Câu hỏi về "số phận" của Ukraine vẫn còn bỏ ngỏ
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 6 nhưng chưa biết kết thúc lúc nào và bằng cách gì. Giới chức Kiev vẫn đang đau đầu tìm "ánh sáng cuối con đường".
Đại sứ Mỹ nói về mục tiêu của Nga tại Ukraine
Theo đó, phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 29/7 vừa qua, bà Linda Thomas-Greenfield nói, Mỹ đang chứng kiến ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị cho nỗ lực sáp nhập toàn bộ khu vực phía Đông Ukraine gồm Donetsk và Lugansk, cũng như khu vực Kherson và Zaporizhzhia ở phía Nam bằng cách lập nên "các quan chức ủy nhiệm bất hợp pháp tại các khu vực do Nga kiểm soát với mục tiêu tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý hoặc ban hành sắc lệnh giả để sáp nhập các vùng này vào Nga".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov "thậm chí đã khẳng định đây là mục tiêu chiến tranh của Nga", Đại sứ Mỹ cho hay. Trước đó, ngày 24/7, Ngoại trưởng Lavrov phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Arab ở Cairo rằng mục tiêu bao trùm của Moscow ở Ukraine là giải phóng người dân khỏi "chế độ không thể chấp nhận" này. Ông Lavrov cũng cho biết, các mục tiêu của Nga ở Ukraine đã mở rộng ra ngoài khu vực Donbass. "Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân Ukraine loại bỏ chế độ chống lại nhân dân và chống lại lịch sử này”, vị Ngoại trưởng nói.
Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cũng tuyên bố tại Hội đồng Bảo an rằng: "Việc phi quân sự hóa và phi phát-xít hóa sẽ được thực hiện đầy đủ. Trong giai đoạn này sẽ không còn mối đe dọa với Donbass hay với Nga hoặc những vùng lãnh thổ Ukraine được giải phóng, những nơi mà lần đầu tiên sau nhiều năm người dân cảm nhận được rằng họ có thể sống theo cách họ muốn".
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ Thomas-Greenfield khẳng định, "an ninh của một quốc gia không nên được đánh đổi bằng an ninh của quốc gia khác", đồng thời cho rằng: "Đặt an ninh của mình lên trên an ninh của các quốc gia khác, tăng cường hoạt động quân sự, thiết lập ưu thế sẽ chỉ dẫn đến xung đột và đối đầu, gây chia rẽ cộng đồng quốc tế và khiến an ninh của chính mình suy giảm".
Ukraine đề nghị tòa quốc tế điều tra vụ pháo kích trại tù binh ở Donetsk
Nhà tù ở Yelenovka (phía Nam Donetsk) là nơi giam giữ hàng trăm tù nhân Ukraine, chủ yếu là thành viên Tiểu đoàn Azov bị bắt ở nhà máy Azovstal (Mariupol) hồi tháng 5. Nhà tù bị tấn công lúc khoảng 2h sáng 29/7 (giờ địa phương), khi các tù nhân đang ngủ. Đến chiều cùng ngày, giới chức Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự phong cho biết, 53 người đã chết, 75 người khác bị thương.
DPR đã trưng ra các mảnh đạn pháo phản lực mà họ nói là của hệ thống HIMARS - loại rocket được Mỹ cung cấp cho Ukraine. Phát ngôn viên dân quân DPR Eduard Basurin nói với báo giới rằng, giới chức Ukraine biết chính xác nơi các tù binh Azov bị giam giữ. Ông này tố Kiev ra lệnh thực hiện vụ pháo kích nói trên, nhằm tiêu diệt các chiến binh Azov trước khi họ ra tù làm chứng chống lại chính quyền Ukraine.
Tuy nhiên, chính quyền Ukraine tố ngược Nga tiến hành vụ tấn công này. Kiev kêu gọi Tòa Hình sự Quốc tế vào cuộc điều tra vụ pháo kích trại tù binh gần Yelenovka, cáo buộc đây là "tội ác chiến tranh của Nga". "Chúng tôi kêu gọi Văn phòng Công tố của Tòa Hình sự Quốc tế khẩn trương chú ý đến hành vi của lực lượng Nga trong quá trình điều tra tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người của công dân Nga trên lãnh thổ Ukraine", Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 29/7 cho biết. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cáo buộc vụ pháo kích vào trung tâm giam giữ Yelenovka là "một tội ác chiến tranh".
Bình luận về cáo buộc này, John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói rằng: “Chúng tôi không có đủ thông tin về bình luận về những cáo buộc này". Theo một quan chức cấp cao giấu tên của Lầu Năm Góc, Mỹ “không có bất kỳ thông tin chắc chắn nào” về những gì đã xảy ra và liệu cơ sở này có bị Ukraine hay Nga tấn công hay không.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về vụ việc. Tuy nhiên, văn phòng của ông Guterres cho biết, ông thiếu báo cáo tin cậy để có thể đưa ra bình luận.
