cầu Long Biên cũng cần kinh phí lên tới 70 tỷ đồng. Hiện nay, việc duy tu, bảo trì cầu Long Biên vẫn đang sử dụng nguồn tiền kinh tế sự nghiệp đường sắt với kinh phí nhỏ giọt.
Bảo Khánh