Câu hỏi quan trọng đối với chính phủ liên minh của Thủ tướng Đức
Nếu một đảng trong liên minh muốn rời đi, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ buộc phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà ông rất có thể sẽ thua.
Nhiều sự chia rẽ hơn là đoàn kết đang quét qua liên minh cầm quyền ở Đức, bao gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Xanh (Greens) của Phó Thủ tướng Robert Habeck, và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ doanh nghiệp của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner.
Cuộc khủng hoảng ngân sách mà liên minh này đã vượt qua vào cuối năm ngoái có nghĩa là vào năm nay, ngân sách sẽ không còn rủng rỉnh để giải quyết những khác biệt. Câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu Chính phủ liên minh có thể tiếp tục giữ nguyên quỹ đạo của mình cho tới hết nhiệm kỳ hay không?
Sự thúc đẩy tạm thời
Sự bất bình đã âm ỉ trong Đảng FDP trong nhiều tháng nay. Là đối tác liên minh nhỏ nhất trong Chính phủ liên bang Đức hiên tại, FDP đã phải chịu hết thất bại này đến thất bại khác trong các cuộc bầu cử cấp bang và địa phương vào năm 2022 và 2023.
Các chính trị gia địa phương cho rằng mối quan hệ đối tác không mấy tốt đẹp ở Berlin là nguyên nhân. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ có 1/5 công dân vẫn hài lòng với công việc của liên minh “đèn giao thông” – cách gọi liên minh cầm quyền theo màu sắc truyền thống của 3 đảng: Mùa đỏ của SPP, màu vàng của FDP, và màu xanh của Greens.
Có nhiều người trong FDP chỉ nhìn thấy một lối thoát: Đảng này phải rời khỏi chính phủ liên minh mà họ cho rằng đang cản trở con đường phía trước của họ. Một cuộc khảo sát các đảng viên, kết thúc vào ngày 1/1, được cho là sẽ dọn đường cho động thái “chia tay” này. Tuy nhiên, 52% đảng viên FDP đã bỏ phiếu chọn ở lại liên minh, theo kết quả được công bố hôm 1/1.
Kết quả này có lẽ đã khiến các lãnh đạo ở trụ sở của 3 đảng cầm quyền thở phào nhẹ nhõm. Mặc dù cuộc bỏ phiếu không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng ban lãnh đạo Đảng FDP không thể làm ngơ nếu đa số ủng hộ việc rời liên minh.
Ông Christian Dürr, chủ tịch nhóm nghị sĩ của FDP, hoan nghênh kết quả của cuộc bỏ phiếu nội bộ, nói rằng nó “khẳng định rằng FDP luôn thực hiện trách nhiệm của mình ngay cả trong thời điểm đầy thử thách”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng FDP “phải tiếp tục nỗ lực đưa đất nước chúng ta tiến lên bằng các chính sách tự do”, một tuyên bố có thể được coi là lời cảnh báo đối với SPD và Đảng Xanh rằng FDP vẫn có ý định đẩy lùi các chương trình nghị sự của họ.
Trên thực tế, kết quả thăm dò công bố ngày 1/1 có thể chỉ mang lại sự thúc đẩy tạm thời. Đó là bởi vì năm 2024 là năm bầu cử, với các cuộc bầu cử ở châu Âu sẽ được tổ chức vào ngày 6-9/6 và nghị viện ở các bang Saxony, Thuringia và Brandenburg sẽ được bầu lại vào tháng 9. Các cuộc bầu cử địa phương cũng dự kiến sẽ diễn ra ở 9 trong tổng số 16 bang trên toàn nước Đức.
Ở Saxony, Thuringia và Brandenburg, Đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) cực hữu cho đến nay là đảng mạnh nhất. Chỉ có Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) trung hữu mới có thể theo kịp. Các đảng SPD, Greens và FDP trong liên minh cầm quyền bị tụt lại phía sau rất xa, với tỉ lệ tán thành thấp ở mức một con số trong một số cuộc thăm dò ý kiến.
Ba đảng cũng đã mất vị thế đáng kể ở cấp liên bang kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2021. Mặc dù ban đầu họ vẫn chiếm đa số với tổng số 52% phiếu bầu, tỉ lệ tán thành của họ trong các cuộc thăm dò ý kiến hiện đã giảm mạnh xuống còn 32%.
Thay đổi nghẹt thở
Trong bài phát biểu trước toàn quốc vào đêm giao thừa, Thủ tướng Olaf Scholz thừa nhận rằng nhiều người không hài lòng. “Tôi ghi nhớ điều đó”, ông nói. Nhưng thế giới đã trở nên “hỗn loạn và khắc nghiệt hơn” và đang thay đổi “với tốc độ gần như nghẹt thở”, ông nói thêm và cho biết rằng nước Đức cũng phải thay đổi theo đó.
Nhưng đó có thực sự là những thay đổi đang khiến người dân đang phải vật lộn thích nghi, hay đó là cách chính phủ liên minh đang giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng và hậu quả của chúng?
Cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn theo sau cuộc chiến của Ngà ở Ukraine, lạm phát tăng vọt và sự trì trệ của nền kinh tế là những điều nước Đức đang phải đối mặt.
Điều đáng nói là tỉ lệ tán thành dành cho Thủ tướng Đức đang tiếp tục lao dốc trong các cuộc thăm dò. Điều này có khả năng một phần là do phong cách giao tiếp nổi tiếng không uyển chuyển của vị chính trị gia 65 tuổi này.
Khi liên minh đang gặp bất hòa – điều đã thường xảy ra vào năm 2023, ông Scholz thích xa lánh sự chú ý của công chúng và chỉ lên tiếng khi cảm thấy điều đó thực sự cần thiết. Năm 2024 có lẽ sẽ là năm khó khăn nhất trong nhiệm kỳ của liên minh cầm quyền. Ngoài tất cả những khác biệt về chính trị và tư tưởng, hiện nay còn có tranh chấp về ngân sách.
Liên minh này là liên minh của một đảng tự do về kinh tế và 2 đảng cánh tả. SPD và Greens cam kết xây dựng một nhà nước vững mạnh và muốn có nhiều tiền cho phúc lợi xã hội và bảo vệ khí hậu. Trong khi đó, FDP có quan điểm ngược lại, nhấn mạnh vào trách nhiệm cá nhân và tinh gọn nhà nước.
Để hóa giải những mâu thuẫn này, ông Scholz, người vẫn giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của bà Angela Merkel vào năm 2021, đã nghĩ ra một thủ thuật thông minh. Ông đề xuất rằng khoản tín dụng trị giá 60 tỷ Euro chưa được sử dụng mà quốc hội đã thông qua vào năm 2021 trong thời kỳ đại dịch Covid-19, sẽ được chuyển sang một quỹ đặc biệt do Chính phủ của ông quản lý.
Ngân sách đề xuất cung cấp đủ kinh phí cho các kế hoạch chính trị của SPD và Greens, đồng thời cho phép Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của FDP lập ngân sách liên bang thường xuyên mà không phải gánh thêm bất kỳ khoản nợ mới nào.
Kế hoạch này chỉ có tác dụng trong vòng chưa đầy 2 năm. Sau đó vào tháng 11/2023, Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức đã “tuýt còi”, xác định rằng việc tái sử dụng quỹ này là vi hiến. Do phán quyết này, ngân sách của chính phủ liên minh bị “thủng” một lỗ và các khoản vay thêm bị hạn chế chặt chẽ bởi biện pháp “phanh nợ” quy định trong Hiến pháp Đức, được đưa ra vào năm 2009.
Chính phủ liên minh giờ đây sẽ phải tiết kiệm trong thời gian nắm quyền còn lại, nhưng cũng không có ít nhất một khoảng trống để thở. Tranh cãi về tiền bạc có thể sẽ gây thêm rạn nứt trong liên minh “đèn giao thông” trong những tháng tới.
Nỗi sợ bị chia rẽ
Tại một hội nghị gần đây của Đảng SPD, ông Scholz cho biết Đức có thể phải cung cấp nhiều viện trợ hơn cho Ukraine “nếu các nước khác suy yếu” – một sự ám chỉ rõ ràng đến tình hình chính trị ở Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Vì vậy, ông nói, các quyết định cần được đưa ra từ phía Đức để đảm bảo “rằng Đức có đủ khả năng để làm điều đó”.
Thủ tướng Đức rõ ràng đang đề cập đến biện pháp “phanh nợ”, vốn buộc chính phủ liên bang và tiểu bang phải cân bằng sổ sách của họ. Ông Scholz đã thuyết phục được Bộ trưởng Tài chính Lindner rằng ít nhất họ sẽ thảo luận về việc đình chỉ phanh nợ một lần nữa trong năm nay, nếu thấy rằng hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine cần phải được tăng thêm.
Nhưng điều này không có nghĩa là FDP sẽ đồng ý. Cuộc khảo sát nội bộ FDP cho thấy 48% đảng viên đảng này muốn rời liên minh, và con số đó có thể dễ dàng tăng lên theo thời gian.
Các nhà lãnh đạo đảng sợ sự chia rẽ hơn bất cứ điều gì khác. Trong trường hợp tổ chức các cuộc bầu cử mới, họ không chỉ lo sợ mất quyền lực mà nhiều nhà lập pháp có thể sẽ phải từ bỏ ghế trong Hạ viện (Bundestag).
Đó là lý do tại sao ở cấp độ các quan chức và trong các phe phái trong Quốc hội Đức, mọi người đều cố gắng duy trì liên minh. Nỗi lo về sự lạc hậu về mặt chính trị có lẽ là điều duy nhất sẽ gắn kết các đối tác liên minh lại với nhau trong năm 2024 này .
Minh Đức (Theo DW, Politico EU)