Ngoại trưởng Nga - Mỹ điện đàm lần đầu sau bùng phát xung đột ở Ukraine
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken theo đề nghị của Washington hôm 29/7. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa 2 nhà ngoại giao hàng đầu của Moscow và Washington kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2. Được biết, cuộc điện đàm kéo dài 25 phút và mang tính chất thẳng thắn. Ngoài các vấn đề về cuộc xung đột, hai quan chức cũng đã thảo luận về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, được ký kết tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, và khả năng tổ chức một cuộc trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Nga.
Ông Lavrov cũng nói rằng, việc phương Tây liên tục giao vũ khí cho Kiev sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine và mang lại thêm nhiều đau khổ. Ngoại trưởng Nga khẳng định, các lực lượng Nga tại Ukraine tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh, Nga đã thực hiện “những nỗ lực mang tính hệ thống” để giúp người dân ở các vùng lãnh thổ do nước này kiểm soát trở lại cuộc sống bình thường.
Ngoại trưởng Blinken cho biết, ông đã nhắc người đồng cấp Lavrov rằng thế giới mong đợi Nga sẽ thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận với Ukraine đã ký tại Thổ Nhĩ Kỳ để mở lại xuất khẩu ngũ cốc và phân bón. Đáp lại, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng chính các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm phức tạp tình hình lương thực toàn cầu. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng cảnh báo ông Lavrov rằng Nga không nên tiến hành các kế hoạch sáp nhập thêm các phần lãnh thổ của Ukraine.
Mỹ xem xét coi Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố”, tính áp thêm trừng phạt
Chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng coi Nga là quốc gia tài trợ khủng bố và cân nhắc các biện pháp khác để áp thêm trừng phạt lên Moscow, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm 29/7 cho hay. "Chúng tôi đang xem xét một loạt đề xuất để khiến Nga tiếp tục phải trả giá", bà Jean-Pierre nói.
Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng, Chính phủ Mỹ đã áp trừng phạt lên Nga với mức độ tương đương khi áp trừng phạt lên những nước bị coi là tài trợ khủng bố. "Lệnh trừng phạt mà chúng tôi áp lên Nga tương đương với hậu quả của một quốc gia bị coi là tài trợ khủng bố. Nga đã vỡ nợ lần đầu tiên sau hơn 1 thế kỷ", bà Jean-Pierre nhận định.
Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Moscow và Washington sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa Nga vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
Trong một bài phát biểu được ghi hình cùng ngày, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng kêu gọi Mỹ đưa Nga vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố và cáo buộc Nga liên quan đến việc hàng chục tù binh Ukraine bị thiệt mạng tại một cơ sở giam giữ do Moscow quản lý. Ông Zelensky nhấn mạnh: "Tôi đang đưa ra lời kêu gọi đặc biệt đối với Mỹ. Một quyết định cần được đưa ra và là cần thiết trong bối cảnh hiện nay”.
Trong một động thái liên quan, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell trước đó cùng ngày đã lên án những hành động mà các lực lượng vũ trang Nga và lực lượng ủy nhiệm gây ra ở Ukraine.
Ukraine kêu gọi phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí
Ngày 29/7, Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko kêu gọi phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí để tăng khả năng tác chiến cho lực lượng vũ trang Ukraine. Theo ông Gerashchenko, với mức cung cấp vũ khí cho Ukraine từ các nước phương Tây như hiện nay, quân đội nước này chỉ còn khả năng chiến đấu trong vài tháng nữa.
Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine nhấn mạnh rằng, Ukraine đang thiếu vũ khí trầm trọng, vì vậy các nước phương Tây cần “đáp ứng nhu cầu của nước này càng nhanh càng tốt”. Ông cũng nói thêm rằng để đáp ứng nhu cầu của Ukraine, các nhà máy sản xuất vũ khí của Mỹ và châu Âu cần tăng cường sản xuất và cung cấp cho nước này.
Trong một diễn biến liên quan, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho hay, Washington tự tin có thể tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự để đáp ứng những nhu cầu của quân đội Ukraine, trong đó có hệ thống pháo phản lực HIMARS. "Chúng tôi đang liên tục hợp tác với Ukraine để xem xét về tỉ lệ sử dụng của họ bởi chúng tôi muốn đảm bảo họ sẽ có những thứ họ cần trên chiến trường. Vì vậy, chúng tôi thực sự cảm thấy tự tin về sự hỗ trợ an ninh của mình trong việc tiếp tục ủng hộ Ukraine", quan chức Mỹ trả lời khi được hỏi liệu có lo ngại về việc Mỹ sẽ cạn kiệt HIMARS cung cấp cho Ukraine hay không”, quan chức này cho hay.
TÚ ANH (T/h)